Người Kurd ở Iraq trưng cầu độc lập, bàn cờ mới của Mỹ đã thành hình
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:44, 17/09/2017
Theo hãng tin của Anh, Nghị viện Kurdistan đã xem đây là cơ hội lịch sử của mình nên quyết không bỏ lỡ. Ông Omed Khoshnaw, một nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Kurdistan (KDR) của lãnh tụ người Kurd ở Iraq Massoud Barzani cho biết: "Dân tộc chúng tôi đã chờ đợi điều này hơn 100 năm rồi".
Nhà chính trị người Kurd cho rằng: "Không có cách nào khác để đảm bảo rằng sự diệt chủng sẽ không bao giờ được lặp lại ngoài việc giành độc lập và thực hiện quyền tự quyết. Và đó là điều kiện tiên quyết tránh cho việc người Kurd bị bức hại như tại Kirkuk dưới chế độ của Saddam Hussein".
Trong lúc Nghị viện Kurdistan vỗ tay và hát bài quốc ca sau khi đưa ra quyết định của mình thì Quốc hội Iraq đã ra nghị quyết phản đối cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd. Chính phủ Iraq cũng đã lên án hành động của chính phủ tự trị Kurdistan, mà sẽ dẫn đến cuộc "ly hôn thân thiện" giữa Baghdad và Erbil.
"Chúng tôi từ chối chấp nhận quyết định của Quốc hội Iraq, điều đó là bất hợp pháp", bà Muna Qahwachi, một nhà lập pháp ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd ở Iraq cho biết. Một trang mới của lịch sử đất nước Iraq chuẩn bị được mở ra trong bối cảnh tương lai nền chính trị thời hậu Saddam Hussein vẫn còn vô định.
Giới phân tích cho rằng, khi cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd diễn ra, mà chắc chắn sẽ mang tới nền độc lập cho tộc người này, thì cũng là lúc bàn cờ chính trị mới của Mỹ tại Trung Đông chính thức thành hình xoay quanh quân cờ mới là người Kurd, dù Washington kêu gọi Erbil hoãn trưng cầu dân ý.
Người Mỹ được cho là từ lâu đã ấp ủ chiến lược dùng người Kurd vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông và khi chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới lưỡng cực chấm dứt thì Washington đã dần hiện thực hoá chiến lược này qua việc từng bước nâng cao địa vị chính trị cho người Kurd, bắt đầu từ Iraq.
Mỹ giúp tạo địa vị chính trị cho người Kurd
Ngược dòng thời gian, ngày 28.2.1991, khi cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất chính thức kết thúc, trật tự tại Trung Đông được lập lại sau khi đất nước Kuwait được giải phóng. Tuy nhiên, sự kiện đó lại là cột mốc quan trọng với vùng đất nóng, đó là mở ra trang mới trong lịch sử của tộc người Kurd.
Người Kurd là một tộc người sinh sống tại ngã tư biên giới giữa Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến trước cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, người Kurd chỉ được xem là một tộc người thiểu số, gần như không có quyền lợi chính trị gì trong các quốc gia được cai quản bởi người Hồi giáo.
Thậm chí tại Iraq - nơi có cộng đồng người Kurd sinh sống lớn nhất - chính quyền Saddam Hussein còn đàn áp rất đẫm máu những hành động phản kháng đòi quyền lợi chính trị của người Kurd. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đảng Công nhân người Kurd (PKK) còn bị liệt kê vào danh sách tổ chức khủng bố quốc tế.
Nguyên là Giám đốc Cơ quan Trung ương Tình báo Mỹ (CIA), cựu Tổng thống G.H.W.Bush (Bush cha) được cho là người đã nhận ra sự lợi hại của người Kurd tại Trung Đông nếu họ có đia vị chính trị tại vùng đất nóng. Vì vậy, trong vai trò người đứng đầu Nhà Trắng, ông Bush đã có bước đi quan trọng.
Theo dư luận quốc tế, mục đích của Mỹ trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất là đuổi quân của Saddam Hussein khỏi Kuwait, qua đó cũng chính thức gạt bỏ vai trò của Liên Xô (cũ) trên bàn cờ chính trị thế giới, ngăn chặn tham vọng bá chủ Trung Đông của bất cứ thế lực nào.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mục đích quan trọng nhất của cựu Tổng thống G.H.W.Bush là tạo địa vị chính trị cho người Kurd, từ đó đưa lực lượng này bước lên vũ đài chính trị tại Trung Đông, trong tương lai sẽ thành lập một nhà nước của người Kurd, như nhà nước của người Do Thái sau Thế chiến II.
Sau khi đập tan tham vọng của Tổng thống Iraq Saddam Hussein với hành động xua quân sang xâm chiếm Kuwait, Washington đã tạo ra một vị thế chính trị lớn hơn rất nhiều tại Trung Đông - cơ sở tốt nhất cho những nước cờ chính trị của mình.
