El Nino làm cá chết trắng Thái Bình Dương?
Hồ sơ - Ngày đăng : 05:59, 16/05/2016
Những bãi biển của Chile từ lâu đã trở thành điểm thu hút đối với khách du lịch bởi vẻ đẹp như tranh của chúng nhưng thời gian gần đây nhiều địa điểm thế này đã bị ảnh hưởng khi một số lượng lớn cá voi, cá hồi, cá mòi và mực… chết dạt vào bờ. Chile, quốc gia với đường bờ biển giáp Thái Bình Dương dài gần 4.000 km, là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ hiện tượng thời tiết El Nino năm nay. Là nước sản xuất các sản phẩm từ cá hồi lớn thứ hai thế giới, Chile năm nay phải chứng kiến sự mất mát của gần 40.000 tấn cá ở Los Lagos, 8.000 tấn cá mòi chết dạt vào cửa sông Queule và hàng ngàn con ngao chết chất đống trên đảo Chiloe.
Chile lao đao vì El Nino
Các chuyên gia cho biết chính hiện tượng El Nino đã gây ra cái chết hàng loạt của các loài sinh vật biển tại Chile. “Chúng tôi cho rằng nguyên nhân có khả năng nhất gây ra cái chết của những loài sinh vật biển ở miền nam Chile, các điểm khai thác cá hồi và vùng biển ngoài khơi là hiện tượng El Nino” - Viện Ngư nghiệp Chile IFOP. Theo Viện này, hiện tượng El Nino năm nay được xem là hoạt động mạnh nhất trong 65 năm qua.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng có thể một tác nhân khác đã khiến cá chết hàng loạt ở vùng biển Chile. Laura Farias, nhà hải dương học tại ĐH Concepcion của Chile nói: “Không có lời giải thích nào theo hướng sinh thái, hải dương học hoặc khí hậu cho sự việc này”. Vị chuyên gia nghi ngờ sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản ở Patagonia, miền nam Chile là nguyên nhân góp phần gây nên cái chết hàng loạt của các loài sinh vật biển. “Nhiều nghiên cứu cho rằng nuôi trồng thủy sản dẫn đến sự sinh sôi nảy nở của tảo” - bà Farias nói. Một số nhà khoa học Chile khác thì cho biết El Nino dường như đang có dấu hiệu hoạt động yếu đi khiến bề mặt nước biển dần mát hơn.
Trước cảnh khốn đốn, ngư dân Chile đã tổ chức biểu tình đòi chính phủ bồi thường thất thu. Người dân chặn đường, lập rào chắn tại một số thành phố ở miền nam nước này để gây áp lực lên Tổng thống Chile Michelle Bachelet tăng khoản trợ cấp chính phủ. Những người này cho biết khoản trợ cấp không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Được biết khoảng 6.500 ngư dân đã đến các điểm hỗ trợ của chính phủ xếp hàng để nhận thanh toán.
“Chile vẫn còn thiếu những hiểu biết về biển” - Valesca Montes, một chuyên gia ngư nghiệp của chi nhánh Quỹ Động vật hoang dã Thế giới tại Chile, nói. “Chile phải đầu tư vào nghiên cứu hải dương học để có thể dự đoán các sự kiện nhất định và chuẩn bị tốt hơn trước quá trình biến đổi khí hậu”. Năm ngoái, tảo độc được coi là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 300 con cá voi ngoài khơi bờ biển Patagonia của Chile. Đây được xem là vụ mắc cạn cá voi lớn nhất từng được ghi nhận. “Năm nào chúng tôi cũng có thủy triều đỏ ở miền nam Chile nhưng lần này nó tiến xa hơn lên phía bắc” - Jorge Navarro, nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học Ideal, nói.
Trong khi đó, hàng ngàn con mực khổng lồ đã dạt vào đảo Santa Maria, Arauco của Chile. Các chuyên gia chưa thể xác định nguyên nhân của vụ việc và chưa biết liệu sự việc có liên quan đến hiện tượng El Nino hay không. Các chuyên gia từ Cơ quan Nuôi trồng thủy sản quốc gia Chile đã thu thập các mẫu mực chết và nguồn nước đem đi phân tích. Không loại trừ khả năng ô nhiễm, những chuyên gia này chỉ ra rằng cái chết của một số lượng lớn mực có thể do nhiệt độ cao của nước biển gây ra.
Việc các sinh vật biển chết và dạt vào bờ biển Santa Maria vào thời điểm này trong năm (mùa hè ở Nam bán cầu) được xem là tương đối phổ biến nhưng cho đến nay chưa từng xảy ra một trường hợp trên quy mô lớn như vậy. Các chuyên gia cho biết bằng chứng ban đầu cho thấy mực chết và trôi dạt vào bờ là do một hiện tượng mà khi tầng nước biển lạnh và giàu dinh dưỡng nổi lên trên mặt đại dương, thay thế tầng nước ấm hơn - tầng nước nghèo dinh dưỡng.
