Nước cờ sai lầm khiến Tổng thống Zimbabwe phải trả giá
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:31, 17/11/2017
Theo Reuters ngày 16.11, quyền lãnh đạo suốt 37 năm qua của ông Mugabe ở Zimbabwe nhanh chóng xẹp vào tối 15.11, khi ông gặp các tướng quân đội để bàn tương lai của ông, sau một ngày bị quản thúc tại nhà riêng. Xem ra mục tiêu chính của các tướng quân đội là không cho bà Grace Mugabe kế nhiệm ngôi tổng thống.
Muốn bà Mugabe phải sống lưu vong
Theo Reuters, tương lai của bà Mugabe là chủ đề chính của cuộc nói chuyện giữa chồng bà với các tướng quân đội. Nếu được phép sống lưu vong, có thể bà sẽ tới Singapore hoặc Malaysia, nơi ông bà Mugabe có nhà riêng.
Ngày 15.11, quân đội Zimbabwe (ZDF) cướp chính quyền với lý do chặn “bọn tội phạm” vây quanh ông Mugabe gây thiệt hại kinh tế-xã hội nghiêm trọng. Người phát ngôn ZDF, thiếu tướng SB Moyo hứa ngay khi quân đội hoàn tất nhiệm vụ, tình hình sẽ trở lại bình thường.
Giới truyền thông đưa tin các quan chức an ninh-quốc phòng Nam Phi được Tổng thống Jacob Zuma cử làm đặc sứ, đã đến thủ đô Harare của Zimbabwe tối 15.11 để gặp lãnh đạo ZDF và ông Mugabe. Vẫn chưa rõ mục đích cuộc gặp là gì. Theo báo Guardian, ban đầu các đặc sứ Nam Phi bị binh lính ZDF chặn ở ở sân bay, nói “Zimbabwe có thể tự giải quyết vấn đề”. Sau đó, đài truyền hình nhà nước Nam Phi nói họ được phép nhập cảnh.
Ngày 15.11, Tổng thống Zuma kêu gọi “bình tĩnh và kiềm chế”, đề nghị ZDF “bảo đảm hòa bình, ổn định”. Phủ Tổng thống Nam Phi nói rằng qua một cuộc điện thoại với ông Zuma, ông Mugabe xác nhận bị quản thúc tại nhà riêng và vẫn khỏe.
ZDF cũng bảo đảm vị tổng thống 93 tuổi và gia đình ông được “an toàn tính mạng”. Tin đồn bà Mugabe, 53 tuổi, đã trốn qua Namibia là tin đồn nhảm, vì bà cũng bị quản thúc. Các tướng lĩnh cho rằng việc ông Mugabe cách chức Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa với lý do ông này “có những biểu hiện bất trung”, chính là mở đường cho bà Mugabe làm tổng thống kế nhiệm. Người ủng hộ bà cho rằng cuối năm 2017, ông Mugabe sẽ giới thiệu vợ làm ứng cử viên tổng thống.
Ngày 13.11, các tướng lĩnh nói quân đội sẵn sàng “xen vào” để chấm dứt đấu đá trong nội bộ đảng Zanu-PF cầm quyền, và nếu cuộc trừng phạt những đồng minh của họ vẫn còn tiếp tục.
Sau khi bị cách chức, ông Manangagwa qua Nam Phi sống lưu vong, nhưng có tin ông đã trở về Zimbabwe tối 14.11, khi ZDF bắt đầu cuộc cướp chính quyền.
Một thủ lĩnh đối lập nói: “Sẽ có nhiều điều để bàn, với quân đội tìm gặp những cánh bè khác nhau để bàn việc lập một chính quyền quá độ”.
Một quan chức đối lập khác nói: “Các cuộc thương lượng sẽ kéo dài hàng tháng, với một số người thuộc quân đội”. Người này còn nói rằng trong tuần này ông Mugabe sẽ từ chức, người thay thế là Phó tổng thống Mnangagwa, trong khi các thủ lĩnh đối lập sẽ là phó tổng thống và thủ tướng.
