Bài 6: Bối cảnh ra đời của Tòa Trọng tài Thường trực

Hồ sơ - Ngày đăng : 05:48, 15/07/2016

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) là tòa án liên chính phủ thường trực đầu tiên giúp giải quyết các tranh chấp thông qua trọng tài và nhiều biện pháp hòa bình khác.
Trụ sở Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan) - Ảnh: PCA

Thành lập Tòa Trọng tài Thường trực là ý tưởng của Sa hoàng Nga Nicholas II. Từ năm 1898, Sa hoàng đã ra sức thuyết phục các quốc gia rằng các hoạt động leo thang quân sự có nguy cơ gây ra chiến tranh cần phải bị chấm dứt. Ngoài ra, thế giới cần có một cơ chế thật hiệu quả để giải quyết tranh chấp quốc tế, qua đó các nguy cơ gây ra chiến tranh sẽ bị hạn chế và ngăn chặn.

Công ước The Hague I

Với ý tưởng này, hội nghị hòa bình lần thứ nhất đã được diễn ra ngày 19.5.1899 tại thành phố The Hague (Hà Lan) dưới sự chủ trì của Sa hoàng Nicholas II và Ngoại trưởng Nga Mikhail Nikolayevich Muravyov.

Tại hội nghị, đại diện của 26 nước, gồm lãnh đạo các nước Bắc Mỹ và Nam Mỹ, vua Nam Tư, Hoàng đế đế quốc Ottoman, Quốc vương Thái Lan, đại diện của nhà Thanh (Trung Quốc)... đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến chiến tranh cũng như giải quyết xung đột giữa các quốc gia.

Kết thúc hội nghị, Công ước The Hague I ra đời với nội dung cơ bản tập trung vào việc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trong đó có quy định thành lập Tòa Trọng tài Thường trực với tư cách là thiết chế giúp các quốc gia giải quyết tranh chấp (được nói đến trong điều 16 và điều 20 Công ước The Hague I).

Trên cơ sở Công ước The Hague I, Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập vào năm 1900 và bắt đầu đi vào hoạt động năm 1902.

Trụ sở của tòa đặt tại Cung điện Hòa Bình (thành phố The Hague). Vụ đầu tiên tòa giải quyết là tranh chấp tiền kho hàng của bang California giữa Mỹ và Mexico năm 1902.

Hội nghị hòa bình lần thứ nhất khai sinh ra Công ước The Hague I và Tòa Trọng tài thường trực- ảnh: iwm.co.uk
Hội nghị hòa bình lần thứ nhất khai sinh ra Công ước The Hague I và Tòa Trọng tài Thường trực - Ảnh: iwm.co.uk

Công ước The Hague II

Đến năm 1904, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt kêu gọi triệu tập hội nghị hòa bình lần 2. Do chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905), phải đến ngày 15.10.1907 hội nghị mới được triệu tập.

Sau 3 ngày họp, hội nghị hòa bình lần 2 cho ra Công ước The Hague II, sửa đổi và bổ sung một số nội dung cho Công ước The Hague I.

Đặc biệt, Công ước The Hague II đã tập trung quy định cụ thể thủ tục tố tụng trọng tài, trong đó có quy định về thẩm quyền của Tòa Trọng tài Thường trực (điều 42), trình tự và thủ tục chọn trọng tài viên (từ điều 44 đến điều 46), trình tự và thủ tục để Tòa Trọng tài giải quyết một vụ tranh chấp cụ thể (từ điều 51 đến điều 85), thủ tục tố tụng trọng tài rút gọn (từ điều 86 đến điều 90).

Như vậy, qua hai công ước The Hague năm 1899 và 1907, quy chế tổ chức và hoạt động của Tòa Trọng tài đã được hoàn thiện.

Thêm nhiều tòa án quốc tế

Từ năm 1097 đến nay, thế giới đã xuất hiện thêm Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), cơ quan tài phán thường trực của LHQ được thành lập vào năm 1945; Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) được thành lập bởi Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; Tòa Hình sự quốc tế (ICC) được thành lập năm 2002.

Sự xuất hiện và đi vào hoạt động của các tòa này đã đặt ra vấn đề liệu Tòa Trọng tài Thường trực có cần tiếp tục tồn tại hay không.

Tuy nhiên, trái với lo ngại, Tòa Trọng tài Thường trực vẫn tiếp tục phát triển và trở thành một thiết chế tài phán quan trọng, thụ lý nhiều vụ lớn, đặc biệt là các vụ liên quan đến lãnh thổ như tranh chấp quần đảo Hanish giữa Eritrea và Yemen (1998-1999); vụ tranh chấp biên giới trên biển giữa Barbados với Trinidad và Tobago (2006).

Tòa Trọng tài Thường trực không phải là tổ chức thường trực

Mặc dù có tên gọi là Tòa Trọng tài Thường trực nhưng đây không phải là tổ chức thường trực.

Theo hai công ước The Hague I và II thì tổ chức này trên thực tế chỉ là một danh sách các cá nhân có khả năng xét xử một cách công bằng trên cơ sở luật pháp và công lý được các quốc gia tiến cử. Như vậy, khác với các tòa án quốc tế khác, Tòa Trọng tài mang bản chất của một tổ chức trọng tài vụ việc hơn là một cơ quan tài phán quốc tế độc lập, được duy trì thường xuyên.

Tòa Trọng tài Thường trực gồm các cá nhân có khả năng xét xử công bằng được các quốc gia tiến cử - Ảnh: PCA

Nhiệm vụ của Tòa Trọng tài Thường trực là tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia bằng trọng tài hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác. Tòa có thẩm quyền giải quyết tranh chấp rất rộng về phạm vi vụ việc và phạm vi chủ thể.

Về phạm vi vụ việc, theo điều 21 Công ước The Hague I (1899) và điều 42 Công ước The Hague II (1907), tòa sẽ có thẩm quyền giải quyết mọi trường hợp tranh chấp mang đến trọng tài, ngoại trừ trường hợp các bên đồng ý chọn một tòa án khác giải quyết.

Về phạm vi chủ thể, Tòa án Công lý quốc tế chỉ giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể là quốc gia, Tòa Hình sự quốc tế chỉ xét xử các cá nhân phạm tội ác chống nhân loại, Tòa quốc tế về Luật Biển chỉ giải quyết các tranh chấp về biển đảo.

Trong khi đó, Tòa Trọng tài Thường trực có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia với nhau như tranh chấp các đảo quanh eo biển Malacca giữa Singapore và Malaysia năm 2003, tranh chấp giữa quốc gia với tổ chức như vụ kiện giữa Công ty Mytilineos Holdings S.A. của Hy Lạp với Serbia năm 2015, tranh chấp giữa các tổ chức với nhau như tranh chấp giữa Công ty Indian Potash Limited của Ấn Độ với Công ty Agriculture Inputs Company Limited của Nepal năm 2015.

Cẩm Bình (theo pca-cpa.org, pcacase.com)

Bài 7: Các nước răm rắp tuân theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực