Ông Trump thua ông Tập khi chinh phục cảm tình của ông Putin
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 21/07/2018
Vì theo hãng tin AP, trong cuộc tranh giành cảm tình của ông Putin, “mũi tên của thần tình yêu” đã hướng về Chủ tịch Tập Cận Bình, chứ không phải ông Trump.
Vẫn theo hãng tin Mỹ, việc ông Trump muốn lập quan hệ “anh em” với Tổng thống Nga đã làm một số dân Mỹ khó chịu. Tại cuộc gặp thượng đỉnh, ông Trump bị cho là “về phe” với ông Putin, không tin 17 cơ quan tình báo Mỹ kết luận ông Putin đã chỉ đạo Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 giúp ông Trump trúng cử.
Tuyên bố này đã khiến dư luận và các chính khách Cộng hòa và Dân chủ Mỹ phẫn nộ. Hai ngày sau, ông Trump đính chính ông đã quy trách nhiệm cho ông Putin về nghi án Nga can thiệp, và ông công nhận kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ.
Việc ông Trump cố gắng tranh thủ cảm tình của ông Putin có thể khiến Bắc Kinh “nhột”, vì Trung Quốc có lịch sử giông bão với Nga. Nhưng theo AP, trong “cuộc tình tay ba” này, ông Putin và ông Tập kết nối với nhau vì chiến lược, cộng thêm thiện cảm giành cho nhau.
Ông Li Xin, chủ nhiệm mảng nghiên cứu Nga ở Viện nghiên cứu nước ngoài (tại Thượng Hải) nói: “Ông Trump đã khẳng định rõ ông ấy là fan lớn của ông Putin. Nhưng ai cũng biết ông Trump thường đổi ý. Nỗ lực làm bạn của ông ấy không thể tranh lại lịch sử và tình thân trong quan hệ Tập - Putin”.
Bắc Kinh và Moscow có những nhu cầu thực tiễn và chính trị giống nhau. Trung Quốc muốn có nguồn dầu khí Nga để nuôi dưỡng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Nga cần Trung Quốc đầu tư và giao thương hơn bao giờ hết, sau khi bị phương Tây cấm vận nặng vì cớ sáp nhập Crimea năm 2016.
Nga - Trung cũng chống sự thống trị toàn cầu của Mỹ, và cùng lo ngại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Trung Á.
Ông Trump thường ca ngợi khả năng lãnh đạo của ông Putin, nhưng lãnh đạo Nga - Trung từ lâu vui vẻ công khai tình thân của họ.
Trước khi thăm Bắc Kinh hồi tháng 6, ông Putin nhắc lại hồi 5 năm trước, ông đã cùng ông Tập mừng sinh nhật ông bằng vài mẫu xúc-xích và nhâm nhi rượu vodka. Ông Putin nói với đài truyền hình Trung Quốc: “Tôi chưa hề lập quan hệ như thế này với bất kỳ đồng nhiệm nước ngoài nào, nhưng tôi đã có bữa tối vui vẻ đó với ông Tập”.
Tại Bắc Kinh ngày 8.6, ông Tập gọi ông Putin là “người bạn tốt thân thiết nhất”, và tặng lãnh đạo Nga một huy chương hữu nghị là một sợi dây chuyền vàng.
Hai nhà lãnh đạo Nga - Trung cũng dành nhiều thời gian gặp nhau nhiều hơn, so với bất kỳ lãnh đạo nước ngoài nào khác.
Ông Alexander Gabuev, một chuyên gia về quan hệ Nga - Trung ở Trung tâm Carnegie Moscow, nói: “Hai ông đã lập tiêu chuẩn rất cao để chuyển quan hệ lãnh đạo toàn cầu thành tình bạn thật sự. Nên Trung Quốc không việc gì phải lo về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga”.
Sau cuộc gặp đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoan nghênh quan hệ Trung - Mỹ được cải thiện, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói Bắc Kinh “hoàn toàn tin tưởng” về mối quan hệ Trung - Nga: “Quan hệ này sẽ không bị tác động bởi bất kỳ yếu tố nước ngoài nào”.
Nhưng nhà bình luận Harry Kazianis lưu ý: có thể ngày nào đó, Mỹ - Nga sẽ cảm thấy cần đứng chung chống lại Trung Quốc, nếu tầm ảnh hưởng ngày càng lên của Bắc Kinh “giẫm đạp” lên quyền lợi của Mỹ - Nga.
Dù vậy, các chuyên gia nói khả năng này không thể sớm xảy ra. Nhà nghiên cứu Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) gởi e-mail cho AP, viết: “Hai lãnh đạo Nga - Trung đều tìm cách chống tầm ảnh hưởng của Mỹ, cách làm suy yếu quan hệ đồng minh của Mỹ, và chỉnh sửa hệ thống quốc tế sao cho có lợi cho họ”.
Thay vì xem ông Trump là một đối thủ trong quan hệ hữu nghị Trung - Nga, Trung Quốc nhiều khả năng hài lòng với sự chia rẽ ngày càng tăng giữa Mỹ với các đồng minh ở châu Âu.
Bà Glaser nói: “Bắc Kinh có quan hệ tốt với cả Mỹ - Nga. Trung Quốc chắc chắn kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh của ông Trump sẽ không thay đổi thực tế này”.
Vĩnh Thụy (theo AP)