Ngừng cấp vũ khí cho người Kurd Syria: Chiến lược Mỹ phá sản?
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:17, 01/12/2017
"Tổng thống Trump đã thông báo cho Tổng thống Erdogan những điều kiện để ngừng hỗ trợ quân sự cho các đối tác của chúng ta tại Syria, sau khi cuộc chiến tại thành phố Raqqa kết thúc, tình hình đang bước vào giai đoạn ổn định và đảm bảo rằng IS không thể trở lại", tuyên bố của Nhà Trắng ghi rõ.
Đây là động thái rất đặc biệt của Mỹ đối với lực lượng người Kurd ở Syria - vốn được Mỹ bảo trợ và cũng đảm bảo vai trò cho Mỹ tại Syria. Vì vậy, quyết định của Tổng thống Trump bị nhận diện là người Mỹ đã thay đổi với đồng minh của mình, khi cuộc chiến chống IS tại Syria bước vào giai đoạn cuối.
Mỹ phải đứng nhìn người Kurd ở Iraq đại bại sau khi kết quả trưng cầu độc lập bị Iraq bác bỏ, nay lại phải ngừng cung cấp vũ khí cho người Kurd ở Syria, khiến có nhiều nhìn nhận rằng Mỹ đã bỏ rơi người Kurd và chiến lược dùng người Kurd vẽ lại bàn cờ chính trị Trung Đông hơn 1/4 thế kỷ qua đã phá sản.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những phản ứng của Mỹ - hành động hay không hành động - trước những chuyển động của người Kurd hay liên quan đến người Kurd tại Trung Đông vẫn là những bước hiện thực hóa chiến lược của Mỹ xoay quanh quân cờ chiến lược này. Tại sao vậy?
Thứ nhất, khi đứng nhìn kết quả cuộc trưng cầu độc lập của người Kurd ở Iraq bị gạt bỏ và Baghdad tiến quân vào Kirkuk, đó không hoàn toàn là Mỹ bỏ rơi người Kurd hay Washington bất lực trước Baghdad, mà đó là một ứng xử với mục đích muốn người Kurd đoàn kết để mạnh hơn trong đối phó với Iraq.
Có thể thấy rằng, trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết cho mình, người Kurd ở Iraq đã có nhiều mâu thuẫn nội tại và đó cũng là lý do khiến cuộc đấu tranh của họ không đạt được kết quả như ý nguyện, cho đến khi được người Mỹ nâng đỡ, theo BBC.
Mâu thuẫn nội bộ của người Kurd thể hiện rõ qua quan điểm và hành động của của hai lực lượng chính trị đại diện quan trọng của tộc người này là đảng Dân chủ Kurdistan (KDP) của Massoud Barzani và Liên minh người Kurd yêu nước (PUK) của Jalal Talabani.
Sau khi chính quyền Saddam Hussein đại bại trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, nhưng lại quay sang đàn áp dã man người Kurd, tháng 4.1991, ông Talabani và ông Massoud Barzani đã đồng ý ngừng bắn, chấp nhận tới Baghdad đàm phán với chính quyền Saddam.
Mâu thuẫn giữa KDP của Massoud Barzani và PUK của Jalal Talabani khiến cho chiến lược của Mỹ thiếu công lực - Ảnh: cabinet.gov.krd
Khi Tổng thống Saddam Hussein không chấp nhận chia sẻ lợi ích với người Kurd từ việc khai thác dầu tại Kirkuk, phản ứng của PUK và KDP trước thực tế này mâu thuẫn nhau. Năm 1994, mâu thuẫn giữa giữa PUK và KDP đã gây ra "nội chiến" giữa những người Kurd, khiến hàng ngàn người thiệt mạng.
Năm 1996, với sự trung gian của Mỹ, PUK và KDP đã ký hòa ước và với quan điểm ôn hòa, ông Talabani đã lọt vào "mắt xanh" của người Mỹ. Vì vậy, với Washington, từ đó ông Talabani là đại diện chủ chốt của người Kurd tại "sân khấu" chính trị Baghdad.
Vào thời điểm Mỹ lên kế hoạch chuẩn bị tấn công Iraq vào năm 2003 và thông báo tới người Kurd, ông Talabani và ông Massoud Barzani đã quyết định hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đặt ra yêu cầu chính quyền Iraq thời hậu Saddam sẽ kiểm soát chính sách đối ngoại, quốc phòng và tiền tệ của người Kurd.
Đổi lại, Baghdad chấp nhận duy trì quyền lực của chính phủ tự trị Kurdistan tại Erbil trong các lĩnh vực khác còn lại. Điều này khiến ông Barzani giận dữ và cho rằng đã đến lúc Ebil phải độc lập, trong khi ông Talabani chấp nhận cơ chế tự trị cho người Kurd trong nền dân chủ mới tại Iraq.
Đó là lý do khiến trên chính trường Iraq thời hậu Saddam hình thành thế chân vạc qua việc phân chia quyền lực giữa lực lượng người Kurd mà ông Talabani là đại diện với lực lượng chính trị Hồi giáo dòng Shiite đóng vai trò chi phối chính trường và lực lượng chính trị Hồi giáo dòng Sunni với quyền lực bị hạn chế.
Trong đời sống chính trị Iraq, thế chân vạc cũng hình thành từ sự tồn tại cộng đồng người Kurd ở Bắc Iraq với quyền tự trị song song với cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite chiếm số đông dân cư của Iraq và cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni chiếm thiểu số.
