Trung Quốc sẽ ‘nhắc nhở’ Triều Tiên về quan hệ thân cận
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:42, 14/06/2018
Theo báo Los Angeles Times ngày 13.6, Trung Quốc “thắng to” từ chỗ Tổng thống Mỹ Donald Trump phấn khích với cuộc gặp lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore ngày 12.6, nên ông bất ngờ hứa Mỹ sẽ ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.
Ông Trump cũng hứa xem xét việc rút quân Mỹ trú đóng ở Hàn Quốc và Nhật Bản, dù có thể là không rút ngay lập tức.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn muốn níu Triều Tiên trong tầm kiểm soát, dùng Triều Tiên là một “vùng đệm” với Hàn Quốc và 28.000 quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc.
Bắc Kinh cũng muốn thuyết phục Seoul dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của Mỹ, vì Trung Quốc cho rằng dàn radar của hệ thống này có thể “soi rõ” nội địa, đe dọa an ninh Trung Quốc.
Chủ nhân Nhà Trắng “trúng kế” Bắc Kinh
Theo báo Los Angeles Times, ông Trump “trúng kế” Bắc Kinh khi hứa rút quân và không tập trận, vì Trung Quốc không ưa Mỹ hiện diện quân sự ở Hàn - Nhật, và từng cùng Nga đề nghị: Để đổi lấy việc Bình Nhưỡng ngưng hoạt động hạt nhân, Mỹ nên dừng các cuộc tập trận mà Bình Nhưỡng từng phản đối, nói đó là âm mưu Mỹ - Hàn diễn tập để xâm chiếm Triều Tiên.
Ông Ryan Hass, nhà nghiên cứu Trung Quốc cho Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) ở Nhà Trắng thời Tổng thống Barack Obama, nói Trung Quốc muốn chứng kiến sự giảm quân nước ngoài ở vùng Đông Bắc Á, đồng thời mở rộng bất đồng giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Ông Hass nói: “Bắc Kinh nay trên đường đạt được các mục tiêu này với một chút tổn phí”, ý ám chỉ Trung Quốc dùng máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Air China chở ông Kim đến Singapore gặp ông Trump.
Tuy nhiên, ngay sau khi ông Kim rời khỏi chiếc máy bay lúc chiều tối 12.6, Bắc Kinh sẽ cảnh giác việc cần duy trì ảnh hưởng trên Bình Nhưỡng, vì Bắc Kinh cảm thấy lẻ loi sau khi ông Trump khen ông Kim nức nở là “lãnh đạo rất tài năng”, và ông hứa ngưng tập trận chung trong khi không nhận lại được gì từ ông Kim.
Ông Paul Haenle, một cựu quan chức trong NSC thời ông Obama và cựu Tổng thống George Bush, nói: “Tôi cho rằng trong bất kỳ sự cải thiện quan hệ Mỹ - Triều nào, Trung Quốc đều có thể thấy mình thua thiệt”, và cho rằng Trung Quốc phải cảnh giác, vì nếu việc Mỹ - Hàn ngưng tập trận chung sẽ dẫn đến sự thân thiện hơn giữa Mỹ - Triều.
Ông Haenle còn nói Trung Quốc lo ngại Triều Tiên có thể tự cách ly với Trung Quốc, khiến Bắc Kinh không còn có thể buộc Bình Nhưỡng “thần phục” như trước nữa.
Ông Tập không muốn đẩy ông Kim vào sâu vòng tay ông Trump
Các nhà phân tích cho rằng ngay sau cuộc gặp ông Trump, ông Kim sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, và lãnh đạo Trung Quốc sẽ “nhắc nhở” ông Kim về việc Bắc Kinh sẵn sàng giúp Triều Tiên phát triển kinh tế.
Hồi tháng 3, ông Kim bất ngờ đến Bắc Kinh để gặp ông Tập. Qua tháng 5, ông Tập mở dạ yến ở Đại Liên đãi ông Kim và dẫn lãnh đạo trẻ đi dạo dọc bờ biển. Cuộc gặp thứ hai được cho là một nỗ lực của ông Tập, nhằm bảo đảm quan điểm không ưa Mỹ hiện diện quân sự ở Đông Nam Á của Trung Quốc sẽ từ miệng ông Kim đến tai ông Trump.
Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ từng trách chuyến đi Trung Quốc của ông Kim là “một sự thay đổi thái độ”, và Bắc Kinh nhanh chóng kêu gọi hai bên không hủy cuộc gặp lịch sử ở Singapore.
Những diễn biến này cho thấy Trung Quốc tính toán kỹ, nhằm vừa đẩy Bình Nhưỡng - Washington tiến tới chuyện kết thúc chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng cũng không đẩy Bình Nhưỡng lọt quá sâu vào vòng tay Tổng thống Mỹ.
Các nhà phân tích cũng lưu ý: Việc Bình Nhưỡng lâu nay lệ thuộc và tin tưởng Trung Quốc vẫn còn đó. Ông Thành Hiểu Hà, một giáo sư trợ giảng chuyên về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói: “Việc ông Kim ngồi máy bay Air China đi dự thượng đỉnh ở Singapore cho thấy Triều Tiên tin tưởng Trung Quốc hơn là tin Mỹ hoặc Hàn Quốc.
Giáo sư Thành còn nói Bình Nhưỡng cần Trung Quốc giúp, nếu Triều Tiên muốn theo đuổi mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng áp dụng và giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh.
Ông nói: “Nếu Triều Tiên cải thiện quan hệ với một quốc gia, trong khi quan hệ của họ với một nước láng giềng quan trọng trở nên tệ hại, thì như thế không phù hợp với quyền lợi quốc gia của Triều Tiên”.
Ngay sau cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ - Triều, Trung Quốc bắn tiếng: Có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt đã khiến kinh tế Triều Tiên kiệt quệ, nếu Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của LHQ. Điều này có nghĩa Bắc Kinh sẽ sớm giúp vận động hành lang với LHQ, để nới lỏng lệnh cấm vận Triều Tiên.
Ông Lục Siêu, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện khoa học xã hội Liêu Ninh (Trung Quốc) nói dù Trung Quốc tiếp tục thực hiện lệnh cấm vận, nhưng vài sức ép đã giảm: “Hợp tác kinh tế bình thường đã được nối lại, như hợp tác thương mại thường ngày”.
Thế nhưng Trung Quốc vẫn có thể cẩn trọng, không vội thực hiện những thay đổi đối với Triều Tiên. Ông Kim Dong-gil, chủ nhiệm Trung tâm bán đảo Triều Tiên (thuộc đại học Bắc Kinh) nói: “Nếu trước tiên Mỹ không đồng ý, Trung Quốc sẽ không có hành động nào về lệnh cấm vận, vì nó có thể gây hại cho đối thoại Mỹ - Triều”.
Ông Michael Kovrig, một chuyên gia về Đông Bắc Á ở tổ chức nghiên cứu International Crisis Group, nói Trung Quốc sẽ chờ xem Triều Tiên cam kết niêm phong chương trình hạt nhân thế nào, trước khi vận động hành lang để nới lỏng lệnh cấm vận Triều Tiên.
Vĩnh Thụy (theo Los Angeles Times)