Áp thuế chống phá giá với sôcôla của Nga, Tổng thống Ukraine đánh cược sự nghiệp của mình?
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:35, 25/05/2017
Ukraine không ngừng tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga
Quyết định của Ủy ban liên ngành Thương mại quốc tế Ukraine đã được đăng trên Cổng thông tin chính phủ Ukraine và có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày công bố.
Theo quyết định này: "Các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng bằng cách áp thuế chống bán phá giá đối với việc nhập khẩu sôcôla từ Liên bang Nga vào Ukraine. Thuế suất chống bán phá giá với sôcôla của Nga là 31,33%".
Theo giải trình của Ủy ban liên ngành Thương mại quốc tế Ukraine, việc nhập khẩu một số loại sôcôla và các sản phẩm ca cao từ Nga vào Ukraine trong những năm 2013-2015 có giá thấp hơn giá của nhà sản xuất nội địa, gây ra thiệt hại đáng kể ngành sản xuất sôcôla của Ukraine.
Áp thuế chống bán phá giá sôcôla của Nga là một trong những biện pháp trừng phạt kinh tế mà chính quyền Kiev áp dụng chống lại Nga, nhằm trả đũa Moscow trong vấn đề xung đột tại miền Đông Ukraine và việc sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga.
Trước đó, ngày 16.3, Ngân hàng Trung ương Ukraine đã quyết định trừng phạt đối với 5 chi nhánh ngân hàng Nga, trong đó có Sberbank, VEB và VTB nằm trong số 20 định chế tài chính thực hiện dịch vụ cho vay có giá trị giao dịch lớn nhất ở Ukraine.
Lệnh trừng phạt của Kiev bao gồm việc cấm các hoạt động tài chính mang lại lợi ích cho ngân hàng mẹ. Năm ngân hàng thuộc quyền sở hữu của nhà nước Nga có chi nhánh hoạt động ở Ukraine chiếm thị phần kết hợp 8,6% và khoản dư nợ đạt tới 1,3 tỉ USD.
Sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine năm 2014, các ngân hàng Nga hoạt động tại Ukraine đã bị cấm tăng tài sản và lượng tiền gửi tại phân khúc thị trường này.
Gần đây nhất, hồi đầu tháng 5 này, Hội đồng Bảo vệ an ninh và quốc phòng Ukraine (NSDC) cũng đã quyết định mở rộng danh sách các cá nhân và pháp nhân của Nga chịu lệnh trừng phạt trừng phạt kinh tế của chính quyền Kiev.
"Theo quy định tại Điều 5 Luật của Ukraine về biện pháp trừng phạt, NSDC đã quyết định ủng hộ đề xuất mở rộng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đặc biệt về kinh tế. Sắc lệnh được thực hiện bởi Văn phòng Bộ trưởng Bảo vệ an ninh của Ukraine và Ngân hàng quốc gia Ukraine", sắc lệnh của Tổng thống nhà nước Ukraine ghi rõ.
Danh sách trừng phạt mở rộng bao gồm 1.228 cá nhân và 468 pháp nhân Nga. Thời hạn trừng phạt đối với các pháp nhân kéo dài từ 1- 3 năm, đối với cá nhân áp dụng trong thời gian 1 năm, 3 năm, 5 năm hoặc vô thời hạn.
Cũng nên biết rằng chính quyền Ukraine đã áp lệnh trừng phạt suốt 3 năm qua đối với các phương tiện truyền thông của Nga, trong đó có Rossiya Sevodnya, Zvezda, TVC và một số cơ quan truyền thông khác.
Như vậy, chính quyền Ukraine đã đưa ra rất nhiều biện pháp trừng phạt cộng hưởng với lệnh cấm vận của phương Tây, đưa kinh tế Nga vào thế ngặt nghèo, tước bỏ quyền lợi của nhiều cá nhân và pháp nhân Nga có giao dịch và hoạt động tại Ukraine.
