Vì sao ông Trump thăm Ba Lan trước khi đến Anh, Pháp, Đức?
Góc nhìn - Ngày đăng : 13:00, 03/07/2017
Ông Trump thăm Ba Lan trước khi dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg (Đức) vào cuối tuần này, trong khi theo truyền thống thì Tổng thống Mỹ nên có chuyến thăm cấp nhà nước đến các nước đồng minh lâu năm là Anh, Pháp và Đức trước tiên.
Trước đó, Tổng thống George Bush sau khi nhậm chức năm 2001 cũng đã thăm Ba Lan trước khi đến Anh, Pháp, Đức.
Nhà Trắng nhấn mạnh việc Ba Lan là một đồng minh trung thành của NATO và là một đối tác năng lượng tiềm năng là lý do cho chuyến thăm của ông Trump.
Nhưng theo hãng tin AP, còn nhiều lý do khác khiến Ba Lan trở thành điểm đến của tổng thống Mỹ.
Cùng phe trong bất đồng với Tây Âu
Lãnh đạo Ba Lan theo chủ nghĩa dân tộc sẽ chào đón ông Trump vì họ cùng quan điểm về thế giới, nắm quyền lực nhờ có những chính sách nghĩ đến dân tộc trước hết và thái độ bài xích đạo Hồi. Những điều này khiến ông Trump và Ba Lan mâu thuẫn với lãnh đạo các nước Tây Âu.
Cũng như ông Trump, lãnh đạo Ba Lan đang muốn phục hồi nhiều quyền tự chủ và làm suy yếu các thể chế quốc tế, ví dụ như Liên minh châu Âu (EU).
Vài nhà quan sát chính trị lo ngại chuyến thăm của ông Trump sẽ đào sâu sự phân hóa giữa Ba Lan với các đối tác Tây Âu. Ngoài ra, nhiều người còn lo ngại chuyến thăm của ông Trump có thể “lên dây cót tinh thần” cho chính phủ Ba Lan, và khuyến khích điều mà EU cho là một sự suy thoái tinh thần tôn trọng luật pháp ở Ba Lan.
Ông Trump có thể trông cậy vào số đông người ủng hộ sẽ đón chào ông ở Warsaw, nơi mà ông có thể có một bài diễn văn được truyền hình trực tiếp đến toàn Ba Lan. Theo giới truyền thông nước này, chính phủ Ba Lan đã hứa điều này với Nhà Trắng trong thư mời của họ.
Để giữ lời hứa, các nghị sĩ của đảng cầm quyền và những nhà hoạt động thân chính phủ lên kế hoạch đưa nhiều xe buýt đón người dân các tỉnh lên thủ đô nghe ông Trump phát biểu.
Sự tiếp đón nồng nhiệt sẽ là điểm cộng cho ông Trump, bù lỗ cho sự khởi đầu nhọc nhằn của ông trong chuyến đến châu Âu hồi tháng 5.
Ông Trump cũng có thể bị tiếp đón lạnh nhạt ở hội nghị thượng đỉnh G-20, do ông vừa quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và những chính sách khác.
Một số đồng minh NATO cũng khó chịu khi ông Trump liên tục ép họ phải tăng chi phí quân sự.
Trong khi đó, Ba Lan có thể trông đợi ông Trump khen chuyện họ chi quân sự. Là một đồng minh của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, Ba Lan là một trong 5 nước thành viên NATO chịu chi 2% GDP cho quân sự.
Năm 2017, quan hệ an ninh Mỹ - Ba Lan cũng được kích thích với việc dàn 5.000 quân Mỹ đến Ba Lan trong hai nhiệm vụ khác nhau của Mỹ và NATO. Cuộc dàn quân này nhằm trấn an các đồng minh ở sườn phía đông của NATO, do NATO đang tích cực phòng thủ với lý do Nga có thể đánh 3 nước vùng biển Baltic (Estonia, Litva, Latvia) và Ba Lan.
Nhiều người trong khu vực hy vọng ông Trump sẽ cam kết tuân thủ Điều khoản 5 của NATO. Điều khoản này nói một nước thù địch mà tấn một thành viên NATO thì có nghĩa tấn công tất cả các thành viên khác.
Sau nhiều tháng chần chừ không cam kết tuân thủ điều khoản này, hồi tháng 6, ông Trump cuối cùng đã nói lời cam kết khi đứng cạnh người đồng cấp Romania trong Vườn Hồng của Nhà Trắng. Tuy nhiên, lời cam kết sẽ càng có ý nghĩa khi được khẳng định từ một lãnh thổ rất gần Nga.
Lính Mỹ và lính Ba Lan tập trận chung
Không phụ thuộc vào năng lượng của Nga
Khi ông Trump tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, hàng trăm ngàn cử tri Mỹ gốc Ba Lan đã góp phần giúp ông có lợi thế ở các bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.
Nhóm cử tri này chắc chắn sẽ hài lòng với chuyến thăm Ba Lan của ông Trump, nhất là khi ông chọn nơi phát biểu là quảng trường Krasinski, một vị trí biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng của Ba Lan hồi Thế chiến 2.
Quảng trường lớn này có đài tưởng niệm Cuộc nổi dậy Warsaw năm 1944. Đó là một cuộc nổi dậy chống phát xít Đức đầy can đảm nhưng bị đàn áp, làm chết hơn 200.000 người và khiến thành phố Warsaw bị tàn phá.
Khi có mặt tại Warsaw, ông Trump sẽ dự một hội nghị chuyên đề có tên Dự án 3 vùng biển. Đây là một nỗ lực mở rộng và hiện đại hóa các tuyến thương mại và năng lượng giữa 12 quốc gia ven các biển Baltic, Adriatic và Biển Đen. Một mục đích hàng đầu của dự án này là để khu vực không còn phải lệ thuộc năng lượng của Nga.
Theo dự án, Mỹ sẽ xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đến Ba Lan hồi đầu tháng 6.2017 và có tiềm năng cấp thêm khí này cho cả khu vực.
Chuyến thăm Ba Lan của ông Trump còn trùng với nỗ lực của chính phủ Mỹ để trở thành một nhà xuất khẩu hàng đầu về dầu khí và các nguồn năng lượng khác. Việc làm này sẽ giúp Mỹ có thêm doanh thu cũng như tạo thêm ảnh hưởng.
Trung Trực (theo AP)