2019: Năm hỗn loạn của chính sách ngoại giao Mỹ
Góc nhìn - Ngày đăng : 16:06, 28/12/2019
Thập kỷ mới sắp bắt đầu với nhiều điều phải lo lắng, nhưng không có điều gì đáng ngại hơn nguy cơ CHDCND Triều Tiên tái khởi động chương trình thử hạt nhân cùng tên lửa sau hai năm đình chỉ.
Việc chính quyền Bình Nhưỡng quay ngoắt từ nỗ lực ngoại giao cấp cao trở lại chính sách đe dọa diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump ngày càng tập trung vào chiến dịch tái tranh cử. Có thể đương kim lãnh đạo Washington sẽ cố kiềm chế nhằm tránh phá vỡ câu chuyện hòa bình thịnh vượng cho bán đảo Triều Tiên do ông xây dựng nên, hoặc kịch bản xấu xảy ra: nhà lãnh đạo Kim Jong-un lợi dụng tình hình gây sức ép và phạm sai lầm.
Ở lần bế tắc gần đây nhất, hai ông Trump - Kim đều dọa dùng đến hạt nhân. Thậm chí còn có thông tin Tổng thống Mỹ khiến đội ngũ trợ lý bị sốc khi kêu gọi người dân Hàn Quốc tránh xa biên giới liên Triều nhằm tránh trở thành con tin dưới nòng pháo quốc gia láng giềng, đồng thời ra lệnh sơ tán người nhà binh sĩ Mỹ bất chấp lời khuyên phía Triều Tiên có thể hiểu đây là động thái chuẩn bị khai chiến.
Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là James Mattis âm thầm rút lại mệnh lệnh. Tuy nhiên ông đã từ chức, người kế nhiệm hiện tại Mark Esper chẳng dám bất tuân như vậy.
Tổng thống Trump ít chịu ràng buộc và tin tưởng bản thân nhiều hơn. Quy trình tranh luận bị bãi bỏ, quyết định từ đương kim lãnh đạo Washington trực tiếp truyền đến giới chức cấp cao thông qua Twitter. Chính sách đối ngoại Mỹ năm 2019 trở nên cá nhân hóa, nặng tính giao dịch, thất thường dựa trên tâm trạng người đứng đầu hay những lần đổi ý.
Tại hội nghị thượng đỉnh lần hai đầu năm, Tổng thống Trump đưa cho nhà lãnh đạo Kim một thỏa thuận “được ăn cả ngã về không”: đòi hỏi giải trừ hạt nhân hoàn toàn. Biện pháp này có thể loại bỏ nhanh chóng bất cứ đối thủ nào trên thị trường bất động sản, nhưng với nhân vật cầm quyền của một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thì không. Đàm phán sụp đổ làm quan hệ xấu đi, lực lượng an ninh Mỹ thời gian gần đây phải tập trung cảnh giác “quà Giáng sinh” từ Triều Tiên.
Syria
Nhiều lần đổi ý của Tổng thống Trump gây bối rối cho số lính Mỹ trên thực địa. Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan hôm 6.10, đương kim lãnh đạo Washington hạ lệnh rút hết quân khỏi Syria mà không thèm hỏi ý Lầu Năm Góc lẫn đồng minh. Trong vòng một ngày các đơn vị nhận lệnh rời khỏi khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria bỏ mặc dân quân Kurd (có công hợp tác chống khủng bố).
Hai tuần sau, Tổng thống Trump mạnh mẽ yêu cầu người đồng cấp Erdoğan chấm dứt chiến dịch tấn công tiêu diệt dân quân Kurd. Cùng lúc đó quân Mỹ quay về Syria với nhiệm vụ bảo vệ các mỏ dầu khỏi tay khủng bố.
Chẳng có gì đảm bảo cho tình hình hiện tại. Ông Erdoğan xem dân quân Kurd là mối nguy hàng đầu nên sẽ tiếp tục tìm cách thuyết phục Tổng thống Trump.
Afghanistan
Năm 2019 có đến hai bước ngoặt. Khi triển vọng đạt thỏa thuận hòa bình đang rất sáng sủa thì Tổng thống Trump vào đầu tháng 9 tuyên bố hủy bỏ đàm phán với đại diện cấp cao Taliban sau khi nhóm này thừa nhận đứng sau một vụ tấn công ở thủ đô Kabul của Afghanistan giết chết 12 người – trong đó có 1 binh sĩ Mỹ. Thông báo đặt dấu chấm hết cho quá trình ngoại giao gần một năm qua do đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề hòa bình cho Afghanistan Zalmay Khalilzad dẫn dắt.
Vậy mà chưa đầy ba tháng sau, Tổng thống Trump nhân dịp công du Afghanistan lại cho biết đàm phán đã được khôi phục. Chẳng biết điều gì khiến ông thay đổi lập trường.
Đây chưa phải lần đổi ý kịch tính nhất. Đương kim lãnh đạo Washington từng bật đèn xanh không kích hàng loạt mục tiêu ở Iran sau khi quốc gia Trung Đông bắn hạ một máy bay không người lái Mỹ vào tháng 6, rồi sau đó rút lại mệnh lệnh vào phút chót lấy lý do tránh gây thương vong lớn.
Lợi ích cá nhân
Một số chính sách lâu năm của Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Mỹ đều thất bại khi mâu thuẫn với lợi ích Tổng thống, người thân hay việc kinh doanh của Trump.
Ví dụ như bê bối khiến Tổng thống Trump bị luận tội hiện tại. Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm mục đích giúp chính quyền mới đối phó Nga, nhưng ông biến đây thành công cụ gây sức ép hòng buộc giới chức Kiev điều tra đối thủ chính trị (cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden).
Nhà Trắng cũng từng ra tay ngăn cản nỗ lực trừng phạt nhắm vào Nga, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ vì những lý do rất mơ hồ. Đây đều là các quốc gia có đế chế kinh doanh gia tộc Trump hiện diện.
Hủy Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) thay bằng Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) là nỗ lực chung giữa Nhà trắng cùng Quốc hội, vậy mà Tổng thống Trump nhận lấy như chiến thắng cá nhân. Trong khi đó các thỏa thuận khác như Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân Iran hay Hiệp ước về vũ khí tầm trung (INF) lại bị bỏ đi mà chẳng hề có sự thay thế nào.
Cẩm Bình (theo The Guardian)