Kỳ 80: Những bí ẩn dưới điện Potala

Hồ sơ - Ngày đăng : 15:59, 06/11/2014

Ngay sau ngày tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa (1.10.1949), Mao Trạch Đông đã tung Dã chiến quân số 2 (600.000 quân) đánh chiếm những vùng đất còn lại ở phía Đại Tây Nam và mở cuộc tấn công vũ trang lên dãy Hymalaya để… “giải phóng hòa bình Tây Tạng”! Những bí ẩn dưới điện Potala...
Mao Mao viết: “Mao Trạch Đông hạ lệnh cho đại quân Lưu - Đặng (Lưu Bá Thừa và Đặng Tiểu Bình) đảm nhận nhiệm vụ tiến quân vào Tây Tạng” (sđd. Kỳ 53-54, tr. 835).

Họ lần lượt đánh chiếm Trùng Khánh (30.11.1949), Thành Đô (27.12.1949) và mở đường áp sát phía đông dãy Hymalaya đầu năm 1950. Đến tháng 10 năm đó, phát động chiến dịch Xuyên Đô trong 18 ngày “tiêu diệt 5.700 quân Tạng và mở toang cánh cửa tiến vào Tây Tạng”. Vậy là, sau một năm hành quân, họ chiếm được “bệ phóng” chiến lược dưới chân dãy Hymalaya để uy hiếp Tây Tạng về mặt quân sự. Mao Trạch Đông kết hợp thêm đòn chính trị: vận động một số đại biểu Tây Tạng do Abay Anang Dích Mê làm trưởng đoàn đến Bắc Kinh đàm phán. Kết quả: “ngày 23.5.1951, hai bên ký kết Hiệp nghị về các biện pháp giải phóng hòa bình Tây Tạng”.

Vận dụng một trong các biện pháp “giải phóng hòa bình” của Hiệp nghị trên, Mao Trạch Đông ra lệnh triển khai đội hình, chuẩn bị lương thực khí tài đầy đủ trong hai tháng 6 và 7 để “đến tháng 8 và 9.1951 bộ đội Lưu - Đặng bắt đầu tiến quân lên nóc nhà thế giới - họ vượt qua nhiều gềnh thác, xuyên qua nhiều khu rừng nguyên thủy và vùng thảo nguyên đầm lầy mênh mông, chịu đựng giá rét và không khí loãng, tới tháng 10 - 11 năm ấy đặt chân tới Lasha - thủ phủ của Tây Tạng” (Mao Mao, sđd. tr. 835).

Từ đó, các chuyển biến thời cuộc nối theo đã biến Tây Tạng thành một khu tự trị của Trung Quốc vào năm 1965, chiếm 12,8% tổng diện tích lục địa, phía bắc giáp Tân Cương và Thanh Hải, phía đông - đông nam nối liền tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam. Riêngphía nam và phía tây có chung đường biên giới với Ấn Độ, Miến Điện, Bu-tan, Xích-kim và Nê-pan, hình thành một đường biên giới tổng cộng dài gần 4.000km, vị trí chiến lược hết sức quan trọng, có thể nói ổn định của Tây Tạng liên quan đến sự ổn định và an ninh của miền tây Trung Quốc”. Chỉ xét riêng “vị trí nhạy cảm” đó cũng đủ để Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải xem Tây Tạng là “một quân cờ mà chính phủ Trung Quốc không thể coi nhẹ” (Mã Linh - Lý Minh, sđd. Kỳ 77, tr.203-204). Ngược lại:

Đạt-lai Lạt-ma không xem Tây Tạng là “quân cờ” trên “bàn cờ bành trướng” của Mao. Ngài phải rời Tây Tạng và trên đường lưu vong được tổng thống Mỹ Bill Clinton đón tiếp. Bill Clinton viết: “tôi ủng hộ có thêm tự do chính trị ở Trung Quốc và vừa mời ngài Đạt-lai Lạt-ma (và nhà hoạt động vì nhân quyền ở Hồng Kông là Martin Lee) đến Nhà Trắng để nêu bật sự ủng hộ của tôi đối với sự toàn vẹn về văn hóa và tôn giáo ở Tây Tạng - (cũng như duy trì nền dân chủ ở Hồng Kông)”- Bill Clinton, sđd Kỳ 78, tr. 1.077.

Tiếp đó, trong chuyến viếng thăm Trung Quốc tháng 6.1998, Bill Clinton thảo luận với chủ tịch Giang Trạch Dân và đã “thúc giục ông (Giang Trạch Dân) gặp gỡ với Đạt-lai Lạt-ma - Giang Trạch Dân nói cánh cửa Trung Quốc rộng mở, nếu Đạt-lai Lạt-ma tuyên bố trước rằng Tây Tạng và Đài Loan là một phần của Trung Quốc” (Bill Clinton, sđd. tr. 1.125).