Không có sự công nhận độc lập nào với nhận định của quan chức trên. Các đảng phái ở Zimbabwe không công khai lên án hành động của ZDF.
Xe bọc thép của quân đội tại thủ đô Harare - Ảnh: Getty Images
Anh hùng giải phóng làm mất lòng các chiến hữu lão thành
Tình hình thủ đô Harare vẫn căng thẳng nhưng tạm yên tĩnh, bất chấp sự bất ổn chính trị. Binh lính chiếm sân bay, các cơ quan công quyền, trụ sở quốc hội và những vị trí quan trọng. Phần còn lại của nước này cũng yên bình.
Không có sự kháng cự nào đối với chuyện ZDZ cướp chính quyền hoặc việc bắt những quan chức cấp cao thân cận bà Mugabe và cánh G40 của bà trong đảng ZANU-PF.
Kudzai Chipanga, thủ lĩnh đoàn thanh niên ZANU-PF từng có những tuyên bố thách thức quân đội hồi đầu tuần, xem ra đã chấp nhận hành động của quân đội. Khuya 15.11, đài truyền thanh Zimbabwe cắt chương trình, để phát lời anh ta xin lỗi vì đã “phỉ báng” các chỉ huy quân đội.
Chipanga từng tuyên bố hôm 14.11 anh ta cùng các đồng chí “sẵn sàng chết” vì ông Mugabe. Chipanga rất hâm mộ vợ chồng Mugabe, nhưng bà Grace lại mất uy tín vì sống xa hoa trong lúc dân đói khổ, và bà không có nhiều đồng minh trong nước hoặc khu vực.
Cựu chỉ huy tình báo Mnangagwa có biệt danh “Cá sấu” từ thời cùng tham gia chiến tranh du kích với ông Mugabe. Ông Manangagwa, 75 tuổi, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tướng lĩnh, quân đội cùng Hội Cựu chiến binh Zimbabwe, nên không rõ ai có thể chống ông trong những ngày tới.
Vài tháng trước, ông còn được xem người sẽ kế ngôi tổng thống của ông Mugabe, nếu như vị tổng thống quyết về hưu hoặc chết lúc còn đương nhiệm.
Nhưng ông Mugabe đã có một canh bạc sai khi không công bố người kế nhiệm, đã khiến đảng ZANU-PF thêm chia rẽ, cùng với sự non kém chính trị của bà vợ và phe phái của bà.
Ông Mugabe còn sa thải có hệ thống những cựu chiến hữu lão thành khỏi các vị trí của đảng, giao lại chức vụ này cho những quan chức không chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập.
Lựa chọn này càng làm tăng đấu đá giữa cánh chính khách lão tướng thời 1970-1980, với thế hệ chính khách trẻ tập hợp quanh bà Mugabe.
Năm 2016, các chiến binh lão thành đã cắt đứt tình đồng chí với Tổng thống Mugabe, thề về phe với phe đối lập để thách thức quyền lực của ông.
Chris Mutsvangwa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, đã ra tuyên bố hoan nghênh quân đội “thực hiện cuộc chỉnh đốn sự lạm dụng quyền lực nghiêm trọng mà không làm đổ máu, giúp tổ quốc trở lại nền dân chủ lành mạnh”.
Piers Pigou, một nhà phân tích ở Nam Phi của tổ chức nghiên cứu International Crisis Group nói: ”Mugabe đã hết thời. Vấn đề là ông ấy sẽ hạ cánh mềm thế nào. Nhưng quân đội vẫn cần ông ấy để có vỏ bọc hợp hiến và tuân thủ hiến pháp. Nếu ông ấy không muốn tham gia thì sẽ là một vấn đề khó xử lớn”.
Vĩnh Thụy (theo Reuters, Guardian)