Không kích Syria là phương án quân sự mạo hiểm?
Góc nhìn - Ngày đăng : 18:57, 11/04/2018
Mỹ và các đồng minh châu Âu đều cáo buộc chế độ Assad đứng sau vụ tấn công nêu trên, nhưng các quan chức Nga nói không có dấu vết vũ khí hoá học (VKHH) được tìm thấy ở hiện trường, và nói phe ly khai “dựng chuyện” vụ tấn công này để làm cớ cho phương Tây can thiệp quân sự.
Nga, Iran và Syria phủ nhận các cáo buộc, gọi chúng là cớ để nước ngoài can thiệp chống Tổng thống Assad. Các quan chức quân sự cấp cao Nga cảnh cáo sẽ đánh trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào vào Syria và đe dọa tính mạng quân Nga yểm hộ quân đội chính phủ nước này.
Ngoại trưởng Iran, ông Mohammed Javad Zarif cáo buộc Tổng thống Mỹ “giúp bọn cực đoan” vì ông dọa đánh Syria. Trong khi đó, cố vấn cấp cao Ali Akbar Velayati của Giáo chủ tối cao Ali Khamenei lên án Israel tiến hành không kích một căn cứ không quân Syria hôm 9.4, làm chết 7 quân Iran. Iran đã hứa sẽ đánh trả thù.
Nguy cơ bùng nổ Thế chiến 3
Ngày 7.4.2017, ông Trump từng lệnh cho tàu chiến Mỹ phóng 59 quả tên lửa hành trình “Búa” Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat, với lý do đây là nơi chiến đấu cơ Syria cất cánh tấn công hóa học vào dân thường thành phố Khan Sheikhoun.
Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố hủy diệt 20 máy bay, tức 20% sức mạnh không lực Syria và làm hư hỏng nặng căn cứ này. Nhưng thông tin khác nói máy bay Syria đã cất cánh khỏi Shayrat vài giờ sau vụ tấn công của Mỹ.
Lần này, nếu ông Trump muốn phát thông điệp mạnh mẽ hơn, thì chỉ có một giải pháp là đập tan hoàn toàn không lực Syria. Nhà phân tích quốc phòng Jeremy Binnie của tạp chí quốc phòng Jane’s nói: hải quân Mỹ có thể phóng “Búa” Tomahawk với cấp độ lớn hơn vụ 2017, nếu lực lượng này có đủ số tàu khu trục, tàu ngầm tấn công trong tầm bắn, và các mục tiêu nên là máy bay cùng các tài sản khó sửa chữa, thay vì tấn công căn cứ như năm 2017 đã làm.
Ông Binnie nói Mỹ có thể thực hiện đòn tấn công lớn gấp 4 lần so với vụ năm ngoái, và nếu đúng là vụ năm ngoái phá hủy 20% sức mạnh không quân Syria, thì trên lý thuyết, một đợt “ném Búa” lớn hơn 4 lần sẽ có thể loại bỏ hoàn toàn không quân Syria.
Theo nghiên cứu Cân bằng quân sự (của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế-ở Anh) thì Syria có 15.000 người thuộc không quân, trong khi Israel có 34.000 người, Mỹ có 316.000 người.
Ông Reuven Ben-Shalom, một nhà phân tích quân sự Israel từng 25 năm phục vụ Quân đội Israel (IDF) mô tả khả năng quân sự của Syria chỉ là “chuyện đùa” và ưu thế quân sự tối thượng của Mỹ còn lớn hơn gấp nhiều lần.
Đầu năm nay, Syria tuyên bố đã bắn rơi một chiến đấu cơ F-16 của không quân Israel đang quay về nước sau một đợt không kích trong lãnh thổ Syria.
Nhưng ông Ben-Shalom nói một máy bay bị bắn hạ có thể do nhiều yếu tố. Ông khẳng định cuối cùng thì Israel sẽ vẫn giữ “ưu thế mạnh mẽ” trên bầu trời. Ông cũng nói rõ: “Vấn đề chính là chiếc dù mà Nga đã giương ô che Syria. Có quân nhân Nga ở Syria”, và Mỹ sẽ chuốc liều nếu mở cuộc tấn công khiến có thể bùng phát Thế chiến 3.
