Tại sao Tổng thống Ukraine Poroshenko nuôi mộng EU nhưng lại không mở cửa với EU?
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:39, 28/11/2017
Chính quyền Poroshenko vô hiệu hóa cơ chế điều tra tham nhũng
Kyiv Post ngày 17.11 đưa tin ông Serhiy Gorbatyuk, Cục trưởng Cục Điều tra Đặc biệt, Văn phòng Tổng Công tố Ukraine (NABU) cho biết định chế pháp lý này có nguy cơ mất quyền kiểm soát trong quá trình điều tra cáo buộc tham nhũng liên quan tới cựu Tổng thống Viktor Yanukovych.
"Hàng ngàn cơ sở dữ liệu của cuộc điều tra về tham nhũng rất lớn dưới thời chính quyền cựu tổng thống lưu vong Viktor Yanukovych đang có nguy cơ bị chuyển ra khỏi văn phòng cùa các điều tra viên, nếu một điều chỉnh về thủ tục tố tụng không được ban hành trước ngày 20.11.2017".
Theo ông Gorbatyuk, khi dự luật về thành lập NABU được thông qua, Văn phòng Tổng công tố Ukraine, mà cụ thể là NABU, chỉ được trao quyền tạm thời trong việc điều tra tham nhũng từ thời cựu Tổng thống Ynukovychi. Thời hạn cho quyền tạm thời đó sẽ kết thúc vào ngày 20.11.2017.
Người đứng đầu NABU cho rằng "đây là một hành vi có chủ ý nhằm làm hạn chế quyền của NABU, qua đó ngăn chặn việc điều tra sự gian lận của chính quyền. Bởi với hơn 3.500 trường hợp bị điều tra tham nhũng dưới thời chính quyền Yanukovych, thì quỹ thời gian dành cho NABU là không đủ.
Trong thông cáo báo chí, Văn phòng NABU đã nhận định việc chuyển cơ sở dữ liệu ra khỏi NABU sẽ "dẫn tới sự sụp đổ của NABU cũng như các cơ quan điều tra tham nhũng khác, từ đó sẽ làm tê liệt hệ thống tư pháp của Ukraine trong cuộc chiến với quốc nạn này.
Và đến nay thì thời hạn chót cho việc NABU được tiếp cận các án tham nhũng nói chung, tham nhũng dưới thời chính quyền Yanukovych nói riêng, đã trôi qua và cũng không có một văn bản pháp lý nào được ban hành cho phép NABU kéo dài sứ mệnh. Việc điều tra của NABU trở nên nửa vời.
Trước thực tế đó, ông Andrii Slyusar, Giám đốc Transparency International-Ukraine đã nhận định "dường như hệ thống pháp luật đã không cho phép các cơ quan điều tra độc lập thực hiện các cuộc điều tra mới. Thay vào đó, Cục Điều tra của chính phủ sẽ thực hiện".
Thực ra, nhận diện việc điều tra tham nhũng có thể bị vô hiệu bởi chính quyền. Tháng 10.2017, Nghị sĩ Olena Sotnyk đã chuẩn bị một dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hành chính của Ukraine nhằm ngăn chặn việc chuyển hồ sơ các vụ án tham nhũng khỏi cơ quan điều tra độc lập.
Dự luật sửa đổi đã được đệ trình lên Quốc hội và đã thông qua, nhưng theo bà Sotnyk thì đã diễn ra hiện tượng kỳ quặc, khi quan chức chính phủ bị cho là đã thay đổi ngôn ngữ của dự luật trong khi chờ Tổng thống ký ban hành, mà ở đó cho phép chuyển hồ sơ tham nhũng cho cơ quan điều tra nhà nước.
Cục trưởng Cục Điều tra Đặc biệt Ukraine Serhiy Gorbatyuk - Ảnh: Ukraine Business Journal
Tổng thống Poroshenko từ chối lập tòa án độc lập chống tham nhũng
Nạn tham những là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền Kiev thời hậu Yanukovych không thể xác lập được niềm tin chiến lược với Mỹ và các nước phương Tây - những nhà bảo trợ cho Ukraine. Thậm chí Washington và các đồng minh đã phải dừng viện trợ tài chính cho Ukraine, theo Reuters.