Và Tổng thống G.H.W.Bush khi đó bắt đầu thực hiện điều này qua việc lập vùng cấm bay tại khu vực người Kurd sinh sống ở miền Bắc Iraq, ngay sau khi kết thúc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991. Theo đó mọi sự xâm phạm không phận tại vùng cấm bay đều bị tấn công, ngay cả đối với quân đội Iraq.
Cho dù chính quyền Saddam Hussein vẫn là lực lượng đại diện cho chủ quyền quốc gia của Iraq, vẫn quản lý đất nước Iraq, nhưng với việc thiết lập vùng cấm bay, Washington đã khiến cho Saddam Hussein hoàn toàn mất quyền kiểm soát với tộc người Kurd tại miền Bắc nước này.
Có thể thấy rằng việc thiết lập vùng cấm bay tại khu vực người Kurd sinh sống ở Iraq sau khi Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất kết thúc là một nước đi chuẩn xác của Washington trong việc tạo ra vị thế cho người Kurd không chỉ ở Iraq mà cả khu vực Trung Đông.
Nhờ sự che chở và hỗ trợ của Washington, lực lượng người Kurd ở Iraq đã tăng cường chuẩn bị và tập trung lực lượng, chờ cơ hội bước lên vũ đài chính trị sau hàng thế kỷ khát khao và tranh đấu cho quyền lợi cũng như địa vị chính trị của mình.
Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai đưa người Kurd bước lên vũ đài chính trị tại Iraq
Với một lý do không rõ ràng, ngày 20.3.2003, Tổng thống G.W.Bush (Bush con) đã quyết định tấn công Iraq và nhanh chóng lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein, từ đó tạo ra một bàn cờ chính trị mới tại đất nước vùng Trung Đông này.
Sau nhiều thập kỷ độc quyền nắm giữ quyền lực chính trị tại Iraq dưới thời Saddam Hussein, lực lượng Hồi giáo dòng Sunni buộc phải chia sẻ quyền lực. Điều đó giúp cho lực lượng Hồi giáo dòng Shiite trở thành lực lượng đóng vai trò chính trong đời sống chính trị tại Iraq thời hậu Saddam.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, bàn cờ chính trị Iraq có sự tham gia của lực lượng người Kurd. Cơ cấu quyền lực dưới chế độ mới tại Iraq phân chia như sau: đại diện người Kurd nắm vị trí Nguyên thủ quốc gia, đại diện người Hồi giáo dòng Shiite nắm giữ vai trò người đứng đầu Chính phủ và Quốc hội.
Trong bàn cờ chính trị Iraq thời hậu Saddam Hussein, đại diện người Hồi giáo dòng Sunni chỉ nắm giữ những vị trí thứ yếu trong các cơ quan quyền lực nhà nước và hoàn toàn bị chi phối với các đối thủ chính trị của lực lượng Hồi giáo dòng Shiite.
Như vậy, chiến lược của Washington tạo địa vị chính trị cho người Kurd tại Trung Đông đã chính thức được tạo hình khi lực lượng này chính thức bước lên vũ đài chính trị tại Iraq. Khi ông Jalan Talabani, đại diện của người Kurd nhậm chức Tổng thống Iraq là sự kiện đánh dấu thắng lợi chính trị quan trọng của Washington trong việc chuẩn bị bàn cờ chính trị mới tại Trung Đông.
Từ khi người Kurd có địa vị chính trị ở Iraq thì lực lượng người Kurd ở các quốc gia khác cũng tăng cường tranh đấu để có địa vị hợp pháp cho mình, nhất là tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vì Washington chưa tìm được cơ chế can thiệp nào vào các quốc gia ấy nên mọi việc vẫn nằm ở giai đoạn chuẩn bị.
Mặc dù vậy, Washington cũng đã có những nước đi quan trọng khi chính quyền Tổng thống Obama đã tìm ra cơ chế thanh tẩy cho PKK – đảng chính trị của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ - khỏi danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế của Mỹ, khi cuộc nội chiến Syria nổ ra.
Washington được cho là đã tận dụng cuộc chiến chống IS tại Trung Đông để giúp nâng cao hơn nữa địa vị chính trị cho người Kurd, bằng việc kêu gọi lực lượng này tích cực tham gia chống khủng bố. Kết quả là nền độc lập cho người Kurd ở Iraq dần được xác lập, cơ chế tự trị cho người Kurd tại Syria đã phôi thai.
Do vậy, khi chính phủ tự trị của người Kurd ở Iraq thực hiện trưng cầu dân ý về nền độc lập là tạo ra một bước quan trọng trong việc biến người Kurd thành một lực lượng chính trị đặc biệt tại Trung Đông, chuẩn bị phục vụ cho kế sách lâu dài của Washington.
Giới phân tích cho rằng, chiến lược của Washington tại Trung Đông sẽ gắn liền với việc tạo ra cơ chế cho người Kurd thể hiện quyền lực tại Trung Đông. Song Washington thực hiện điều đó như thế nào, xin phép được đề cập ở kỳ tiếp theo.
Ngọc Việt