Lãnh đạo Triều Tiên thử thách ý chí Tổng thống Mỹ

Góc nhìn - Ngày đăng : 18:48, 16/05/2018

Với tuyên bố Bình Nhưỡng không quan tâm cuộc gặp lịch sử giữa hai lãnh đạo Triều-Mỹ nữa, xem ra lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đang muốn thử thách ý chí Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lính Hàn Quốc kiểm tra tình hình Triều Tiên ở Bàn Môn Điếm - Ảnh: AP

Theo kế hoạch, cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều-Mỹ sẽ diễn ra tại Singapore ngày 12.6 tới. Nhưng nếu cuộc gặp này bị hủy, thì sẽ là một thất bại lớn trong điều được gọi là “thành tựu ngoại giao lớn nhất” của ông Trump, người đã kỳ vọng một cuộc gặp thành công, ngay vào lúc các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ khả năng xóa được bất đồng Mỹ-Triều.

Theo Reuters, nước cờ mới nhất của lãnh đạo Triều Tiên nhằm kiểm tra ông Trump có sẵn lòng nhượng bộ chút nào hay không trước thềm cuộc gặp lịch sử.

Một chuyên gia về Triều Tiên thuộc chính phủ Mỹ, nói ông Kim có thể cũng cố gắng dò xem ông Trump có sẵn sàng từ bỏ cuộc hẹn hay không.

Ông Joshua Pollack thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (ở Mỹ) nói xem ra Bình Nhưỡng tức việc chính phủ Mỹ hứa sẽ vẫn trừng phạt Triều Tiên dù Bình Nhưỡng có các nhượng bộ: “Triều Tiên muốn Mỹ đổi giọng và ít ra đến nay họ chưa nghe được gì”.

Sự nghi ngờ khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều còn tiếp sau việc ông Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Thỏa thuận JCPOA gồm Iran và Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức cùng ký, qua đó Iran ngưng chương trình hạt nhân, đổi lại được quốc tế dỡ bỏ lệnh cấm vận.

Triều Tiên không chấp nhận chung số phận với Libya và Iraq

Bên cạnh đó, còn có những thắc mắc liệu Triều Tiên có sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân (VKHN) mà Bình Nhưỡng tuyên bố có thể tấn công lãnh thổ Mỹ?

Hãng tin AP ngày 16.5 nêu đã rõ việc Triều Tiên không muốn từ bỏ tham vọng sở hữu VKHN, nên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan tuyên bố Bình Nhưỡng không quan tâm cuộc gặp thượng đỉnh Triều-Mỹ nữa, nếu đấy chỉ là một cuộc gặp “một chiều” mà Triều Tiên bị Mỹ ép phải từ bỏ VKHN.

Thứ trưởng Kim chỉ trích Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, người đã có những bình luận mang ý Triều Tiên nên học tập "mô hình Libya", tức Bình Nhưỡng nên mau chóng trao kho VKHN cho Mỹ hoặc các nước khác quản lý, và Triều Tiên cần thực hiện quá trình từ bỏ chương trình sản xuất VKHN “đầy đủ, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng”.

Một số nhà phân tích nói áp dụng “mô hình Libya”- nước này chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân sơ khai hồi năm 2000, đổi lại được quốc tế nới lỏng lệnh cấm vận-có nguy cơ không đạt được tiến bộ nào trong đàm phán với Triều Tiên.

Năm 2011, ông Kim bắt đầu thay cha nắm quyền lực ở Triều Tiên, chỉ vài tuần sau khi Đại tá Moammar Gaddafi bị quân nổi dậy giết chết trong cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền của lãnh đạo Gaddafi hồi tháng 10.2011. Trước đó, Mỹ lấy cớ Tổng thống Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) để xâm lược Iraq năm 2003.

Bình Nhưỡng luôn xem việc ông Hussein bị xử treo cổ, Đại tá Gaddadi bị giết là lý do Triều Tiên cần có VKHN đề phòng Mỹ xâm lược.

Thứ trưởng Kim nói: “Thế giới biết rõ tổ quốc chúng tôi không phải là Libya hoặc Iraq vốn đã gặp phải số phận bi thảm. Thật là vô lý khi dám so sánh Triều Tiên, một quốc gia có VKHN, với Libya vốn chỉ mới khởi động phát triển hạt nhân”.

Triều Tiên tức vì đã nhượng bộ mà Mỹ vẫn đòi trừng phạt

Vị quan chức Triều Tiên cho biết: “Chúng tôi sẽ phản ứng thích đáng với chính phủ Mỹ, nếu họ muốn tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Triều- Mỹ với ý chân thành là cải thiện quan hệ. Nhưng chúng tôi không quan tâm đến một cuộc đàm phán đều sẽ dồn chúng tôi vào chân tường, đơn phương đòi hỏi chúng tôi phải từ bỏ VKHN của chúng tôi. Việc này buộc chúng tôi phải xem xét lại có nên chấp nhận cuộc gặp thượng đỉnh Triều-Mỹ hay không”.

Thứ trưởng Kim cũng nói: “Triều Tiên đã nhắc đi nhắc lại điều kiện tiên quyết để phi hạt nhân hóa là Mỹ phải chấm dứt chính sách thù địch đối với Triều Tiên và chấm dứt các đe dọa hạt nhân”.

Ngày 13.5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Mỹ sẵn sàng đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm vận Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng đồng ý hoàn toàn hủy bỏ chương trình VKHN, tiến hành quá trình phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng”.

Nhưng tuyên bố của Thứ trưởng Kim xem ra bác bỏ ý tưởng của Ngoại trưởng Mỹ, nói Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy quan hệ thương mại và kinh tế với Mỹ.

Triều Tiên bất mãn vì Hàn Quốc tiếp tục tập trận chung với Mỹ

Rạng sáng 16.5, Bình Nhưỡng cũng tuyên bố hoãn cuộc gặp cấp cao giữa Triều Tiên với Hàn Quốc tại "làng ngưng bắn” Bàn Môn Điếm dự kiến diễn ra cùng ngày, và dọa rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh Triều- Mỹ.

Lý do hoãn: quân đội Mỹ-Hàn tổ chức cuộc tập trận chung Thần Sấm, từ ngày 14 đến ngày 25.5 tại căn cứ không quân Gwangju (phía nam Hàn Quốc), với hơn 100 máy bay các loại, gồm 8 tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ, một số máy bay ném bom B-52 và tiêm kích F-15K của Hàn Quốc.

Khoảng 1.500 binh sĩ Mỹ - Hàn đã tham gia cuộc tập trận này năm 2017. Triều Tiên khi đó đã đáp trả bằng cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn chưa từng có ở thành phố Wonsan.

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cáo buộc Thần Sấm 2018 là một cuộc diễn tập xâm lược miền Bắc, mang tính khiêu khích trong lúc quan hệ liên Triều đang ấm lên, và đối nghịch với Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Trong tuyên bố, KCNA nhấn mạnh: "Mỹ nên cân nhắc cẩn thận số phận của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã được lên kế hoạch, trong lúc Mỹ lại cùng Hàn Quốc tham gia các hành động khiêu khích quân sự Triều Tiên".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Mỹ sẽ xem xét kỹ tuyên bố của Bình Nhưỡng, nhưng "sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đồng minh".

Bảo Vĩnh (theo Reuters, AP)