Tham nhũng cũng là nguyên nhân chính khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tạm dừng giải ngân phần còn lại - khoảng 8 tỉ USD - của khoản vay ưu đãi 17,5 tỉ USD dành cho Ukraine. Và định chế tài chính quốc tế này đã yêu cầu Kiev thành lập tòa án độc lập chống tham nhũng như điều kiện để giải ngân tiếp.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đồng thuận với IMF trong tạo áp lực với Kiev về việc xây dựng cơ chế độc lập để điều tra và xét xử tội phạm tham những. Định chế tài chính quốc tế này xem nạn tham nhũng có thể phá hỏng quá trình cải cách tại Ukraine.
"Với những gì chúng ta từng thấy trong quá khứ, mô hình của Ukraine là một sự bất hạnh, bởi mỗi khi nền kinh tế phát triển khả quan, đất nước thoát dần khỏi khủng hoảng, thì cải cách lại có thể bị dừng lại", Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Kuraine, Satu Kahkonen nhận định, Reuters tường thuật.
Ở trong nước, phe đối lập đứng đầu là nhà chính trị đang lên, cựu Tổng thống Gruzia Saakashvili - trong ba yêu sách gửi tới chính quyền Kiev như điều kiện cho việc chấm dứt đại biểu tình lật đổ chính phủ - cũng có yêu cầu thành lập tòa án chống tham nhũng độc lập.
Tuy nhiên, sự cộng hưởng sức ép từ "thù trong, giặc ngoài" không khiến Kiev thay đổi lập trường, khi Tổng thống Poroshenko kiên quyết từ chối thành lập tòa án chống tham nhũng độc lập, thậm chí còn thách thức bằng việc tách điều tra tội tham nhũng khỏi cơ quan điều tra độc lập.
Rõ ràng, Tổng thống Poroshenko đã rơi vào thế rất nguy hiểm và có thể phải rời khỏi quyền lực không êm ả trước khi mùa bầu cử mới sẽ diễn ra trong hơn một năm nữa. Dư luận đặt câu hỏi: Điều gì khiến nhà lãnh đạo Ukraine lại bất chấp hiểm nguy như vậy?
Tổng thống Poroshenko bị tố cáo dính dáng đến tham nhũng
Tạp chí Time của Mỹ ngày 24.12.2016 đã công bố cáo buộc của Nghị sĩ Quốc hội Ukraine Oleksandr Onishchenko đối với Tổng thống Poroshenko, trong đó cho rằng nhà lãnh đạo Ukraine đương thời phạm tội tham nhũng, chứ không như hình ảnh mà ông ta thể hiện trong đời sống chính trị.
"Tôi là một thành viên được bầu của quốc hội Ukraine, chính bản thân tôi từng chứng kiến ông Piotr Poroshenko liên quan đến tham nhũng trên quy mô lớn chưa từng có. Ông ta ăn cắp hàng trăm triệu USD, đòi lại quả từ tất cả các hợp đồng liên quan đến bất kỳ doanh nghiệp Ukraine nào".
Và đến ngày 3.11.2017 thì lời cáo buộc của Nghị sĩ Onishchenko dường như hoàn toàn có cơ sở, khi Tòa án thuộc Quận Solomensky của Kiev đã cho phép Cục Điều tra Đặc biệt được truy cập vào các tài liệu của một nhà máy từng thuộc cấu trúc sở hữu của ông Poroshenko, theo Sputnik.
Theo hồ sơ vụ việc, Lực lượng Bảo vệ Biên giới Ukraine đã mua xe bọc thép "Triton" bằng công quỹ với giá bị đội lên nhiều lần. Những chiếc xe bọc thép đó được mua vào năm 2015 tại Nhà máy Rybalskiy Forge Plant - tên cũ là Lenin Forge - thuộc khối tài sản không được phép đa dạng của Poroshenko.
