Bầu cử Tổng thống Mỹ: Bà Hillary Clinton liên tục thất bại

Hồ sơ - Ngày đăng : 05:43, 08/03/2016

Sau chiến thắng giòn giã vào ngày 1.3, bà Hillary Clinton đã phải liên tiếp gặp thất bại trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ vào ngày 5.3 và 6.3 (giờ địa phương).
Khoảng cách còn xa
Thất bại mới nhất của Cựu ngoại trưởng Mỹ là trong cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra ngày 6.3 (giờ địa phương) tại bang Maine, một ngày sau thất bại tại 2/3 tiểu bang của "siêu thứ bảy".
Với 91% số phiếu được kiểm tại bang Maine, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders giành được 64%, trong khi bà Clinton chỉ được 36%. Trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ ngày 5.3, ông Sanders chiếm thượng phong ở hai bang Kansas và Nebraska, còn bà Clinton thắng lớn ở bang Louisiana.
Mặc dù chiến thắng tại 8/19 tiểu bang đã tổ chức bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, nhưng chiến thắng mới nhất của ông Sanders chỉ là đòn khích lệ tinh thần là chính vì tiểu bang Maine chỉ có 30 đại biểu tham dự đại hội đảng Dân chủ. Khoảng cách giữa Thượng nghị sĩ Sanders và bà Hillary Clinton vẫn còn khá xa lên đến 195 đại biểu. Bà Clinton hiện đã có 672 đại biểu ủng hộ còn ông Sanders chỉ mới được 477 đại biểu ủng hộ.
Nếu tính luôn các cam kết của các "siêu đại biểu", những người không chịu sự ràng buộc của kết quả bầu cử sơ bộ thì khoảng cách giữa hai ứng viên của đảng Dân chủ lại tăng lên chóng mặt, với việc bà Clinton đã được 1.130 đại biểu ủng hộ so với 499 đại biểu ủng hộ ông Sanders. Trong khi đó, chỉ cần 2.383 sự ủng hộ là bà Clinton có thể tuyên bố chiến thắng.
Nhưng con số ủng hộ của "siêu đại biểu" vốn chỉ để tham khảo, cho thấy uy tín của các ứng viên ra thanh cử trong nội bộ đảng Dân chủ. Các "siêu đại biểu" chắc chắn sẽ hủy cam kết bỏ phiếu của mình đối với một ứng viên nếu người này bị thua trong cuộc bầu cử sơ bộ. Điều tương tự đã xảy ra vào năm 2008, khi đó bà Clinton cũng nhận được rất nhiều cam kết từ các "siêu đại biểu" từ rất sớm nhưng họ dần hủy bỏ cam kết và quay sang cam kết với ông Obama.
Cũng trong ngày 6.3 (giờ địa phương), trong cuộc họp kín của đảng Cộng hòa ở Puerto Rico, một vùng quốc hải thuộc Mỹ, Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio dễ dàng đánh bại ứng viên dẫn đầu Donald Trump. Chiến thắng này cực kỳ có ý nghĩa với ông Rubio khi cả hai ứng viên Ted Cruz và Donald Trump đều kêu gọi ông ngừng tranh cử để họ "đấu tay đôi" với nhau.
Ông Rubio, đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị của ông Trump và ông Cruz và chờ đợi một chiến thắng lớn tại bang nhà của mình là Florida trong tuần này.
Bà Clinton yếu thế trong tranh luận trực tiếp
Tối ngày 6.3 (giờ địa phương), hai ứng cử viên đảng Dân chủ đã có một cuộc tranh luận trực tiếp tại thành phố Flint, bang Michigan trên sóng của đài CNN.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Thượng nghị sĩ bang Vermont bỏ phiếu chống lại gói cứu trợ dành cho ngành công nghiệp xe hơi Mỹ vào năm 2009.
“Nếu mọi người bỏ phiếu theo cách ông Sanders đã làm, tôi tin rằng ngành công nghiệp ô tô sẽ sụp đổ cùng 4 triệu việc làm”, bà Clinton nói.
Ông Sanders phản đối: “Tôi sẽ bị nguyền rủa nếu người lao động Mỹ phải giải cứu những kẻ lừa đảo ở phố Wall”, đồng thời cho rằng bạn bè của bà Clinton lúc đó đang phá hoại kinh tế đất nước.
"Tôi rất vui mừng... Ngoại trưởng Mỹ đã phát hiện ra vấn đề mấu chốt này", ông Sanders nói, ám chỉ việc bà Clinton đã ủng hộ hàng loạt các hiệp định thương mại. "Chúng ta đã mất 60.000 nhà máy từ năm 2001. Chúng ta sẽ phải đầu tư vào nước mình, chứ không phải ở Trung Quốc hoặc Mexico".
Ông Sanders đang tích cực tấn công bà Clinton để có thể kiếm được một chiến thắng quan trọng tại bang Michigan, nơi Cựu ngoại trưởng Mỹ đang dẫn trước tới hơn 20% theo một cuộc thăm dò của Real Clear Politics.
Ngay trước phiên tranh luận trực tiếp với bà Clinton, ông Sanders nhận được sự ủng hộ của Cựu Thượng nghị sĩ Michigan Don Riegle, một người có tiếng nói cực kỳ quan trọng tại Flint. Trong cuộc họp báo tuyên bố sự ủng hộ của mình, ông Riegle cáo buộc gia đình bà Clinton với việc ủng hộ thỏa thuận thương mại Nafta đã "phá hủy Flint yêu quý của tôi".
Thiên Hà (theo The Guardian)