Thủ tướng Lebanon vờ từ chức: Kịch bản hoàn hảo của Mỹ?
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:13, 29/11/2017
Thủ tướng Lebanon vờ từ chức tạo thêm khủng hoảng tại Trung Đông
Tại Trung Đông, khi cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar vẫn còn đang bế tắc thì bỗng dưng lại xuất hiện một cuộc khủng hoảng chồng lấn xoay quanh việc từ chức rồi hoãn từ chức của Thủ tướng Lebanon Saad Hariri - một sự kiện gây bất ngờ nhưng lại rất đáng ngờ, khiến cho tình hình thêm căng thẳng.
Xin nhắc lại là, sau khi có chuyến bay không báo trước tới Ả Rập Saudi ngày 3.11, thì 24 tiếng sau Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri đã bất ngờ thông báo từ chức từ Thủ đô Riyadh, với lý do tính mạng bị đe doạ bởi hành động của lực lượng du kích Hezbollah và việc gia tăng áp lực của Iran.
Tuy nhiên, Tổng thống Lebanon Michel Aoun đã từ chối việc từ chức của Thủ tướng Hariri, trừ phi ông ta trở về nước giải trình sự việc cặn kẽ. Thậm chí Tổng thống Lebanon còn cáo buộc chính quyền Riyadh đã bắt cóc và giam giữ ông Hariri làm con tin.
Nền chính trị của Lebanon vốn dựa trên sự "cân bằng nhạy cảm" giữa các phe phái tham gia cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1975 đến năm 1990, gồm lực lượng Hồi giáo Sunni, Shiite, Thiên Chúa giáo và người Druze. Đứng sau các phe phái tại Lebanon là các quốc gia kình chống nhau trong khu vực.
Trong khi Thủ tướng Hariri, một người Hồi giáo Sunni, là đồng minh lâu dài của Ả Rập Saudi, thì Tổng thống Michel Aoun, một tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng lại là đồng minh chính trị của Hezbollah, tổ chức chính trị-vũ trang Hồi giáo dòng Shiite, được xem là cánh tay của Iran ở nước ngoài.
Và Chính phủ của Thủ tướng Hariri là một chính phủ liên minh dựa trên thoả thuận chia sẻ quyền lực được thành lập vào năm 2016, trong đó có sự tham gia của lực lượng Hezbollah, dù tổ chức này đã bị buộc phải giải thể theo Nghị quyết 1559 của LHQ vào năm 2004.
Vì vậy, khi Thủ tướng Hariri tuyên bố từ chức bất ngờ và bất thường thì ngay lập tức đẩy tình hình chính trị tại Lebanon vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đồng thời khơi mào cho một cuộc xung đột tại Trung Đông, giữa Ả Rập Saudi và các đồng minh chống lại khối quân sự do Iran đứng đầu.
Reuters ngày 6.11 bình luận rằng, qua việc từ chức Thủ tướng Saad al-Hariri mà nguyên nhân là do Iran và Hezbollah, Ả Rập Saudi đã quyết định đối đầu với Iran trên một mặt trận mới, đó là khấy động và làm thay đổi cán cân lực lượng trên chính trường Lebanon.
Khi cuộc khủng hoảng bị đẩy lên đỉnh điểm thì Ngoại trưởng Pháp Le Drian đã bất ngờ thực hiện chuyến công du tới Ả Rập Saudi với sứ mệnh là tìm cách tháo ngòi nổ cho thùng thuốc súng Trung Đông, qua việc bình thường hóa tình hình chính trị cho Lebanon.
Ông Le Drian đã gặp người đồng cấp Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir cũng như Thủ tướng Lebanon Saad và chuyển lời của Tổng thống Macron mời ông Hariri thăm Pháp. Khi Thủ tướng Hariri nhận lời tới Paris, Tổng thống Michel Aoun nhận định rằng cuộc khủng hoảng chính trị tại Lebanon đã kết thúc.
Thủ tướng Saad Hariri từ chức tạo ra cuộc khủng hoảng quyền lực tại Lebanon và cộng hưởng căng thẳng tại Trung Đông - Ảnh: The Financial Express
Ngày 18.11 Thủ tướng Hariri đã tới Pháp và có cuộc tiếp kiến Tổng thống Macron. Sau khi gặp nhà lãnh đạo tối cao của nước Pháp, vị Thủ trướng trẻ của Lebanon đã quyết định trở về nước để tìm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng xoay quanh khoảng trống quyền lực của ông.
