Vụ Panama Papers và nỗi lo của ông Tập Cận Bình
Hồ sơ - Ngày đăng : 17:49, 09/04/2016
Từ lâu, Chủ tịch Tập Cận Bình nổi tiếng là người không bao giờ khoan nhượng trước những chỉ trích đối với ông, nhất là những chỉ trích nhắm vào chính sách chống tham nhũng.
Có thể, ông Tập tin rằng sự phức tạp và tính chất quan trọng của cuộc cải cách kinh tế sâu rộng mà ông khởi xướng và tiến hành cần phải được thực hiện bởi một thứ quyền lực tuyệt đối, không thể bị thách thức.
Hoặc đơn giản hơn, ông Tập cơ bản là người rất nhạy cảm, không thích bất kỳ lời chỉ trích nào, thậm chí là những chỉ trích nặc danh vô thưởng vô phạt.
Dù thế nào thì những động thái cứng rắn quá mức của chính phủ Trung Quốc gần đây, với những thông tin như bức thư đòi ông Tập từ chức và thông tin nhiều lãnh đạo cấp cao Trung Quốc có liên quan đến vụ Panama Papers, cũng cho thấy sự "lo lắng" của ông Tập.
Chuyện nhỏ hóa to
"Tín thư yêu cầu đồng chí Tập Cận Bình từ nhiệm khỏi chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước" là tiêu đề của bức thư đòi ông Tập từ chức, được ký với tên "những đảng viên trung thành lâu năm" và đăng tải lên mạng hồi đầu tháng 3.2016, ngay trước thời điểm diễn ra Lưỡng hội (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Chính Hiệp toàn quốc) tại Trung Quốc.
Chỉ một bức thư nặc danh được đăng tải trên mạng, nhưng đã khiến hơn 20 người bị bắt và lực lượng an ninh mạng phải vào cuộc để tìm cho ra kẻ "dám đòi" Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức.
"Ban đầu lá thư này không có vẻ gì nguy hiểm. Nhưng hiện tại, do phản ứng (của chính quyền), nó trở nên rất nguy hiểm. Họ đang theo dõi nhiều người, ở Trung Quốc và giờ là tại ngoại quốc", chuyên gia Bill Bishop viết trên một chuyên trang theo dõi chính trị Trung Quốc Sinocism.
Nhận xét của ông Bishop đã cho thấy sự "kì lạ" trong vụ lá thư đòi ông Tập Cận Bình từ chức, khi mà bức thư vốn không được phổ biến, không có sức mạnh thậm chí là vô thưởng vô phạt vì được viết nặc danh. Thế nhưng, nhờ lực lượng an ninh Trung Quốc quá mạnh tay, bức thư trên lại được lan truyền ra ngoài, nhiều người Trung Quốc và trên thế giới biết tới.
Vây cánh có lợi, nhưng lại lo sợ
Đến vụ Panama Papers, khi xem xét 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca về danh sách xây dựng công ty bình phong ở nước ngoài để "trốn thuế", người ta nhận thấy tên của nhiều “quý tộc Đỏ” là người thân của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có cả anh rể của Chủ tịch Tập Cận Bình - ông Đặng Gia Quý và vợ - có tài sản lên tới hàng trăm triệu USD.
Thế nhưng, theo giáo sư David Zweig thuộc Đại học Khoa học - Công nghệ Hồng Kông, huyện ông Đặng và vợ có tài sản lớn mọi người đã biết từ lâu vì vậy sẽ khó có thể ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của Chủ tịch Tập. “Mọi người từ lâu đã biết chuyện của anh rể ông Tập và ông Tập cũng đã công khai đưa ra ý kiến của mình về vụ này trong nội bộ CPC”, giáo sư Zweig nói.
“Trước đó, chúng tôi đã nghe được thông tin rằng ông Tập đã công khai đề nghị chị gái mình dừng ngay các hoạt động làm ăn của các công ty ở nước ngoài. Và các tài liệu của Mossack Fonseca cũng chỉ ra rằng các công ty ấy đã ngừng hoạt động trước khi ông Tập lên nắm quyền", ông Zweig nói thêm.
Theo lời giáo sư David Zweig, việc lộ những tài liệu mật của Mossack Fonseca cho thấy những thông tin trước đó về việc ông Tập công khai đề nghị chị gái mình dừng ngay các hoạt động làm ăn của các công ty ở nước ngoài là đúng vì hai vợ chồng ông Đặng đã dừng mọi hoạt động của các công ty bình phong trong năm 2012. Từ đó, ông Tập không những không bị ảnh hưởng vì vụ Panama Papers mà còn hưởng lợi từ sự việc này khi cho thấy những lời ông nói là sự thật.
Thế nhưng, trái với nhận định của giới học giả, chính phủ Trung Quốc lại ra sức ngăn chặn thông tin về vụ Panama Papers, mọi thông tin về vụ việc này đều bị cấm truy cập tại Trung Quốc. Đáng buồn cười nhất là khi các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin về chuyện Thủ tướng Iceland từ chức, họ đã nhắc đến sự kiện mà không đăng tải lý do ông Sigmundur David Gunnlaugsson phải từ chức là do vụ Panama Papers.
Sự "nhạy cảm" có từ lâu
Trên thực tế, sự "nhạy cảm" đối với thông tin bất lợi của Chủ tịch Tập Cận Bình đã có từ lâu. Hồi năm 2012, Bloomberg đăng tải câu chuyện về sự giàu có của những nhân vật thân cận với ông Tập, ngay lập tức tờ báo này bị cấm truy cập tại Trung Quốc, dù trước đó không lâu tờ New York Times đăng tải chuyện giàu có của các nhân vật thân cận với cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo thì không sao.
Sau đó, các hãng tin tức ở ngoài Trung Quốc phải rất cân nhắc khi đưa các thông tin "bất lợi" cho lãnh đạo nước này, đặc biệt là những thông tin liên quan đến người thân của ông Tập nếu không muốn bị cấm truy cập tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn của thế giới.
Hiện tại, nhiều nhà phê bình chính trị tại Trung Quốc và thế giới đều có nhận định rằng, ông Tập đang tập trung quá nhiều quyền lực vào tay mình và đang mở rộng sự "sùng bái cá nhân" trong nước.
Thiên Hà (theo Times)