Lĩnh vực sản xuất Trung Quốc ‘đào thoát’ qua Việt Nam và Ấn Độ
Góc nhìn - Ngày đăng : 16:30, 03/05/2019
Tờ báo Hồng Kông nêu BRI là dự án trọng điểm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm phát triển thương mại toàn cầu, nhưng BRI cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dẫn đến nguy cơ gây thêm sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc đang lao đao và nợ cao.
Cuộc chiến thương mại đã khiến nguồn lãi của lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc bị suy giảm mạnh, do phải chịu tác động của các mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc, nhất là các nhà xuất khẩu nhỏ “bị thương nặng” vì nguồn cầu giảm, lợi nhuận mỏng, lại còn phải đối phó sự cạnh tranh từ những thị trường lao động giá rẻ gồm Việt Nam và Ấn Độ.
Theo các nhà phân tích, nhiều đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc ở vùng Đông Nam Á đã tham gia BRI, có nghĩa tình hình của mảng sản xuất ở Trung Quốc sẽ có thể tệ hại hơn, khi sự đầu tư vào BRI có thể khiến mảng này tăng tốc cuộc “đào thoát” khỏi Trung Quốc và qua Việt Nam, Ấn Độ, bất chấp những lợi ích có được từ cơ sở hạ tầng và dây chuyền cung ứng tốt hơn.
Theo SCMP, khoản đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam đã tăng 11% mỗi năm từ 5 năm qua.
Nhà kinh tế trưởng Sian Fenner của Oxford Economics nói: “Các thỏa thuận thương mại, các sáng kiến như BRI cũng ủng hộ sự đầu tư vào khu vực này”.
Ông Jonathan Hillman, một cựu cố vấn chính sách của Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) và hiện là chủ nhiệm ở Dự án Tái kết nối châu Á, nói: “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy Bắc Kinh tăng tốc vào hoạt động của BRI. Lẽ tự nhiên là Bắc Kinh sẽ tìm nguồn hàng hóa từ nơi khác để thay thế hàng nhập từ Mỹ. Cuộc chiến này càng kéo dài, thì Trung Quốc càng chuyển dây chuyền cung ứng qua các nước khác, gồm các quốc gia tham gia BRI. Nông dân Mỹ bị tổn thất, nhưng lại là chiến thắng cho các nước đào sâu quan hệ giao thông với Trung Quốc thông qua BRI”.
Nhà kinh tế học Hứa Kỳ Uyên của Viện Kinh tế Thế giới và Chính trị (thuộc Học viện Xã hội Trung Quốc) nói: “Lợi thế của việc sản xuất ở Trung Quốc vẫn còn, nhưng xét về tính năng động, các lợi thế tương đối này đang giảm, hậu quả của những rủi ro và bất ổn từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Dĩ nhiên, tiến trình cải cách của các nước này (Việt Nam, Ấn Độ) cũng là một yếu tố quan trọng”.
Nhà kinh tế học họ Hứa cũng nói chính việc Trung Quốc đầu tư vào BRI cũng là một rủi ro lớn cho khoản nợ và mối quan hệ với phần còn lại của thế giới. Các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 90 tỉ USD vào các nước tham gia BRI từ năm 2013 đến 2018, theo dữ liệu chính thức.
Thay vì cho các nước tham gia BRI vay tiền bằng đồng Nhân dân tệ, đa phần đầu tư vào BRI của Bắc Kinh sử dụng đồng USD. Và với việc Mỹ đòi thu hẹp thâm hụt thương mại, chính nguồn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bị sức ép, do nguồn này đã bị giảm mạnh kể từ năm 2014.
Đa phần các dự án liên quan vay tiền của Trung Quốc với lãi suất thị trường, dẫn đến sự lo ngại Bắc Kinh đang xây dựng một hệ thống kinh tế-chính trị với Trung Quốc là trung tâm, có thể đẩy các nước nghèo vào cảnh nợ Trung Quốc nặng nề.
Mỹ và các nhà quan sát chính trị Trung Quốc ở phương Tây đã bày tỏ sự lo ngại BRI là một cái bẫy nợ lớn: các nước nhận tiền vay từ Bắc Kinh sẽ không thể trả nợ, phải chuyển nhượng đất đai cho Trung Quốc lập căn cứ quân sự. Washington còn nói BRI đe dọa an ninh quốc gia.
Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)