Và sau khi về nước, Thủ tướng Hariri quyết định đình chỉ việc từ chức. Ông Hariri tuyên bố: "Tất cả chúng ta cần những nỗ lực đặc biệt để chống lại mọi mối đe doạ. Chúng ta phải làm sao tránh được sự ảnh hưởng nguy hại từ các cuộc xung đột trong khu vực", The Guardian tường thuật.
Dường như cuộc khủng hoảng xoay quanh việc từ chức của Thủ tướng Hariri đã được hoá giải sau khi ông hoãn từ chức. Tuy nhiên, theo giới phân tích tình hình căng thẳng tại Trung Đông đã được cộng hưởng qua khủng hoảng quyền lực của ông Hariri và ông Hariri chỉ vờ từ chức để tạo khủng hoảng.
Kịch bản hoàn hảo của Mỹ?
Việc từ chức của Thủ tướng Hariri gây bất ngờ song không phải là không có lý. Bởi ông Hariri là con trai cố Thủ tướng Rafik al-Hariri, người đã bị ám sát ở Beirut vào năm 2005, mà Hezbollah bị cáo buộc là nghi phạm khi một tòa án do LHQ hậu thuẫn đã ban hành bốn lệnh bắt giữ thành viên của tổ chức này.
Vì vậy, ông Saad Hariri từ bỏ sinh mệnh chính trị để đảm bảo tính mạng cũng là điều dễ hiểu. Song nếu đặt thời điểm ông Saad Hariri từ chức trong bối cảnh tổng thể tại Trung Đông, có thể thấy vị Thủ tướng trẻ tuổi của Lebanon tuyên bố rời bỏ chức vụ không hoàn toàn do nguy hiểm về tính mạng.
Có thể thấy việc từ chức của ông mang một ý nghĩa chính trị và theo giới phân tích thì quyết định vờ từ bỏ quyền lực của Thủ tướng Lebanon Saad Hariri là một kịch bản của người Mỹ trong quá trình việc sắp đặt bàn cờ chính trị mới tại Trung Đông. Tại sao vậy?
Thứ nhất, ông Saad Hariri tuyên bố từ chức vì cho rằng tính mạng bản thân bị đe doạ mà thủ phạm được chỉ đích danh là Hezbollah, như vậy nhóm du kích này đã lại tiếp tục bị gắn thêm tội danh mưu sát chính trị, sau khi đã là nghi phạm trong vụ ám sát cố Thủ tướng Rafik al-Hariri
Trong khi đó, từ năm 2004, khi LHQ thông qua Nghị quyết 1559 về việc giải giáp Hezbollah thì tổ chức chính trị-vũ trang này đã tồn tại như một "tổ chức khủng bố quốc tế”. Do Nghị quyết 1559 không có chế tài với các bên trong trường hợp vi phạm nên Hezbollah tạm thoát hiểm
Tuy nhiên, ngày 25.10 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới đối với Hezbollah và bất cứ thế lực nào ủng hộ nhóm du kích này, nhất là giúp đỡ về phương tiện quân sự và cung cấp vũ khí. Đây được nhận diện là một đòn tấn công trực diện vào Iran.
Bên cạnh đó, nghị quyết của Hạ viện Mỹ còn hối thúc Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng liệt nhóm Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế, điều mà các đồng minh của Mỹ bên bờ đông Đại Tây Dương vẫn chưa thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 1559 của LHQ.
Cha con ông Hariri đều bị cho là nạn nhân của Hezbollah trong mưu sát - ám sát chính trị - Ảnh: Egypt Today
Có thể thấy rằng, qua động thái mới nhất của Capitol Hill, Washington đã thực hiện một nước cờ mới liên quan đến vai trò và vị thế của Mỹ tại Trung Đông, trong đó buộc Hezbollah phải giải giáp, đồng nghĩa bẻ gãy cánh tay của Iran ở nước ngoài.
Không những vậy, khi Hạ viện Mỹ trừng phạt Hezbollah thì Israel được mở lối và có thể tấn công Hezbollah ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Syria, Lebanon. Trước hiệu ứng bất lợi này, chắc chắn Hezbollah và Iran sẽ có hành đông trả đũa và việc triệt hạ đồng minh của Mỹ là tiện lợi nhất.
