Nản ông Trump, ông Putin sẽ tung 'cú đấm' đối ngoại nào?
Góc nhìn - Ngày đăng : 17:57, 05/04/2018
Quan hệ Nga với phương Tây hiện xuống cấp quá nhanh, với những vụ trục xuất các nhân viên ngoại giao của mỗi bên, từ sau vụ cựu điệp viên phản Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc bằng chất độc thần kinh cấp quân dụng Novichok ngày 4.3 ở Salisbury (Anh).
Để thể hiện tinh thần quan hệ đặc biệt truyền thống Mỹ-Anh, ông Trump đã quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa Lãnh sự quán nước này ở Seattle.
Theo Reuters ngày 5.4, hai nguồn tin nói chính quyền Mỹ đang lên kế hoạch trừng phạt các nhà tài phiệt thân cận ông Putin, dự kiến sẽ công bố ngày 5.4 (giờ Mỹ). Kế hoạch này vận dụng Luật chống các kẻ thù của nước Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi hè 2017.
Luật này khiến Tổng thống Mỹ Trump khó có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận Nga với lý do Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, và Mỹ đã tăng sự trừng phạt việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ông Trump đã phải ký phê duyệt Luật CAATSA ngày 2.8.2017, lúc ông muốn cải thiện quan hệ với ông Putin.
Ngày 4.4, ông Trump cũng nói “thật sự có khả năng tôi có thể có quan hệ hữu hảo” với chủ nhân Điện Kremlin, nhưng ông cũng thừa nhận đấy không là điều chắc chắn. Ông nói: “Làm thân với Nga là một điều tốt. Tôi nghĩ tôi có thể có một quan hệ rất tốt với Nga và Tổng thống Putin, nếu tôi làm thế sẽ là một điều lớn lao. Cũng có rất nhiều khả năng điều đó sẽ không xảy ra. Ai mà biết được”.
Ngày 20.3, ông Trump đã gọi điện thoại chúc mừng ông Putin tái trúng cử tổng thống Nga, dù có một bản ghi chú của các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ viết toàn chữ in nhắc nhở: “KHÔNG ĐƯỢC CHÚC MỪNG”.
Nga kêu gọi phương Tây và Mỹ hãy "đối thoại lành mạnh"
Nhưng khi nản vì “đặt cược” vào ông Trump mãi không thành, Tổng thống Putin sẽ đổi chiến lược bằng những đối sách nào? Theo Reuters, các phương án đều bị nhiều hạn chế.
Một phương án là cố gắng mở rộng sự chia rẽ ở phương Tây, bằng cách lôi kéo Pháp và Đức. Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin khen Pháp có “thái độ xây dựng”, sau khi Paris xác nhận Tổng thống Emmanuel Macron sẽ thăm chính thức Nga vào tháng 5 tới, bất chấp bất đồng đang diễn ra giữa phương Tây với Nga.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Alexei Pushkov thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga hoan nghênh việc Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ dự án tuyến ống dẫn khí Nord Stream 2 do Nga đề xuất. Nó sẽ kết nối Đức-Nga, bất chấp các nước EU khác lo ngại nó sẽ gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của EU.
Cách nữa là Nga làm thân với Trung Quốc và Ấn Độ. Cố vấn chính sách đối ngoại Fyodor Lukyanov nói Moscow sẽ nỗ lực tăng cường quan hệ với Bắc Kinh và New Delhi vì hai nước này có uy tín trên vũ đài chính trị quốc tế, không chịu sức ép của phương Tây.
Nhưng xem ra quan hệ với Mỹ vẫn được Moscow xem là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nga. Ông Sergei Naryshkin, lãnh đạo Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) nói tại hội nghị an ninh quốc tế hằng năm (MCIS) ở Moscow: “Mỹ đã ấn định tư tưởng phải đối phó mối đe dọa từ Nga, mà làm gì có mối đe dọa đó. Có thể nói kiểu nghĩ phi lý đó là khả năng muốn quay lại thời Chiến tranh lạnh”, mà đỉnh điểm là Liên Xô bố trí tên lửa hạt nhân ở Cuba hồi tháng 10.1962.
Ông Naryshkin kêu gọi Nga và phương Tây “đối thoại lành mạnh, ngưng trò chơi vô trách nhiệm chỉ làm tăng thêm căng thẳng và cần tránh sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, để không đẩy tình hình đi đến một cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba mới”.
Quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ khó bề cứu vãn
Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói sự căng thẳng hiện nay còn tệ hơn thời Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô với Mỹ sau Thế chiến 2, với mối đe dọa chiến tranh hạt nhân treo trên đầu toàn thế giới, chỉ kết thúc khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, nói cuộc căng thẳng mới thô bạo và không thể lường trước, và ông so sánh nó với một “cuộc đấu võ tự do” không tuân thủ luật lệ nào.
Các nhà phân tích và người thân cận giới hoạch định kế hoạch Nga nói việc ông Trump chỉ định hai "diều hâu hiếu chiến” chống Nga là các ông Mike Pompeo và John Bolton làm Ngoại trưởng Mỹ và Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng càng làm Nga nản.
Các nguồn tin này nói đối với Mỹ, Moscow không sẵn sàng chuyển dòng hành động, không thích nhượng bộ hoặc ra các đường lối mới. Vì thế, Nga sẽ chỉ tiếp tục làm thân nếu Mỹ chịu làm thân, còn nếu Nga gặp phải hành động thù địch hơn, ví dụ vụ trục xuất các nhà ngoại giao, thì Nga sẽ trả đũa thích đáng.
Ông Andrey Kortunov, lãnh đạo một cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói: “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm, là mở rộng cửa đàm phán, và chờ xem chuyện gì sẽ đến. Đó là quan điểm nổi bật”.
Đặc biệt là Moscow mở rộng cửa với khả năng gặp thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo Putin-Trump. Đây là ý tưởng do ông Trump nói ra, cũng nhằm có được đối thoại Mỹ-Nga về sự ổn định chiến lược hạt nhân nhằm tránh cho hai bên lao vào cuộc chạy đua vũ trang đầy tốn kém.
Nhưng Nga cũng đang đổ cho Mỹ “đi đầu trong cuộc Chiến tranh lạnh mới”, như Cố vấn chính sách đối ngoại Lukyanov viết trên báo Rossiyskaya Gazeta: “Không thể hy vọng một sự cải thiện quan hệ hoặc bất kỳ sự tiến bộ nào ở bất kỳ lĩnh vực nào trong tương lai gần”, và ông khuyên giới quyền thế Nga nên chờ hứng những cuộc trừng phạt tài chính đối với Nga.
Ông Dmitri Trenin, cựu đại tá quân đội Nga và nay là chủ nhiệm Trung tâm Carnegie ở Moscow, nói: “Càng ngày nỗ lực ngoại giao càng trở nên vô nghĩa trong quan hệ Nga-Mỹ. Xem ra đã đến lúc phải đáng/trả đũa/chuẩn bị cho một cuộc chiến thôi”.
Bích Ngọc (theo Reuters)