El Nino đe dọa hệ sinh thái biển
El Nino là hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra vài năm một lần khiến nhiệt độ bề mặt nước biển nóng lên ở vùng xích đạo Thái Bình Dương. Nhiệt độ nóng lên dẫn tới sự “sinh sôi nảy nở” của tảo biển, từ đó gây ra “thủy triều đỏ”.
Thủy triều đỏ là tên gọi chung cho những hiện tượng được biết đến như những đợt bùng phát tảo biển nở hoa, do một số loại tảo sống và nở hoa mang đến màu đỏ hoặc nâu gây ra. Trong số đó có Kareniabrevis, loại tảo thải ra các chất độc hại nhiều và mạnh hàng đầu, có khả năng giết chết các động vật biển và gây hại cho con người. Với cơ chế lấy vào ôxy và thải ra chất độc hại, tàu biển sẽ gây ra cái chết cho “những người hàng xóm” quanh chúng. Hiện tượng El Nino thường xảy ra khoảng năm năm/lần, theo trang Environmentalscience.org cho biết. El Nino bị gây nên bởi sự thay đổi trong hoạt động của luồng gió tín phong Thái Bình Dương. Lượng khí nóng mùa hè tăng lên khiến nhiệt độ biển ấm hơn bình thường.
Lần hoạt động của hiện tượng El Nino năm 2015-2016 được ghi nhận là trầm trọng nhất trong số 20 lần suốt hơn 60 năm qua, tờ Malaysiakini cho biết. Chủ tịch Cao ủy Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC) - ông Oh John nhận định tác động của đợt El Nino 2015-2016 trên phạm vi toàn cầu là vô cùng “kinh hoàng và sâu rộng”. Không chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở nhiều quốc gia Thái Bình Dương, El Nino cũng là tác nhân trực tiếp đe dọa sự sống còn của rạn san hô lớn nhất thế giới phía đông nước Úc. Nhóm đặc phái quốc gia Úc đã khảo sát hơn 911 rạn san hô và phát hiện hơn 93% có dấu hiệu chịu hiện tượng tẩy trắng. Mức độ thiệt hại từ nhẹ đến nghiêm trọng nhưng gần như không có rạn san hô nào ở khu đông bắc là còn khỏe mạnh, tờ Washington Post cho biết.
GS Terry Hughes, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rạn san hô tại ĐH James Cook, cho biết: “Trong số 316 rạn san hô, khoảng 60 đến 100% bị tẩy trắng nghiêm trọng, từ gần như toàn bộ một nửa phía bắc của rạn Great Barrier Reef”. Hiện tượng tẩy trắng san hô thường xảy ra khi nhiệt độ nước tăng cao bất thường khiến tảo cộng sinh zooxanthellae rời khỏi cá thể san hô, làm san hô mất màu và chết vì không còn nguồn cung chất dinh dưỡng trong thời gian dài. Hiện tượng san hô chết hàng loạt cũng xảy ra tại quần đảo Kiribati trên Thái Bình Dương. Nhiều rạn san hô trên toàn thế giới cũng đang có hiện tượng bị tẩy trắng. Nhiều nhà khoa học cho rằng chính đợt El Nino lần này, cộng hưởng với tình trạng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân trực tiếp “thảm sát” san hô nhiều vùng biển trên thế giới.
Sau El Nino đến phiên La Nina
Ngày 12.5, Cơ quan Khí tượng Nhật dự báo hiện tượng thời tiết El Nino sẽ tiếp tục yếu dần và khả năng lớn là sẽ kết thúc trước mùa hè năm nay, theo hãng tin Reuters (Mỹ). Tuy nhiên, khi El Nino vừa kết thúc thì hiện tượng thời tiết La Nina sẽ xuất hiện. Thời điểm xảy ra El Nina nhiều khả năng là trong mùa hè, khoảng từ tháng 6 đến tháng 8. Dù không nghiêm trọng như El Nino nhưng hiện tượng La Nina - là hiện tượng giảm nhiệt độ nước biển Thái Bình Dương dưới chuẩn - gây ra tình trạng mưa lụt, ẩm ướt và gia tăng nguy cơ bị bão nhiệt đới ở Úc và Đông Nam Á.
Hai ngày trước, Cơ quan Dự báo Khí tượng Úc dự báo khả năng xuất hiện La Nina trong năm 2016 là 50%. Cục Khí tượng Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết nhiệt độ biển đang giảm nhanh rõ rệt ở khu vực trung và đông Thái Bình Dương xích đạo. Theo Cơ quan Dự báo Khí tượng Úc, nước biển Thái Bình Dương đã mát lại, dần trở lại mức bình thường trong vòng hai tuần qua, hiện tượng El Nino nguy hiểm nhất thế giới trong 20 năm trở lại đây đang dần kết thúc.
Bảo Anh - Trung Nhân - Pháp luật TP.HCM