Ông Schulz không dễ hạ bệ Thủ tướng Đức Angela Merkel
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:38, 26/06/2017
Hồi đầu năm nay, thăm dò dư luận cho thấy đảng trung tả Xã hội dân chủ (SDP) ngang ngửa với đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel, khi các lãnh đạo SDP chọn ông Schulz làm người đứng đầu chiến dịch “bật ghế” của vị nữ thủ tướng.
Cửa đua ghế thủ tướng rất hẹp đối với ông Schulz
Nhưng rồi sau đó, khí thế của SPD giảm với nhiều thất bại ở các cuộc bầu cử địa phương hồi mùa xuân 2017. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Merkel gần như phục hồi sự tín nhiệm bà từng thụ hưởng, trước khi sự ủng hộ bà giảm xuống do việc làn sóng dân tị nạn và nhập cư đến Đức quá đông năm 2015. Đầu tháng 6, thăm dò của Infratest Dimap cho thấy bà Merkel là chính khách Đức uy tín nhất với tỉ lệ hài lòng 64%.
Việc SDP là đối tác trong liên minh cầm quyền của bà Merkel từ năm 2013 cũng gây khó khăn cho SDP, trong khi ngày bầu cử đang đến gần. SDP giờ phải tìm ra cách chỉ trích những thành tích của bà Merkel, trong khi phải bảo vệ được những hoạt động của bản thân trong chính phủ của bà.
SDP hứa giảm thuế đối với người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, và không tăng tuổi hưu. SDP cũng chỉ trích việc bà Merkel không tích cực tranh luận chính trị.
Ông Schulz hiện đối mặt với một cánh cửa rất hẹp để trở thành thủ tướng Đức. Theo các thăm dò hiện nay, ngay cả một liên minh giữa 3 đảng trung tả (SDP, đảng Xanh cổ động bảo vệ môi trường và đảng Cánh tả) cũng chỉ chiếm được khoảng 40% phiếu cử tri, tức chưa đủ để chiếm thế đa số ở Quốc hội Đức.
Mặt khác, CDU của bà Merkel có thể lập liên minh cầm quyền với đảng Xanh, đảng Dân chủ tự do (thân với giới doanh nghiệp) hoặc với SDP.
Manfred Ruhland, một đảng viên SDP nói: “Chúng tôi phải công nhận rằng bà Angela Merkel rất khéo làm chính trị”.
SDP chỉ trích bà Merkel "không dám" chống lại Tổng thống Mỹ
Ngày 25.6, ông Martin Schulz chê Thủ tướng Merkel "không dám" chống lại Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông chĩa đòn công kích vào lời hứa của nữ Thủ tướng Angela Merkel về việc Đức sẽ chi 2% GDP vào quốc phòng. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu hồi năm 2014 đã đồng ý mục tiêu này, và vài tháng gần đây ông Trump có nhấn mạnh lại vụ việc.
Ứng viên thủ tướng Schulz nói với cử tọa nhân hội nghị của đảng ở Dortmund rằng yêu cầu của ông Trump có nghĩa “một nước Đức có bạn bè vây quanh lại vũ trang đến tận răng ngay giữa châu Âu. Tôi hỏi quý vị có muốn thế không? Lịch sử đã chứng minh rằng thêm an ninh không có nghĩa thêm vũ khí”.
Vài tháng qua, ông Schulz đã gia tăng chỉ trích mục tiêu chi 2% GDP vào quốc phòng. Ông nói: “Chúng ta không biết có nên tiếp tục dựa vào Mỹ hay không. Nhưng chúng ta biết rõ chúng ta không thể dựa vào Tổng thống Donald Trump hay suy nghĩ lan man không mục đích”.
Cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder nói: “Chúng ta phải tự tin chống lại Tổng thống Trump, xem ra điều đó đang thiếu”. Ông còn nhắc chuyện chính ông phản đối Tổng thống George Bush quyết đánh Iraq năm 2001.
Ralf Stegner, Phó chủ tịch SPD nói việc chống ông Trump và mức chi 2% cho quân sự sẽ là “một vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử”.
Bà Merkel đang nhắm đến nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư cũng tìm cách giữ khoảng cách với ông Trump, nhưng bà dùng ngôn từ mềm mỏng hơn. Hồi tháng trước, bà nói những lúc châu Âu hoàn toàn dựa vào các nước khác “đã phần nào là chuyện quá khứ”.
Năm 2016, bà Merkel trình Quốc hội Đức kế hoạch tăng 8% chi cho quân sự, đạt 37 tỉ euro, tức 1,2% GDP.
Nhưng ông Schulz nói Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cần thêm hàng tỉ euro để chi quân sự, nhưng không nên tới mức “trở thành lực lượng quân sự lớn trên lục địa chúng ta”.
Dù có nhiều lời chỉ trích ông Trump, một số đảng viên SPD nói rất khó bật được ghế thủ tướng Đức của bà Merkel. Vài người nói những hoạt động của bà ở diễn đàn chính trị thế giới xem ra đã đủ để thuyết phục cử tri, rằng bà sẽ bảo vệ các quyền lợi của Đức và châu Âu trước những thách thức từ Tổng thống Trump.
Nhiều người thất vọng việc bà Merkel thường xuất hiện cạnh tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang được cử tri Pháp tín nhiệm cao. Ông Schulz cũng đã có lời khen Tổng thống Macron.
Vĩnh Thụy (theo The Wall Street Journal)