Song, Đạt-lai Lạt-ma không bao giờ tuyên bố như vậy. Ngài không chấp nhận “Tây Tạng là một phần của Trung Quốc” và luôn giữ lập trường về một nước Tây Tạng độc lập. Sống ở nước ngoài như trường hợp của ngài Đạt-lai Lạt-ma còn có những nhân vật quan trọng khác của Lasha đang nắm giữ nhiều bí mật về đất nước Tây Tạng. Có thể đọc thấy vài điều liên quan đến những bí mật đó qua cuốn “Các Lạt-ma hóa thân”. (Hồi ức Lobsang Rampa - Lê Nguyễn dịch từ bản in của NXB Thượng Hải - NXB VHTT, Hà Nội 2003), với đoạn tiết lộ bí ẩn dưới lòng đất của điện Potala ở Lasha (trích):

“Điện Potala là một cung điện khổng lồ xây trên một ngọn đồi (…) trên nền móng của một cung điện cũ. Tại sao người ta lại dựng nó ở trên một cung điện cũ như thế? Điều này vẫn là một bí mật của xứ Tây Tạng. Ngọn núi này xưa kia là một hỏa sơn có chứa trong lòng nó những hang động bí mật với hàng ngàn đường hầm tỏa ra tứ phía. Có những hang động cất giấu nhiều tài liệu cổ hàng chục thế kỷ trước. Có những kho chứa châu báu vàng bạc từ thời đại xa xưa. Rất ít ai biết đến chỗ này”.

Tác giả tài liệu trên được sư phụ của mình (vốn rất thân cận với ngài Đạt-lai Lạt-ma) dẫn đến điện Potala, đi qua dãy hành lang tối đến một vòm cửa khá rộng. Đàng sau cánh cửa được đẩy ra là một miệng hầm sâu hun hút dẫn đến những con đường “dài như vô tận” mà ngay cả những vị lãnh đạo trong hội đồng tôn giáo cũng không được phép đặt chân đến nếu đức Đạt-lai Lạt-ma chưa đồng ý. Tác giả tường thuật tiếp:

“Chúng tôi đi mãi vẫn không thấy đáy, trên vách đá có ghi khắc những hình kỷ hà lạ lùng mà tôi không biết là hình gì. Sau cùng chúng tôi đến một cái hồ nằm sâu trong lòng đất, lúc đầu mặt hồ còn nhỏ nhưng sau rộng lớn dần cho đến khi tầm xa của nó chìm hẳn trong bóng tôi - ánh sáng của ngọn đuốc không soi tới được. Nước hồ đen như mực, người ta có cảm giác rằng đó không phải là một cái hồ mà là một vực sâu không đáy”.

Sự hình thành của cái hồ kỳ lạ bí ẩn được giải thích: “Sở dĩ có hồ này vì trước kia, nơi đây chính là miệng một hỏa sơn to lớn. Qua các trận địa chấn, miệng núi lửa bị lấp bớt đi một phần, người ta lại xây dựng một cung điện úp lên trên miệng núi nên không còn ai thấy dấu tích hỏa sơn kia đâu nữa. Vì diện tích hồ hoàn toàn nằm sâu trong lòng đất, không một cơn gió, không một tia sáng lọt vào, nên mặt hồ lặng lẽ, không gợn sóng. Ánh sáng ngọn đuốc trên vách đá phản chiếu những màu sắc vàng lấp lánh. Tôi đến gần xem bỗng sững người, thì ra đó là những mạch vàng lớn khoảng mấy chục thước bề ngang. Ngày xưa nhiệt độ cao đã làm vàng chảy ra như sáp nến sau nguội dần và đông đặc lại thành những mạch vàng dài như một con rồng uốn khúc”.

Sư phụ nói:

- “Bây giờ chắc con hiểu tại sao người ta xây một cung điện khủng lồ lên trên miệng núi lửa rồi chứ? Sở dĩ phải làm thế vì đây là một mỏ vàng lộ thiên lớn chưa từng thấy. Đa số các pho tượng Phật đều đúc bằng vàng khối vì vàng ở đây rất nhiều. Nhưng nếu không biết che giấu, Tây Tạng có thể trở nên một chiến trường đẫm máu do lòng tham vô độ của con người”.

Giá trị của các tiết lộ trên gắn liền với xuất thân và sứ mệnh đặc biệt của tác giả: Lobsang Rampa. Vậy Lobsang Rampa là ai? (còn nữa).
>> Kỳ 80: Những bí ẩn dưới điện Potala

Giao Hưởng