Hội đồng An ninh quốc gia Trung Quốc mất tăm tích
Hồ sơ - Ngày đăng : 05:09, 06/07/2016
Theo tạp chí Foreign Policy (Mỹ) ngày 30.6, các tổ chức nghiên cứu an ninh của Trung Quốc từng bàn ý tưởng lập Hội đồng An ninh quốc gia suốt hơn 20 năm qua.
Cơ quan bí mật không hoạt động gì
Mục đích của việc trên nhằm phản ứng với các vụ khủng hoảng trong các thập niên 1990-2000,ví dụ vụ NATO ném bom nhầm vào sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999, hoặc vụ máy bay do thám Mỹ đâm vào máy bay chiến đấu Trung Quốc năm 2001.
Những người ủng hộ ý tưởng cho rằng phải có nhân viên giỏi, lực lượng mạnh thì sẽ có phản ứng tốt hơn với các vụ khủng hoảng đồng thời tăng dòng thông tin cho Hội đồng An ninh quốc gia và phối hợp cùng với hoạt động của quân đội, Bộ Ngoại giao, các cơ quan tình báo…
Đầu năm 2014, Bộ Chính trị Trung Quốc công bố Hội đồng An ninh quốc gia sẽ “lên kế hoạch tổng thể và điều phối các vấn đề đại sự liên quan đến an ninh quốc gia và đặt ông Tập Cận Bình làm chủ tịch.
Đến tháng 4.2014, Hội đồng An ninh quốc gia tổ chức cuộc họp đầu tiên (và duy nhất) để ông Tập chỉ đạo quan điểm về một hệ thống an ninh quốc gia mới. Theo ông Tập, cơ quan này được lập để đối phó với các thử thách an ninh trong và ngoài nước.
Tạp chí Foreign Policy ghi nhận chuyện kỳ quái xảy ra sau đó là Hội đồng An ninh quốc gia không hề hoạt động, không hề công bố tất cả thành viên, không có cuộc họp nào được công bố. Và xem ra Hội đồng An ninh quốc gia không hề giữ vai trò nào trong phản ứng của Bắc Kinh đối với các vụ khủng hoảng trong và ngoài nước.
Trong khi đó, các cơ quan mới được lập dưới thời ông Tập rất thu hút chú ý như Nhóm lãnh đạo cải cách sâu sắc toàn diện, chịu trách nhiệm cải cách kinh tế Trung Quốc.
Hội đồng An ninh quốc gia không hề thiếu cơ hội hoạt động vì Trung Quốc phải đối mặt với nhiều tình hình từ tháng 4.2014, như vụ sơ tán công dân Trung Quốc khỏi Yemen hồi tháng 3.2015, các vụ nổ lớn ở Thiên Tân vào tháng 4.2015 và vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Vậy nhưng Hội đồng An ninh quốc gia không được giao nhiệm vụ phản ứng trước các sự kiện này. Giới truyền thông Trung Quốc không hề có cơ hội biết hoạt động của Hội đồng An ninh quốc gia trong việc lập kế hoạch an ninh quốc gia dài hơi.
Tạp chí Foreign Policy cho rằng có lẽ đảng cầm quyền ở Trung Quốc chọn cách giữ bí mật cực kỳ về hoạt động của Hội đồng An ninh quốc gia, hay cơ quan này thực sự giữ một vai trò nào đó nhưng không được công bố.
Điều khó hiểu là ngay cả cơ quan cần giữ bí mật như Quân ủy Trung ương cũng thường thông tin rộng rãi về các cuộc họp, các quyết định, cán bộ…
Không muốn chia sẻ quyền lực cho ông Tập
Khi phát triển ý tưởng, các nhà cải cách Trung Quốc muốn áp dụng mô hình Hội đồng An ninh quốc gia của Mỹ vốn là một diễn đàn chính để tổng thống Mỹ nghe tư vấn về các vấn đề an ninh quốc gia và giám sát công tác điều phối giữa các cơ quan liên quan.
Các nhà phân tích quan sát rằng không riêng Mỹ, hầu hết các cường quốc như Nga, Anh, Ấn Độ đều có các tổ chức tương tự. Từ đó,việc Trung Quốc lập Hội đồng An ninh quốc gia riêng không chỉ nhằm giải quyết các chuyện điều phối mà còn là một biểu tượng thể hiện Trung Quốc là một cường quốc.
Thế nhưng các ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, hai vị tiền nhiệm của ông Tập, đều không khởi động kế hoạch trên. Họ không thể khắc phục nỗi sợ của tập thể rằng tổ chức này phá vỡ cơ chế tập thể nhất trí ra quyết định (trong đó quyền lực được chia cho các ủy viên Bộ Chính trị) bằng việc tập trung hết quyền lực vào tay của lãnh đạo duy nhất.
Trong những năm 1990-2000, hệ thống lấy ý kiến tập thể để bảo vệ cân bằng quyền lực cho giới lãnh đạo. Cách làm này bảo đảm không để một nhân vật kiểu Mao Trạch Đông nổi lên.
