Kỳ 86: Tây phương tam thánh ở San Francisco

Hồ sơ - Ngày đăng : 23:40, 23/11/2014

Ra khỏi vòng khủng bố của Mao Trạch Đông, ngài Tuyên Hóa sang Mỹ và Canada vào thập niên 1960 lập bốn đạo tràng ứng cứu “tứ đại danh sơn”  Trung Quốc…

Bốn ngọn núi thiêng: Ngũ Đài, Nga My, Cửu Hoa, Phổ Đà - là đạo tràng của bốn vị Bồ tát, trấn bốn góc trời của đại địa Trung Hoa. Mao Trạch Đông và Trung Nam Hải ngăn trở sinh hoạt tâm linh ở bốn ngọn núi trên, biến “tứ đại danh sơn” thành nơi du lịch trục lợi. Để mang lại chính khí các danh sơn ở phương trời mới, ngài Tuyên Hóa “chuyển” 4 đạo tràng ra hải ngoại:

1. Đạo tràng tại Vancouver do Bồ tát Văn Thù làm chủ (như núi Ngũ Đài ở Sơn Tây).

2. Đạo tràng tại Seatle do Bồ tát Phổ Hiền làm chủ (như núi Nga My ở Tứ Xuyên).

3. Đạo tràng tại Los Angeles do Bồ tát Địa Tạng làm chủ (như núi Cửu Hoa ở An Hội).

4. Đạo tràng Vạn Phật Thánh Thành do Bồ tát Quán Thế Âm làm chủ (như núi Phổ Đà ở Triết Giang).

Tại các đạo tràng đó, Tuyên Hóa thượng nhân mở pháp hội giảng hơn 10 bộ kinh đại thừa như Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, A-di-đà (Vô lượng thọ) và cảnh báo về ba tai họa lớn (tam tai) được tiên tri bởi Du già sư địa luận - trong đó: lửa sẽ thiêu hủy thế giới (kiếp hỏa). Người Mỹ vốn quen với khoa học thực nghiệm nên có khoảng cách rất xa với “kiếp hỏa”. Nhưng nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận lại có những mô tả gần gũi với tiên tri đó:

Mặt trời cháy bỏng chiếm cả nửa bầu trời. Các đại dương sẽ bốc hơi. Các cánh rừng sẽ bốc cháy. Toàn bộ sự sống trong hành tinh xanh chúng ta (trái đất) khi đó sẽ không thể tồn tại. Hậu thế của chúng ta phải di cư ra tận biên của hệ Mặt trời, tới các sao Hải vương và Diêm vương - tất nhiên nếu có đủ khả năng làm được việc đó” (Jacques Vauthier - Trò chuyện với nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, Phạm Văn Thiều dịch, NXB Trẻ và tạp chí Tia Sáng ấn hành, 2005 - tr. 89).

Nếu Trịnh Xuân Thuận nêu viễn cảnh phải “di cư ra tận biên của hệ Mặt trời” (để tránh bị tử thiêu), thì ngài Tuyên Hóa lại hướng dẫn người Mỹ di cư đến thế giới Cực Lạc”. Người Mỹ thắc mắc: Thế giới Cực Lạc là thế giới nào, ở đâu? do ai làm chủ? Ngài đáp:

- Do đức Phật A-di-đà làm giáo chủ. Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí là những vị trợ giáo đứng hai bên. Ba vị đó gọi là Tây phương tam thánh.

Làm thế nào để được Tây phương tam thánh đón tiếp ?

Một vị khác: Pháp sư Tịnh Không - trả lời:

- Địa cầu của chúng ta có người ở, lẽ nào tinh cầu khác không có người ở? Thế giới Tây phương Cực Lạc chẳng phải là một tinh cầu khác hay sao, đều là việc rất có thể. Đấy là chúng ta dùng khoa học cạn cợt nhất để trắc nghiệm, nó nhất định không phải giả.

Đợi thính giả Mỹ im lặng, lắng tâm hồi lâu, pháp sư Tịnh Không mới tiếp:

- Nếu dùng khoa học kỹ thuật cao hơn để nói chúng ta sẽ càng dễ dàng lý giải hơn. Vì khoa học gia chứng minh không gian là đa duy thứ, chúng ta gọi là không gian ba chiều, bốn chiều. Chúng ta hiện đang ở trong không gian ba chiều, người ở trong không gian bốn chiều được xem như cõi thần tiên chẳng hạn. Khoa học chứng thực chí ít có đến 11 chiều không gian. Cách nói ấy rất thú vị, rất giống trong Phật pháp nói về 10 pháp giới (Pháp sư Tịnh Không - Phật giáo là gì? NXB Phương Đông, Hà Nội 2011 - tr. 99).