Nguy cơ lớn nhất mà ông Trump phải đối mặt không phải là hệ thống phòng không của Nga, mà là nếu như Mỹ giết chết lính Nga ở Syria. Có tin chính phủ Assad đã chuyển số máy bay đến căn cứ không quân của Nga ở thành phố Latakia, nhằm bảo đảm chúng không bị phá hủy. Trong khi đó, Mỹ có thể buộc không quân Syria không thể cất cánh, chứ không muốn phá hủy máy bay Nga.
Đánh Syria hay không?
Căng thẳng leo thang và nguy cơ bùng phát chiến tranh giữa các siêu cường ở phía đông Địa Trung Hải là rõ ràng, khi chiến đấu cơ Nga bay trên tàu chiến Pháp mang tên lửa hành trình và Mỹ, Anh, Pháp tiếp tục chuẩn bị hành động quân sự để trừng phạt Syria.
Hiện Mỹ cũng chỉ có khu trục hạm Donald Cook (từng ‘ném Búa” năm 2017) vừa rời cảng Larnaca (đảo Síp) hôm 9.4. Chiếc Cook sẽ có tàu hộ vệ Aquitaine mang tên lửa hành trình hộ tống, và trong tuần qua báo giới Pháp đưa tin hai tàu này bị máy bay Nga bay rất thấp để trinh thám.
Khu trục hạm Porter (cũng tham gia vụ ‘ném Búa”) đang có chuyến thăm cảng Cherbourg (Pháp), trong khi khu trục hạm Ross vừa hoàn tất tập trận với hải quân hoàng gia Anh, đã rời cảng Plymouth hôm 8.4.
Sẽ phải mất nhiều ngày các tàu này đến gần Syria, trong khi tàu sân bay Harry Truman cùng nhóm tàu tấn công chỉ rời bang Virginia ngày 10.4 để đi Địa Trung Hải, và sẽ mất nhiều ngày mới đến vùng biển Syria.
Ngày 10.4, Tổng thống Mỹ đã nói chuyện điện thoại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May. Sau đó, ông Macron nói với các nhà báo: vài ngày nữa sẽ có một quyết định chính thức, tiếp sau “cuộc trao đổi thông tin chiến lược và kỹ thuật với các đối tác của chúng tôi, nhất là Anh và Mỹ”.
Ông Macron còn nói nếu quyết định oanh kích, đồng minh sẽ tấn công các cơ sở hóa học của chính phủ Syria chứ không tấn công các đồng minh của chính phủ này, vì ông không muốn leo thang căng thẳng.
Thái tử Mohamed Bin Salman của Ả Rập Saudi trong chuyến thăm Pháp cũng tuyên bố ủng hộ ủng hộ hành động quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Ông Trump đã quyết cử Phó tổng thống Mỹ Mike Pence thay mặt dự hội nghị thượng đỉnh các nước Mỹ La-tinh ở Peru (từ ngày 13,14.4) để ông Trump trực tiếp nắm tình hình Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng hủy các cuộc hẹn làm việc trong cuối tuần này.
Nữ thư ký Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác và đồng minh để xác định động thái tốt nhất tiếp theo sẽ là gì.
Mỹ và Pháp từng tính chuyện cùng không kích chế độ Assad năm 2013, sau cáo buộc quân đội này dùng khí độc Sarin tấn công khu ngoại ô Đông Ghouta nhưng kế hoạch này được hủy, vì Nga giúp đạt một thỏa thuận, qua đó Damascus từ bỏ kho VKHH. Nhưng vài chính phủ phương Tây và đồng minh vẫn nghĩ ông Assad vẫn còn có loại vũ khí này.
Tại London, Thủ tướng May họp hội đồng an ninh quốc gia, và đa số các bộ trưởng sức mạnh ủng hộ hành động quân sự. Nhưng tuyên bố của Phủ Thủ tướng bày tỏ sự cẩn trọng, khi tiếp tục xác định chưa thể điều tra vụ tấn công hóa học ngày 7.4.
Theo Hiến pháp Anh, Thủ tướng May không được cử quân chiến đấu, nếu không được các nghị sĩ bỏ phiếu thuận.
Vĩnh Thụy (theo Guardian)