Tập Cận Bình bị bè phái ngầm chống đối
Báo The Economist (Anh) năm 2013 từng vẽ trang bìa ông Tập mặc hoàng bào để ví ông giống Càn Long, vị hoàng đế nhiều ảnh hưởng của Trung Hoa. Ông Tập cũng được một số người gọi là “chủ tịch-hoàng đế” thích thâu tóm quyền lực vì ông thâu tóm nhiều chức vụ và “đẻ” ra nhiều cơ quan để ông đứng đầu….
Nhiều nhà quan sát xem việc ông Tập lập Hội đồng An ninh quốc gia một năm sau khi ông nắm quyền lực (cuối năm 2012) là dấu hiệu ông có khả năng thâu tóm quyền lực.
Việc này đi đôi với nỗ lực trừng phạt các đối thủ chính của ông Tập, thông qua chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” do chính ông khởi xướng ngay sau khi nhậm chức tổng bí thư.
Nhờ chiến dịch này, ông Tập đã trừng phạt nhiều cán bộ cấp cao có thể đe dọa quyền lực của ông, gồm Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu (hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương) và cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang.
Gần đây nhất, tòa án đã kết án tù chung thân Lệnh Kế Hoạch, một ngôi sao chính trị đang nổi và từng là trợ lý của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về 3 tội danh tham nhũng, lạm dụng quyền lực và giữ trái phép tài liệu bí mật quốc gia.
Nếu mục tiêu lập Hội đồng An ninh quốc gia là để củng cố quyền lực của ông Tập, thì tại sao cơ quan này lại không công bố vài thông tin cho biết hoạt động và thành tích dưới quyền lãnh đạo của ông Tập?
Theo tạp chí Foreign Policy, có lẽ Hội đồng An ninh quốc gia vẫn còn trong giai đoạn phát triển và đang xác định các vấn đề như quyền quyết định trong nội bộ, tuyến quyền lực và nhân viên.
Tiến độ hoạt động của Hội đồng An ninh quốc gia cũng có thể bị chậm bởi Lật Chiến Thư và Thái Kỳ, hai người được cho là trưởng và phó phòng nhân sự Hội đồng An ninh quốc gia đều không phải là cán bộ an ninh.
Hai ông này đều là đồng minh chính trị của ông Tập, từng là quan chức cấp tỉnh. Có thể họ cần thêm thời gian tuyển đúng người và làm việc “thí điểm”.
Nhưng điều này cũng không giải thích được việc Trung Quốc quyết không công bố các chi tiết cơ sở, như cán bộ chủ chốt của Hội đồng An ninh quốc gia hoặc các ngày họp của cơ quan bí mật này.
Lời giải thích có thể hợp lý nhất là các lãnh đạo khác phản đối khiến cản trở sự phát triển của Hội đồng An ninh quốc gia. Có thể vài người trong giới lãnh đạo cấp cao chống đối chuyển quyền lực cho một cơ quan do ông Tập đứng đầu.
Đấy là sự nối tiếp của quan điểm rằng các vấn đề an ninh quốc gia Trung Quốc phải do tập thể xử lý chứ không được giao vào tay một lãnh đạo.
Theo tạp chí Foreign Policy, điều này cũng phù hợp với thông tin có chuyện “một bộ phận” trong đảng cầm quyền chống ông Tập, gồm một lá thư được cho là do “một số đảng viên cộng sản trung thành” viết đòi ông Tập từ chức.
Hoặc các trang mạng xã hội Trung Quốc “nóng” vụ đảng viên-đại gia bất động sản Nhậm Chí Cường phản đối ông Tập kiểm soát giới truyền thông.
Chính ông Tập cảnh báo “những bè phái âm mưu phá hoại đảng” do ông đứng đầu. Vấn đề là không rõ ai là đối thủ của ông khi ông Tập đã loại bỏ các đối thủ tiềm năng nhiều quyền lực như Chu Vĩnh Khang.
Ở cấp độ quan liêu bàn giấy, có thể có những tranh cãi ai đáng được đưa vào Hội đồng An ninh quốc gia và cơ quan này phải có quyền nào để điều phối hệ thống điều hành rộng lớn và phức tạp của Trung Quốc.
Theo Foreign Policy, quân đội Trung Quốc là một thế lực mạnh, nổi tiếng giữ chặt tin tình báo về khả năng và hoạt động của họ.
Một vấn đề khác là khả năng “tréo chân nhau” giữa Hội đồng An ninh quốc gia, Quân ủy trung ương và chính phủ Trung Quốc trong xử lý khủng hoảng. Những người ủng hộ Quân ủy trung ương và chính phủ cho rằng chính họ phải nắm quyền xử lý.
Ông Tập đã yếu quyền bính?
Hoạt động bí mật của Hội đồng An ninh quốc gia không là tín hiệu tốt cho ông Tập mà chỉ chứng tỏ sự thiếu tin cậy lẫn nhau, và mâu thuẫn với nỗ lực quảng bá minh bạch ở các lĩnh vực khác.
Một giai đoạn khởi động quá dài có thể chỉ ra sự thất bại của ông Tập và các cố vấn của ông trong việc xây dựng Hội đồng An ninh quốc gia thành một cơ quan hoạt động hiệu quả.
Lời giải thích đáng phiền nhất liên quan đến thái đô chống đối của giới lãnh đạo và các quan chức. Nếu lời giải thích này đúng thì rất đáng nghi ngờ về khả năng ra các quyết định của ông Tập liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.
Trung Trực