Ngoại trưởng Nga: Mỹ đánh Syria sẽ bị sa lầy như ở Iraq, Libya
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:19, 14/04/2018
Theo hãng thông tấn TASS ngày 13.4, Ngoại trưởng Lavrov nói: “Thượng đế tha thứ cho những động thái cẩu thả đang diễn ra ở Syria như ở Libya, Iraq. Nay tôi hy vọng sẽ không có ai đặt cược vào hành động liều lĩnh này. Nhưng dù gì chăng nữa, ngay cả những sự cố vô nghĩa cũng sẽ một lần nữa gây ra làn sóng nhập cư mới vào châu Âu”.
Tổng thống Obama từng có sai lầm lớn nhất ở Trung Đông
Theo Newsweek, ông Trump thường phản đối những nỗ lực lật đổ chính quyền các nước khác của những vị tiền nhiệm Mỹ, nhưng Nhà Trắng luôn nhấn mạnh “tất cả các phương án đều đặt trên bàn”, gồm cả dùng vũ lực quân sự.
Từ sau vụ khủng bố Al-Qaeda tấn công nước Mỹ ngày 11.9.2001, Mỹ trực tiếp dính líu các cuộc chiến ở những nước khác, bắt đầu là cuộc đánh chiếm Afghanistan, nhanh chóng đánh tan chính phủ Taliban Hồi giáo cực đoan và cáo buộc Taliban bao che trùm khủng bố Osama bin Laden, nhưng từ đó Mỹ chật vật giúp quân chính phủ chống bọn nổi dậy.
Rồi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003, cáo buộc Tổng thống Saddam Hussein giấu vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) mà sau khi ông Hussein bị lật đổ (sau đó bị chính quyền Iraq theo đạo Hồi dòng Shiite treo cổ) thì cái cớ Hussein có WMD đã bị lộ là cớ giả. Vụ chiếm đóng này dẫn đến sự ra đời của bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Năm 2011, vào lúc “Cách mạng màu” bùng nổ ở Trung Đông, Mỹ và liên minh quân sự NATO giúp quân nổi dậy lật đổ đại tá Muammar el-Gaddafi của Libya (bị quân nổi dậy giết sau khi phát hiện ông trốn trong ống cống). Sau này, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đó là “sai lầm lớn nhất” trong sự nghiệp lãnh đạo Mỹ của ông.
Cuối năm 2011, Mỹ rút đa số quân khỏi Iraq. CIA cùng Qatar, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ nuôi quân nổi dậy đòi lật đổ Tổng thống Bashar Al- Assad của Syria, với cớ ông ngược đãi nhân quyền và đàn áp người chống đối. Bọn IS càng mạnh lên, tranh thủ sự hỗn loạn để đánh chiếm sang cả Syria hồi năm 2013.
Gần đây, bọn IS bị đánh bại hầu như hoàn toàn, nhờ các chiến dịch quân sự của liên quân do Mỹ dẫn đầu và của Nga-Iran ủng hộ Tổng thống Syria. Sự ủng hộ này đã giúp chính phủ Assad tránh được sự giải thể như từng xảy ra với đảng Baath của ông Hussein, sự sụp đổ của chế độ Gaddafi ở Libya.
Lính Mỹ chuẩn bị giật sụp tượng Tổng thống Hussein năm 2003 - Ảnh : Reuters
Ông Trump đánh Syria để đáp trả lời đe dọa trả đũa của Nga
Các thắng lợi chính trị-chiến lược của Nga tại Syria khiến Nga có vai trò dẫn đầu ở Trung Đông, nơi mà Moscow kết thân cả với những nước bạn và nước thù địch với Mỹ.
Nga-Mỹ đều cáo buộc lẫn nhau gây bất ổn Trung Đông, trong khi hai vị Tổng thống Vladimir Putin-Donald Trump thường bày tỏ mong muốn hàn gắn quan hệ Nga-Mỹ.
Mỹ-Nga cùng quyết đánh bọn IS nhưng lại bất đồng về tương lai chính trị Syria, và sự tranh cãi này đe dọa sẽ chuyển thành bạo lực.
Sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 13.4, Đại sứ Nga tại LHQ Alexander Zasypkin cảnh báo tình hình Syria “rất nguy hiểm”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tránh nguy cơ chiến tranh giữa Nga-Mỹ, nếu ông Trump phát động cuộc chiến này.
Tuy nhiên, thông tin Syria tăng cường phòng thủ ở Dinh Tổng thống tại Damascus, thậm chí có tin ông Assad trú ẩn trong căn cứ Nga, cho thấy Syria đánh giá thách đố mới nhất của Tổng thống Mỹ là một mối đe dọa cho sự tồn tại của chế độ Assad.
Hồi tháng 3, khi Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley lần đầu tiên nói bóng gió Mỹ có thể hành động quân sự, tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga đã cảnh báo "quân đội Nga sẽ có những biện pháp trả đũa, nhắm vào tên lửa và giàn phóng tên lửa” nếu như mạng sống quân nhân Nga ở Syria bị đặt vào nguy hiểm.
Đại sứ Nga tại Lebanon, ông Alexander Zasypkin đã nhắc lại lời cảnh báo của tướng Gerasimov hồi đầu tuần này.
Đại sứ Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari cũng nói hôm 13.4: “Nếu Mỹ, Anh, Pháp nghĩ họ có thể tấn công chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, thì chúng tôi chỉ còn mỗi cách duy nhất là tự vệ”.
