Vì sao quân đội Venezuela vẫn ủng hộ Tổng thống Maduro?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 28/01/2019
Nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido hôm 23.1 tuyên bố trở thành Tổng thống Venezuela lâm thời. Mỹ cùng một số quốc gia khu vực và tại châu Âu công nhận ông.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino khẳng định lực lượng vũ trang nước này không công nhận Tổng thống tự phong hay nắm quyền vì “lợi ích đen tối”, đồng thời cáo buộc Washington sử dụng ông Guaido để thực hiện đảo chính. Quan chức này cũng bày tỏ lòng trung thành với Tổng tư lệnh quân đội là Tổng thống Maduro.
Phát ngôn của Bộ trưởng Padrino là đòn giáng mạnh vào phe đối lập, vốn hy vọng “lễ tuyên thệ nhậm chức” mà ông Guaido thực hiện cùng với sự ủng hộ của nước ngoài sẽ thuyết phục giới sĩ quan quân đội từ bỏ nhà lãnh đạo đương nhiệm.
Vai trò của quân đội
Quân đội Venezuela tham gia không ít cuộc đảo chính. Ngày ông Guaido tự phong Tổng thống trùng với thời điểm kỷ niệm 61 năm nhà độc tài Marcos Pérez Jiménez bị lật đổ (1958).
Trong Chiến tranh lạnh, quân đội Venezuela là đồng minh thân thiết cũng như khách hàng lớn mua vũ khí Mỹ. Nhưng sau đó cố Tổng thống Hugo Chávez phá vỡ quan hệ với Lầu Năm Góc và xích lại gần hơn với Cuba. Ông cũng trao cho giới sĩ quan nhiều quyền lực hơn- điều được Tổng thống Maduro tiếp tục thực hiện.
Lòng trung thành của quân đội
Có nhiều yếu tố khiến lực lượng vũ trang Venezuela không nghe theo lời kêu gọi từ nhà lãnh đạo phe đối lập Guaido. Thứ nhất, giới sĩ quan hưởng không ít đặc quyền và được giao quản lý hoạt động kinh tế của nhà nước- từ mua sắm vũ khí, sản xuất thép, phân phối thực phẩm đến xuất khẩu dầu mỏ.
Giáo sư R.Evan Ellis đến từ Cao đẳng quân sự Lục quân Mỹ (USAWC) cho biết một số sĩ quan cao cấp Venezuela trở nên giàu có nhờ những giao dịch mờ ám.
Thứ hai, vài nhân vật phục vụ cho lực lượng vũ trang Venezuela là mục tiêu bị Mỹ áp trừng phạt hoặc buộc tội. Nỗi sợ phải chịu cảnh bắt giữ rồi dẫn độ một khi ông Guaido lên nắm quyền khiến họ quyết định trung thành với Tổng thống Maduro.
Theo Giáo sư Ellis: “Mọi người đều nghĩ hành động như vậy an toàn hơn chẳng làm gì. Giới sĩ quan đều nhất trí rộng rãi rằng chẳng có động lực để đảo chính”.
Giáo sư quan hệ quốc tế Bruce Bagley thuộc Đại học Miami cho rằng hậu thuẫn từ quân đội giữ vai trò quan trọng, và Tổng thống Maduro nhờ có được điều này mà sẽ tiếp tục cầm quyền đến ít nhất hết năm 2019.
Nhưng vẫn có sự bất mãn. Hôm 21.1 vừa có một nhóm cảnh vệ quốc gia bị bắt với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền.
Phe đối lập chiêu dụ
Theo chuyên gia Harold Trinkunas đến từ Đại học Stanford, thay vì thúc đẩy một cuộc đảo chính theo cách truyền thống thì phe đối lập Venezuela lại cố thuyết phục quân đội “án binh bất động” để những cuộc biểu tình chống chính quyền tự do diễn ra, cho đến khi Tổng thống Maduro phải từ bỏ quyền lực.
Nhằm đạt được chuyện này, ông Guaido cam kết ân xá cho sĩ quan nào quay sang ủng hộ phe đối lập. Giáo sư Ellis nhận định ân xá sẽ tạo ra kịch bản quan chức quân đội dễ dàng đổi phe vì vẫn giữ được quyền lợi. Tuy nhiên đến nay chưa thấy có trường hợp cao cấp nào làm vậy.
Cẩm Bình (theo NPR)