Kỳ 27: Johnson nghĩ thế nào 'nếu con trai sang Nam Việt Nam và chết ở đó'?

Hồ sơ - Ngày đăng : 16:10, 01/01/2015

Henry Graff, một nhà sử học thuộc Viện Đại học Columbia đã từng phỏng vấn Johnson. Sau này viết rằng ông chủ Tòa Bạch Ốc đã kể là đã mất ngủ mấy đêm do cứ suy nghĩ xem bản thân mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu như một tổng thống khác bảo “Con ông sẽ phải sang NVN trong một đại đội thủy quân lục chiến và có thể sẽ phải chết ở đó?...”.
Kỳ 26: Westmoreland điện Ngũ Giác Đài: Cần tăng viện 175.000 lính Mỹ bảo vệ SG
Kỳ 25: Ném bom Bắc Việt: Đại sứ Hà Nội từ chối gặp Đại sứ Mỹ
Trưa ngày 17/6, TT Johnson đọc các kết quả thăm dò dư luận xem công chúng được chuẩn bị (tinh thần) ra sao trước những hành động quân sự sắp tới. 65% ủng hộ cách ông điều hành cuộc chiến. 46% đồng tình gửi thêm quân; gấp đôi ý kiến mong muốn “duy trì quân số hiện nay” và gấp bốn lần ý kiến “đưa quân ra”.
Song Tổng thống cũng biết rồi thì dư luận sẽ thay đổi nhanh như thế nào.
Tổng thống cảm thấy như đang bị tra tấn. Henry Graff, một nhà sử học thuộc Viện Đại học Columbia đã từng phỏng vấn Johnson trong những ngày trước đó, sau này viết rằng tổng thống đã kể với ông ta là ông đã mất ngủ suốt mấy đêm liền do cứ suy nghĩ xem bản thân mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu như một tổng thống nào khác bảo với ông rằng “Con ông sẽ phải sang NVN trong một đại đội thủy quân lục chiến và có thể sẽ phải chết ở đó?”.
Trong khi cuộc tranh luận - về việc gửi thêm quân, đang bùng nổ kịch liệt, các nhà báo thúc hối Tổng thống Johnson trả lời về những yêu cầu mới đây của Thượng viện đòi ông giải thích với Quốc hội trước khi ông điều động thêm quân, xem như thế có vượt khuôn khổ của nghị quyết vịnh Bắc bộ hay không?
Ông tránh né bằng cách tuyên bố: “Bất cứ ai đã đọc nghị quyết này đều có thể thấy rằng tổng thống được phép tiến hành bất cứ mọi biện pháp nào mà ông nghĩ là cần thiết trong tình huống này”.
Sở dĩ tổng thống đưa ra nhận xét như thế là do lời khuyên mà ông nhận được từ nơi Nghị sĩ Mansfield (vốn chống lại việc gửi thêm quân) và Nghị sĩ Dirken (vốn ủng hộ việc tăng thêm quân). Cả hai nghị sĩ này đều khuyên tổng thống đừng đặt vấn đề - được phép hay không? - với Quốc hội vì lẽ cả hai e rằng điều đó sẽ làm cho cả đất nước chia rẽ thành hai phe, và rằng dù cho Quốc hội có biểu quyết như thế nào chăng nữa, cuộc tranh cãi chia rẽ này cũng sẽ tác động đến các nổ lực chiến tranh.
Tổng thống Johnson trong thâm tâm muốn nghe các lời khuyên như thế lắm để trả lời (cho câu hỏi đặt ra bởi tình thế), nhưng đó lại là câu trả lời sai lầm. Vấn đề không phải ở chỗ thời điểm có thuận lợi cho một cuộc biểu quyết ở Quốc hội hậu thuẫn hành động quân sự hay không, mà là bàn bạc xem nên làm như thế nào và chừng nào tiến hành hành động quân sự đó dù cho cuộc biểu quyết có gây chia rẽ và tạo thuận lợi cho đối phương đến đâu.
Chúng tôi đã không làm như thế, và do đó chúng tôi sẽ phải nhận lấy bài học cay đắng rằng một chính phủ phải chấp nhận hứng chịu rủi ro như vậy ngõ hầu có thể đưa cả một đất nước một lòng một dạ vào trong một cuộc chiến tranh và có được sự hậu thuẫn liên tục. Chúng tôi đã chọn giải pháp tồi tệ là quét “mớ rác” tranh luận đó lùa xuống giấu dưới tấm thảm của phòng họp nội các ở tòa Bạch Ốc. Liệu ngày nay chúng ta cũng đã khôn ngoan ra chưa?
Sau khi thảo luận với các tướng chỉ huy liên quân, ngày 26/6 tôi soạn thảo một văn bản có kèm theo quan điểm của tướng Westmoreland, và gửi đến Ngoại trưởng Dean Rusk, Cố vấn an ninh Mac Bundy, các Thứ trưởng Bill Bundy và George Ball yêu cầu họ đóng góp ý kiến.
Tôi tập trung vào ý kiến cho rằng lực lượng Mỹ và NVN cần được tăng cường đủ mạnh “để chứng tỏ với VC rằng họ không thể thắng cuộc được và qua đó buộc họ đổi hướng”.
Tướng Westmoreland ước tính sẽ cần đến 175.000 binh sĩ trong năm 1965 này và một quân số chưa định rõ cho năm 1966. Tôi khuyến cáo nên chấp thuận con số này, kèm theo các đề nghị nên tiến hành mở rộng thêm các hoạt động quân sự chống lại BV đồng thời mở rộng các sáng kiến ngoại giao nhằm tiến đến một cuộc đối thoại với Hà Nội, Bắc Kinh và VC. Văn bản của tôi làm cho cố vấn an ninh Mac Bundy sửng sốt...
Danh Đức dịch (Tiêu đề của Một Thế Giới)