Thủ tướng Hariri là đồng minh của Ả Rập Saudi cũng là quân cờ quan trọng của Mỹ tại Trung Đông, vì vậy ông có thể rơi vào tầm ngắm của Hezbollah khi trả đũa Mỹ. Đặc biệt khi IS đang đại bại thì việc trả thù sẽ dữ dội hơn, vì vậy nguy cơ Hezbollah trả đũa rồi đổ cho IS trả thù là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chính vì vậy, Thủ tướng Hariri chủ động từ chức và chỉ mặt gọi tên Hezbollah đe doạ là cách ngăn chặn việc trả đũa một cách hữu hiệu nhất, ngay cả “khi xạ thủ đã đặt tay lên cò sung”. Bởi nghi án ám sát chính trị chưa được xóa, thêm nghi án mưu sát chính trị nữa sẽ khiến Hezbollah chùn tay.
Không những vậy, khi Hezbollah tiếp tục bị cáo buộc mưu sát chính tri, tổ chức này nguy cơ bị tìm diệt bất ở cứ đâu tại vùng đất nóng. Như vậy, khi bị xem là lý do khiến Thủ tướng Hariri phải từ chức, Hezbollah đã bị "án chồng án" và phải đối mặt nguy cơ bị xoá sổ chứ không chỉ bị giải giáp mà thôi.
Rõ ràng, khi Thủ tướng Hariri vờ từ chức thì Hezbollah trở thành nghi phạm, song khi ông Hariri hoãn từ chức thì Hezbollah vẫn không thể được xoá án, bởi cả án cũ, án mới đều treo. Đây là nước đi quyết liệt của Mỹ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran trước các đồng minh của Mỹ.
Thứ hai, khi tìm cách xóa sổ Hezbollah, Mỹ đồng thời xây nền đất cứng tại Trung Đông nhằm ngăn chặn Nga cắm rễ sâu, mà từ đó có thể phá hỏng chiến lược của Mỹ được xác lập tại vùng đất nóng trong hơn 1/4 thế kỷ của thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Có thể thấy, gần đây những nước cờ của Mỹ tại khu vực Trung Đông thường rất hiểm hóc và tinh vi, nó khiến cho đối thủ khó nhận diện, song khi hoàn tất thì lại tạo ra những hiệu ứng rất tích cực cho Mỹ. Điều đáng lưu ý là trong các nước đi Washington luôn khai thác cơ chế đa phương, nhất là cơ chế LHQ.
Vì vậy Nga và các thực thể đối nghịch khác rất khó phá thế trong các nước cờ của Mỹ. Như Nghị quyết Hạ viện Mỹ trừng phạt Hezbollah thì được Nghị quyết 1559 mở đường, Mỹ kêu gọi EU liệt Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố thực ra chỉ là nhắc nhở đồng minh thực hiện nghị quyết này.
Trước đây, nhiều hành động của Mỹ bị xem là coi thường công luận, bất chấp dư luận cũng như vô hiệu hoá luật pháp quốc tế, song cũng đã gây ra những hệ luỵ rất lớn cho các mối quan trên toàn cầu, mà có khi cả đối thủ lẫn đối tác và đồng minh của Mỹ đều phải trả giá cho hành động của Mỹ.
Chân dung thũ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tại Israel - Ảnh: NetNews
Nay những hành động của Mỹ dựa trên luật pháp quốc tế - mà Mỹ góp phần tạo chuẩn mực - thì hành động của Mỹ sẽ nguy hiểm gấp nhiều lần. Rõ ràng, hành động theo luật pháp quốc tế mà được thực hiện bởi uy lực của Mỹ thì chắc chắn tạo ra rất nhiều hệ luỵ cho đối phương.
Với trường hợp Hezbollah, đã bị xem là khủng bố quốc tế - theo tinh thần Nghị quyết 1559 - nay lại bị cáo buộc mưu sát chính trị trong vụ từ chức của Thủ tướng Hariri khiến án chồng án - làm cho Iran gặp nhiều khó khăn trong việc cứu giúp lực lượng này, ngay cả khi Hezbollah chấp nhận giải giáp.
Trong khi Tehran gặp khó mà Moscow không thể giúp - vì rào cản Nghị quyết 1559 về giải giáp Hezbollah - thì những kết quả mà Nga và Iran mới gặt hái được sau chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Iran làm sao dễ dàng biến thành thành quả của sự hợp tác. Rõ ràng, Mỹ đã gài thế khó cho Nga.
Như vậy, việc vờ từ chức của Thủ tướng Lebanon Saad Harri rõ ràng là một kịch bản và việc ông hoãn từ chức lại càng khiến cho kịch bản hoàn hảo hơn. Với những diễn tiến của sự việc liên quan đến tình hình thực tế tại Trung Đông cho thấy dường như người Mỹ đã đứng sau kịch bản hoàn hảo này.
Ngọc Việt