Ai thiệt thòi, ai được lợi khi thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận?
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:39, 03/03/2019
Theo một số nhà phân tích, kết quả đáng thất vọng vừa qua cho thấy hạn chế trong cách thức ngoại giao “lãnh đạo gặp trực tiếp” đặc biệt của Tổng thống Trump.
Bất đồng giữa hai bên nằm ở vấn đề trừng phạt, và chuyên gia hạt nhân Vipin Narang thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT) chẳng ngạc nhiên khi chuyện này khiến hội nghị đổ vỡ.
Ông cho biết: “Triều Tiên trong thời gian dài đã nói rõ: dỡ bỏ hoàn toàn trừng phạt mới là điều (Mỹ) cần làm trước khi đòi hỏi họ thực hiện những biện pháp cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa, chứ không phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh”.
Tổng thống Trump được khen
Nhưng dù chẳng đạt kết quả gì tại hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra, Tổng thống Trump lại được khen ngợi vì can đảm lựa chọn rời khỏi đàm phán thay vì chấp nhận một thỏa thuận không giúp giải quyết kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
“Không thỏa thuận tốt hơn thỏa thuận tồi. Tổng thống Ronald Reagan từng làm vậy, mọi thứ sau đó ổn thỏa. Kiên nhẫn là đức tính tốt”, nhà nghiên cứu David Kim thuộc trung tâm Stimson đánh giá.
Sau cuộc họp thành công năm 1985, Tổng thống Reagan cùng nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev một năm sau gặp lại tại Reykjavik (Iceland) để tiếp tục thảo luận vấn đề kiểm soát kho tên lửa tầm trung của hai siêu cường ở châu Âu. Người đứng đầu nước Mỹ không chấp nhận yêu cầu đàm phán hạn chế Sáng kiến Phòng thủ chiến lược (SDI) - thường được biết đến với tên gọi “Chiến tranh giữa các vì sao” - nên hội nghị kết thúc không có thỏa thuận.
Đến năm 1987, họ gặp nhau lần thứ ba. Phía Liên Xô đồng ý không đưa SDI vào nội dung đàm phán.
Ngay cả cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng dành lời khen ông Trump: “Ngài Tổng thống làm điều đúng đắn khi rời đàm phán”.
Triều, Hàn thiệt thòi
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un “tay trắng” rời khỏi Hà Nội, không có tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên hay nới lỏng cấm vận. Theo cựu quan chức ngoại giao Mỹ Mintaro Oba: “Triều Tiên dường như đã tính toán sai, hậu quả là nỗ lực giảm nhẹ trừng phạt chẳng tiến triển, hình tượng bên đàm phán thiện chí cũng sứt mẻ”.
Hội nghị thượng đỉnh đổ vỡ gây khó khăn cho quốc gia Đông Bắc Á. Chuyên gia Lý Minh Giang đến từ đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định: “Phe “diều hâu” tại Mỹ sẽ chiếm thế thượng phong trong việc ra quyết định. Các lệnh trừng phạt khó có khả năng nới lỏng trong tương lai gần. Tôi xem đây là thất bại lớn với Triều Tiên”.
Hàn Quốc cũng chịu thiệt. Quá trình phi hạt nhân hóa đình trệ, tác động xấu đến nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế hai miền, cũng như kế hoạch tổ chức cho nhà lãnh đạo Kim thăm Seoul của Tổng thống Moon Jae-in.
“Hàn Quốc sẽ khó thuyết phục Mỹ hơn. Mỹ nhiều khả năng tạo ra thêm sức ép lên chính sách hợp tác liên Triều. Mối quan hệ đồng minh giữa họ vì vậy lại càng chia rẽ”, theo chuyên gia Lý.
Trung, Nhật hưởng lợi
Theo giáo sư Jaewoo Choo của đại học Kyung Hee (Hàn Quốc): “Trung Quốc cực kỳ thất vọng khi cố chứng minh Triều Tiên không còn như trước nữa. Nhưng ông Kim đã khiến Trung Quốc - quốc gia mà Tổng thống Trump nhờ làm trung gian - mất thể diện”.
Nhà nghiên cứu Tôn Vân từ Trung tâm Stimson cảnh báo: “Nếu Tổng thống Trump nghĩ ngoại giao vô dụng, còn nhà lãnh đạo Kim cảm thấy chẳng đạt được gì thì có nguy cơ cả hai tái sử dụng cách tiếp cận cứng rắn”.
Chuyên gia Lý lại đánh giá chuyện đàm phán kéo dài đem lại lợi ích cho cường quốc châu Á: “Mỹ sẽ nhận ra họ phải nhờ Bắc Kinh hỗ trợ, trong khi Triều Tiên luôn cần đến quốc gia láng giềng. Trung Quốc lúc đó có thể đề xuất một số chính sách và giữ vị trí trung gian hòa giải”.
Nhật Bản với quan điểm xem Triều Tiên là mối đe dọa an ninh lớn, dường như thấy nhẹ nhõm khi Tổng thống Trump không nhượng bộ. Thủ tướng Shinzo Abe tỏ ý ủng hộ quyết định rời đàm phán, đồng thời thể hiện tham vọng đóng một vai trò tích cực hơn với tuyên bố muốn gặp nhà lãnh đạo Kim.
Cẩm Bình (theo SCMP)