Tổng thống Poroshenko mệt mỏi với sức ép điều tra tham nhũng nên sẵn sàng gạt mộng EU - Ảnh : Sputnik
Điều đáng nói là giá trị lô 34 chiếc xe bọc thép Triton của nhà máy Rybalskiy Forge Plant chỉ là 59,5 triệu Hryvnia. Thế nhưng trong Sắc lệnh số 399, ngày 14.5.2015 đã ghi giá trị mua lô vũ khí trên cho Lực lượng biên giới ở khu vực Kharkov có tổng chi phí lên tới 161,5 triệu Hryvnia.
Đây chỉ là một trong những phi vụ kinh tế mờ ám được cho là có liên quan đến Tổng thống Poroshenko. Khi diễn tiến vụ việc đang được làm sáng tỏ thì Cục Điều tra Đặc biệt hết thời hạn được quyền điều tra những vụ việc liên quan đến tham nhũng và hồ sơ được chuyển cho cơ quan điều tra nhà nước.
Dù chưa có kết luận và việc điều tra có thể sẽ chuyển sang một hướng khác, song rõ ràng chính quyền và cá nhân Tổng thống Poroshenko không hoàn toàn vô can với những cáo buộc tham nhũng, và phải chăng đó là lý do nhà lãnh đạo phải liều lĩnh vô hiệu hóa cơ chế luật pháp liên quan tới tham nhũng?
Chính quyền Poroshenko sẵn sàng từ bỏ khát vọng EU vì áp lực điều tra tham nhũng
Theo truyền thông quốc tế, ngày 24.11 lãnh đạo Liên minh châu Âu và 6 nước thuộc Liên Xô cũ là Ukraine, Gruzia, Moldova, Armenia, Azerbaijan, Belarus đã nhóm họp tại Brussels, thảo luận về tăng cường quan hệ song phương, trong đó có việc EU hỗ trợ giải quyết nạn tham nhũng, đặc biệt là Ukraine.
Trước thềm hội nghị mang tên Đối tác phía Đông này, giới lãnh đạo EU đã hối thúc Kiev đẩy mạnh cải cách, tạo điều kiện để EU tăng cường viện trợ cho Ukraine, và theo Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, hiện nay Ukraine vẫn chưa đủ điều kiện để EU xem xét trao cho quốc gia này quy chế thành viên.
EU quan ngại về thực trạng chống tham nhũng tại Ukraine. Ủy viên phụ trách mở rộng EU Johannes Hahn đã nhấn mạnh cuộc chiến chống tham nhũng tại Ukraine cần mạnh mẽ hơn, bởi năm ngoái có tới 1,5 triệu người Ukraine đăng ký kê khai tài sản giá trị, song chỉ có 100 người bị kiểm tra.
Ngày 25.11, Hội nghị Đối tác phía Đông kết thúc và ra tuyên bố chung, tuy nhiên Ukraine đã không đồng ý với bản dự thảo Tuyên bố chung của hội nghị lần này. Tổng thống Poroshenko thậm chí còn đe dọa Ukraine sẽ từ chối tiếp tục tham cơ chế Đối tác phía Đông này của EU.
Trong khi đó, theo Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid thì cơ chế Đối tác phía Đông là bước tiền trạm cho việc hòa nhập vào không gian chung Châu Âu - Đại Tây Dương, mà kết quả cuối cùng là việc được trao quy chế thành viên NATO, EU cho các quốc gia trong không gian hậu Xô Viết.
Điều đó cho thấy, Tổng thống Poroshenko đã sẵn sàng gạt "mộng EU", cho dù ông là một trong những nhà lãnh đạo nuôi "khát vọng Tây tiến" mạnh mẽ nhất. Đến lúc này, có thể đặt câu hỏi Tổng thống Poroshenko coi trọng cái hơn? Lợi ích, an toàn của bản thân hay lợi ích của người dân, đất nước.
Ngọc Việt