Pháp sư Tịnh Không di cư sang Mỹ năm 1985, là công dân danh dự của tiểu bang Texas và thành phố Dallas, giáo sư danh dự của đại học Griffith (2002), tiến sĩ danh dự đại học Queensland (Úc - 2004), cố vấn danh dự đoàn đại biểu của Bộ Tôn giáo Indonesia viếng thăm Vatican (2004), tiến sĩ danh dự của Đại học Hồi giáo Islam Indonesia, huân chương AM do Nữ hoàng Anh trao tặng (2005). Cùng pháp sư Tịnh Không, ngài Tuyên Hóa (1918-1995) cũng chỉ ra “cách di cư đến thế giới Cực Lạc”:

- Chúng ta chỉ cần chân thành mang hết tâm ý ra niệm: “Nam mô A-di-đà Phật”. Niệm làm sao cho chúng ta và ngài là một, tách nửa cũng chẳng rời ra. (Khai thị, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2012, tập II - tr. 143). Đó là con đường “di cư” ngắn nhất và hiệu quả nhất. Nhưng cũng thật khó lý giải bằng ngôn ngữ thời nay. Đó không phải là “mê tín”, xuất phát điểm của Phật giáo “không phải là tôn giáo” - mà là “nền giáo dục hướng con người đến hạnh phúc chân thật” (Pháp sư Tịnh Không).

Những điều trên hoàn toàn xa lạ đối với người duy lý. Đặc biệt với Mao Trạch Đông. Tâm địa tàn độc của Mao có gì mới không? Không. Thật vậy: “Quan điểm Macxít – đậm tinh thần Maoisme nông dân (chủ nghĩa xã hội không tưởng của Mao Trạch Đông – GH) tưởng có đem lại cái nhìn mới cho quá khứ nhưng thực ra (Mao) vẫn giống các nhà Nho ngày xưa ở chỗ cùng lấy một khuôn mẫu có sẵn để nhồi nhét thực tại, loại bỏ hoặc chê bai những gì không hợp với khuôn mẫu ấy…” (Tạ Chí Đại Trường -Những bài dã sử Việt, NXB Tri Thức và Nhã Nam ấn hành, 450 trang – Hà Nội 2009, tr.187).

Ngài Tuyên Hóa không muốn bị ép buộc cùng “các vị sư lớn tuổi tụng kinh cầu nguyện dưới chân dung chủ tịch Mao Trạch Đông” (Trần Quang Thuận – Phật giáo Trung Quốc, 660 trang, NXB Tôn giáo – Hà Nội 2008, tr.146), nên ngài đã rời lục địa Trung Hoa sang Hương Cảng sống trong một sơn động biệt lập, sau đó sang Úc (1961) và Mỹ (1962), đến San Francisco thành lập Kim Sơn thánh tự ở khu phố Chinatown.

Không chỉ làm công chúng Mỹ bất ngờ bởi các thuyết giảng về “Tây phương tam thánh” - mà các đệ tử của ngài còn thu hút sự ngưỡng mộ của họ qua pháp hội cầu mưa (giải trừ hạn hán) mở đầu lúc 7 giờ sáng 16.12.1977 tại công viên Golden Gate: “Từ lúc nước Mỹ lập quốc đến nay, đây là pháp hội cầu mưa đầu tiên vậy. Ngày hôm sau vào khoảng 12 giờ trưa, bầu trời đang quang đãng, đột nhiên mây đen kéo đến, sấm sét nổi lên, và trong khoảnh khắc mưa rơi phủ khắp. Cơn mưa bất ngờ đã làm cho những chuyên gia khí tượng hết sức ngạc nhiên. Có hiện tượng này là do sự “cảm ứng đạo giao”. Nạn hạn hán được tiêu trừ sau trận mưa đó. Tin này truyền đi khắp San Francisco, ký giả báo chí và các đài truyền hình đều tới phỏng vấn, chụp hình và quay phim” (Khai thị - sđd tập 1, tr. 212).

Ngài cũng đề cập đến các điềm lành dữ. Nếu không tin lời ngài, ít nhất cũng cần suy ngẫm những dòng sau đây của Trịnh Xuân Thuận (tình cờ liên quan đến “kiếp hỏa”): “Khi mặt trời không còn phát sáng nữa, lực hấp dẫn sẽ chiếm ưu thế và buộc nó phải tự co lại thành một xác sao chết có tên là “sao lùn trắng” với kích thước chỉ cỡ trái đất, bán kính khoảng 7.000km. Vật chất trong “sao lùn trắng” là cực kỳ đậm đặc. Một thìa vật chất của “sao lùn trắng” nặng tới cả tấn. Điều này cũng giống như ta ép một con voi vào một khối lập phương mỗi cạnh chỉ bằng 1cm”. Từ các “điềm lành dữ” đến “phút lâm chung của mặt trời” có quan hệ gì tới tiên tri về tương lai Trung Quốc? Có đấy. Chúng sẽ giúp để tìm hiểu vì sao vào thời kỳ “tiền-kiếp-hỏa” lửa sẽ bùng phát dữ dội trước hết từ Quảng Đông, rồi cháy dọc lên phía bắc bờ biển Trung Hoa, lan nhanh tới Phúc Kiến, Triết Giang, Thượng Hải, Giang Tô, Sơn Đông, Cát Lâm, đến tận vùng Hắc Long Giang - thiêu đốt và đầu độc mọi thứ “trên đường đi của lửa” kể cả không khí để thở… (còn nữa).

GIAO HƯỞNG