Thực tế này khiến cho chiến lược của Mỹ xoay quanh người Kurd bị hạn chế công lực, song Washington chưa thể làm khác. Khi ông Barzani thúc đẩy trưng cầu độc lập đã giúp Mỹ "bất chiến tự nhiên thành", đứng nhìn Baghdad tấn công Erbil buộc Bazani rời bỏ chức vụ, tạo cơ hội cho PUK và KDP thống nhất.
Thứ hai, đối với người Kurd ở Syria mục đích bước đầu là cơ chế tự trị, điều đó phù hợp với chiến lược của Mỹ, bởi cơ chế độc lập cho người Kurd chưa được xác lập ở Iraq. Vì vậy Mỹ phải bám theo chuyển động của người Kurd và hiệu chỉnh cho phù hợp, ngừng cấp vũ khí cũng nằm trong nước đi đó.
Cung cấp vũ khi và đạn dược cho người Kurd không còn quan trọng bằng kinh tế và tài chính khi Syria bước vào tiên trình chính trị và tái thiết - Ảnh: Middle East Eye
Cho đến lúc này, không thể phủ nhận là cuộc chiến chống khủng bố tại Syria đang đi vào giai đoạn kết, việc kiến tạo nền hòa bình và xác lập nền chính trị mới cho Syria là hoạt động chính yếu của tất cả các lược lượng liên quan đến ván cờ Syria trong giai đoạn này.
Người Nga và các đồng minh đã có những chuyển động chính trị quan trọng theo khuynh hướng đó và đương nhiên người Mỹ cũng không muốn đồng minh của mình chuyển động lệch pha, mà từ đó có thể làm giảm vị thế của Mỹ, làm giảm vai trò của đồng minh trong ván cờ Syria thời hậu IS.
Điều đó một phần do chính quyền Assad đang ở thế thượng phong trước phe đối lập, một phần do tính chất ván cờ chính trị Syria thời hậu IS sẽ được quyết định không phải bằng vũ khí và đạn dược, thay vào đó là hỗ trợ kinh tế và viện trợ tài chính. Vì vậy, Mỹ phải hướng đồng minh vào thực tế này.
Đó là lý do Tổng thống Trump tuyên bố ngừng cung cấp vũ khí cho người Kurd ở Syria chứ không phải ngừng hỗ trợ cho lực lượng này. Bên cạnh đó, hành động của Washington còn hướng tới nhiều đích khác, mà qua đó có thể nâng cao vi thế cho Mỹ và vai trò của đồng minh tại Syria khi IS bị tiêu diệt.
Còn nhớ ngày 17.11, trong NATO đã xảy ra một sự cố nghiêm trọng, khi hình ảnh của Tổng thống Erdogan và Nhà lập quốc Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk bị sử dụng làm bia ngắm bắn trong cuộc tập trận của NATO diễn ra tại Na Uy mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên tham gia.
Tổng thống Erdogan đã phản ứng rất giận dữ và ngay lập tức lệnh cho các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi cuộc tập trận tại Na Uy, khi cho rằng bản thân ông và nhà lập quốc đã bị đồng minh xúc phạm và “không thể chấp nhận một liên minh có hành động như vậy”, theo Reuters.
Ngay sau đó, ngày 18.11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân Tổng thống Erdogan. Tuy nhiên Ankara đã không chấp nhận lời xin lỗi của Brussels, điều đó khiến "sự cố bia ngắm" có thể bị đẩy đi quá xa, giúp cho thành Nga thành "ngư ông đắc lợi".
Khi Tổng thống Trup tuyên bố sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho người Kurd, đó có thể được xem là phần "đền bù" của Washington và các đồng minh cho “sự cố bia ngắm” và ngăn chặn chuỗi phản ứng tiêu cựa của Ankara với NATO.
Trao cho Moscow món quà vô giá, Washington tin chắc sẽ được lại quả - Ảnh: Slate
Dường như Ankara đã xuôi khi Tổng thống Erdogan yêu cầu Mỹ phải giữ lời hứa. Điều đó khiến cho hành động của Tổng thống Trump như trao cho Tổng thống Putin món quà giá trị, khi vấn đề người người Kurd đã có hướng giải quyết, đảm bảo cho Erdogan yên tâm ủng hộ Hội nghị đối thoại quốc gia Syria.
Nga quyết tổ chức hội nghị này trong bối cảnh còn quá nhiều vấn đề mâu thuẫn ở Syria mà không thể giải quyết bằng đối thoại chính trị, trong đó việc xác lập địa vị chính trị của người Kurd là một trong những vấn đề gai góc nhất. Đó là lý do khiến Ankara không mạnh mẽ ủng hộ Moscow, nay thì vấn đề đã có hướng giải quyết sau khi Washington thông báo sẽ ngừng cấp vũ khí cho người Kurd. Khi trao quà cho Moscow, chắc chắn Washington sẽ nhận được lại quả khi tiến trình chính trị và vài tái thiết Syria diễn ra.
Như vậy, những phản ứng của Mỹ đối với chuyển động của người Kurd, liên quan đến người Kurd ở Iraq và Syria - cả hành động hay không hành động - đều không ly tâm chiến lược của Mỹ xoay quanh người Kurd và ảnh hưởng của Mỹ từ quân cờ chiến lược này không hề giảm đi khi quân cờ di động.
Ngọc Việt