Trung Quốc và Iran thề sát cánh nhau trước áp lực từ Mỹ
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:42, 15/06/2019
Đồng bệnh tương lân
Hôm qua 14.6, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Bishkek, Kyrgyzstan. Ông Rouhani khẳng định nhân dân Iran đã cho thấy họ trở nên đoàn kết và mạnh mẽ hơn trước áp lực từ bên ngoài và họ không hề bị khuất phục.
Đồng bệnh tương lân, ông Rouhani cho rằng chính quyền Mỹ áp lực đối với Iran và Trung Quốc nhằm thống trị thế giới. Thời gian gần đây, Trung Quốc cũng nhiều lần bực tức trước áp lực từ Mỹ và tố cáo Mỹ không muốn Trung Quốc phát triển nhằm giữ vị trí thống trị thế giới.
Sau khi chỉ trích Mỹ, ông Rouhani nói rằng mối quan hệ của Iran với Trung Quốc là mối quan hệ chiến lược, đồng thời khẳng định: Hai nước có nhiều khả năng để mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực. Tổng thống Iran nói Tehran quan tâm đến việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng và hứa Iran sẽ cung cấp năng lượng cho Trung Quốc một cách ổn định bền vững.
Ông Rouhani cũng hoan nghênh đầu tư từ Trung Quốc, đầu tư vào các dự án ở khu vực phía nam và các hải cảng. Người đứng đầu Iran cho biết thêm với vị trí địa lý đặc biệt của mình, Iran đã sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong dự án BRI (Vành đai và Con đường).
Về phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh sẽ thúc đẩy mối quan hệ son sắt với Iran cho dù tình hình có thay đổi như thế nào. Chủ tịch Trung Quốc rất hoan nghênh sự hợp tác của Iran trong dự án BRI.
Ông Tập nói rằng Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hợp tác với Iran để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Ngoài ra, ông Tập khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Iran trong việc chống khủng bố và tội phạm có tổ chức.
Và quan trọng nhất, ông Tập lên án việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (liên quan trực tiếp đến Iran) và cho rằng đó là lý do chính gây căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Căng thẳng chồng căng thẳng, một sự trùng hợp kỳ lạ
Ngay trước khi hai nhà lãnh đạo Trung Quốc – Iran gặp nhau thì Mỹ đổ lỗi cho Iran về các cuộc tấn công vào hai tàu chở dầu ở vịnh Oman. Hiện chưa rõ điều gì xảy ra với Front Altair thuộc sở hữu của Na Uy hay Kokuka Courageous thuộc sở hữu của Nhật Bản, cả hai đều dính vụ nổ, buộc các thủy thủ phải rời tàu. Do tính nghiêm trọng của vụ việc, các tàu sau đó cũng phải tránh đi vào vùng biển giữa các quốc gia vùng vịnh và Iran, điều đó khiến giá dầu thế giới bị đẩy lên cao.
Mỹ từng cáo buộc Iran đã thực hiện một cuộc tấn công vào ngày 12.5 đối với 4 tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển UAE, cũng như các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào ngày 14.5. Lần này, Mỹ tiếp tục đổ lỗi cho Iran về các cuộc tấn công 2 tàu chở dầu nói trên.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết đây là đánh giá của chính phủ Mỹ đồng thời cho rằng Iran phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công xảy ra ở vịnh Oman. Tuy nhiên, ông Pompeo không cung cấp bằng chứng rõ ràng để bảo vệ quan điểm của Mỹ. Ngay lập tức, Iran đã bác bỏ liên quan đến sự cố với tàu chở dầu nói trên và lên án lời buộc tội của Mỹ là vô căn cứ.
Cũng có thể thấy là những lần Mỹ cáo buộc Iran tấn công tàu chở dầu thường trùng vào thời điểm quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng nhất. Vụ 12.5 thì xảy ra sau ngày Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc thất bại trong chuyến sang Mỹ thương thuyết. Vụ mới đây xảy ra sau ngày Tổng thống Mỹ ra tối hậu thư sẽ trừng phạt kịch khung với Trung Quốc nếu ông Tập Cận Bình không chịu đến Nhật dự Hội nghị G-20.
Anh Tú