Vậy mà tại cuộc họp báo đêm thứ sáu 13.4 (giờ Mỹ) được truyền hình trực tiếp, vị Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tuyên bố không kích Syria có sự phối hợp của Anh và Pháp, như thách thức lời đe dọa của Nga: “Tôi vừa ra lệnh quân đội Mỹ không kích chính xác các mục tiêu liên quan khả năng vũ khí hóa học của kẻ độc tài Assad. Mục đích hành động của chúng ta là lập sự ngăn chặn mạnh mẽ, chống lại việc sản xuất, phát tán và sử dụng vũ khí hóa học. Việc lập sự ngăn chặn này là cần thiết vì quyền lợi an ninh quốc gia Mỹ. Chúng ta sẵn sàng duy trì phản ứng này cho đến khi chế độ Syria chấm dứt sử dụng chất hóa học bị cấm”.
Ngày 9.4, ông Trump từng nói ông sẽ “phản ứng mạnh”, sau khi nắm thông tin quân đội Syria dùng vũ khí hóa học giết dân thường ở thành phố Douma thuộc khu ngoại ô Đông Ghouta ở Damascus ngày 7.4. Ông Trump chỉ trích vụ tấn công này (làm chết ít nhất 70 người) là “bệnh hoạn và tàn bạo”, đồng thời nói Nga-Iran “có thể sẽ phải trả giá”.
Ngày 13.4, ông Trump lại đề cập 2 đồng minh của Tổng thống Assad: “Với Nga và Iran, tôi hỏi, nước nào muốn đồng lõa với những vụ giết người hàng loạt, đàn ông, phụ nữ và trẻ con?... Không nước nào có thể thành công về lâu dài khi ủng hộ các nước bạo tàn, độc tài, sát nhân. Nga phải quyết liệu họ sẽ tiếp đi theo con đường tăm tối này, hoặc họ sẽ cùng các nước văn minh như một nguồn lực ổn định và hòa bình”.
Chỉ mới 2 tuần trước, ông Trump khiến các chỉ huy quân sự bất ngờ, khi ông nói muốn rút toàn bộ 2.000 quân Mỹ khỏi Syria. Vì nhiệm vụ đánh bọn IS sắp hoàn thành. Nhưng torng diễn văn, ông trấn an dân Mỹ: cuộc tấn công sẽ không dẫn đến chuyện Mỹ kéo dài cam kết quân sự, và ông đang nhờ các đối tác Ả Rập trong khu vực bảo đảm an ninh.
Tổng thống Trump tuyên bố không kích Syria - Ảnh: AP
Chủ nhân Nhà Trắng xỉa xói vị tiền nhiệm Obama
Dù vậy, một số nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ nói ông Trump nên xin phép Quốc hội Mỹ rồi mới được đánh Syria. Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, nói "một đêm không kích không thể thay thế cho một chiến lược rõ ràng, toàn diện về vấn đề Syria".
Cũng theo bà Nancy, Tổng thống cần phải thảo luận với Quốc hội để được phép sử dụng lực lượng quân sự, mặc dù bà vẫn bảo lưu quan điểm “Putin phải chịu trách nhiệm về hành vi tàn ác của chính quyền Syria với người dân nước này”
Thượng nghị sĩ Tim Kaine (từng là ứng viên Phó tổng thống Mỹ năm 2016) nói cuộc không kích đêm 13.4 là “liều lĩnh”, còn người đồng nhiệm Edward Markey nói cuộc tấn công này là “vi hiến, thiếu tiến trình ngoại giao, sẽ không làm thay đổi tính toán của Assad liên quan sử dụng vũ khí hóa học giết dân của ông ấy”.
Chính quyền Mỹ nói họ tin tưởng có quyền không kích, dựa theo quyền cho phép dùng vũ lực chống bọn Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố quốc tế khác.
Nhưng ngay cả nghị sĩ đảng Cộng hòa Thomas Massie cũng phản ứng quyết định của ông Trump trên Twitter: "Tôi chưa đọc Hiến pháp của Pháp và Anh, nhưng tôi đã đọc Hiến pháp của nước chúng ta và không thấy đoạn nào nói Tổng thống có quyền tấn công Syria".
Trước đó, vài nghị sĩ Cộng hòa đề nghị ông Trump xét đánh các cơ sở chỉ huy của Tổng thống Assad. Sau vụ tấn công, thượng nghị sĩ David Perdue khen ông Putin đã vào cuộc chỉ huy đồng minh với một biện pháp hạn chế để quy trách nhiệm cho chế độ Syria: “Tấn công hóa học vào dân thường và trẻ em vô tội là hành vi hoàn toàn không thể chấp nhận. Assad phải biết các hành động phi nhân tính của ông ta sẽ không được tha thứ. Về lâu dài, thế giới sẽ hỏi: “Khi nào Assad sẽ ngưng? Đây là lúc cần hành động”.
Hiện chưa thể rõ sẽ còn kéo dài cuộc không kích hay không. Vì không có kế hoạch rõ ràng, khó có khả năng ông Trump và các đồng minh sẽ tin Syria và các nước đồng minh có xem xét lại đường lối của họ hay không.
Cựu Tổng thống Obama nay được nhớ là người hứa hành động quân sự, nếu Tổng thống Assad “vượt lằn ranh đỏ” sử dụng vũ khí hóa học, hồi năm 2013. Nhưng ông Obama đã xin phép Quốc hội Mỹ và không xảy ra vụ tấn công.
Nhưng hôm 8.4, ông Trump viết Twitter: “Nếu Tổng thống Obama dám bước qua “lằn ranh đỏ trên cát” như ông đã nói, thì thảm họa Syria đã kết thúc từ lâu. Con thú Assad đã trở thành lịch sử từ lâu”.
Vĩnh Thụy (theo Newsweek)