Trừng phạt kẹo của Nga, Tổng thống Poroshenko đánh cược sự nghiệp của mình?
Với quyết định mới nhất về áp thuế chống bán phá giá sôcôla của Nga nhập vào Ukraine cho thấy dường như chính quyền Kiev đang “hại mình nhiều hơn là làm khổ người”.
Thứ nhất, giá trị hàng sôcôla nhập khẩu từ Nga chắc chắn chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng giá trị thương mại giữa Nga và Ukraine, song nó có thể khiến Moscow trả đũa bằng những biện pháp kinh tế khác, trong lĩnh vực khác, khi đó thì Ukraine sẽ phải trá giá đắt gấp nhiều lần.
Kinh tế Ukraine đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có không ít khó khăn phát sinh từ chính những hành động của Kiev đối với Moscow. Người dân và doanh nghiệp Ukraine đã phải nhận nhiều hậu quả từ đòn hồi mã thương của Moscow, mà vấn đề khí đốt và năng lượng đã thể hiện rõ nhất điều đó.
Không những vậy, mục đích các biện pháp trừng phạt của Ukraine đối với Nga hầu hết là chính trị hoá kinh tế, bởi tiềm lực kinh tế của Ukraine quá nhỏ so với Nga. Trong quan hệ kinh tế Nga - Ukraine phụ thuộc vào Nga nhiều hơn là hướng ngược lại, chính vì vậy mà các nước phương Tây thường không ủng hộ Kiev trong những tình huống như vậy.
Đơn giản vì lợi ích kinh tế của Ukraine có được từ Nga giảm đi thì Ukraine sẽ trở nên nặng gánh hơn với Mỹ và các đồng minh, bởi dù sao họ cũng từng bảo trợ Ukraine. Nay Kiev áp thuế chống phá giá với sôcôla nhập khẩu từ Nga để rồi có thể nhận hậu quả nặng hơn khi Moscow trả đũa, khiến phương Tây không thể không thất vọng và điều đó sẽ rất bất lợi cho Kiev.
Thứ hai, Tổng thống Poroshenko vốn là “tỷ phú sôcôla”, điều đó khiến cho việc áp thuế chống bán phá giá sôcôla nhập khẩu từ Nga có thể được hiểu vì quyền lợi của tổng thống nhiều hơn là vì lợi ích của ngành sản xuất sôcôla và kinh tế của Ukraine.
Theo tài liệu của Tập đoàn sản xuất bánh kẹo Roshen mà Tổng thống Poroshenko làm chủ sở hữu, trước đây 40% trong số 410.000 tấn sản phẩm sôcôla của hãng này được tiêu thụ tại thị trường Nga. Tuy nhiên từ tháng 7.2013 thì sản phẩm của Roshen bị cấm nhập khẩu vào Nga vì vấn đề nhãn hiệu sản phẩm.
Khi xung đột Ukraine nổ ra thì Roshen mất luôn thị trường lớn nhất của mình. Không những vậy, nhà máy sản xuất của Roshen ở Lipetsk đã chính thức bị Nga đóng cửa vào tháng 4.2017. Nguyên nhân là do Roshen bị cho là liên quan đến vụ án hình sự trong việc sử dụng nhãn hiệu bất hợp pháp để trục lợi và nhà máy cũng không thể thanh lý.
Vì vậy, dư luận không thể không hoài nghi về sự nhập nhằng lợi ích công - tư khi Kiev áp thuế chống bán phá giá sôcôla của Nga. Điều này sẽ gây bất lợi rất nhiều cho chính phủ Ukraine đương nhiệm trong việc quản lý và điều hành đất nước.
Giới phân tích cho rằng với quyết định chống bán phá giá sôcôla của Nga, Tổng thống Poroshenko đang đánh cược với sinh mệnh chính trị của mình, khi hình ảnh “tỷ phú sôcôla” cho thấy vẫn ảnh hưởng tới quyền lực của một nguyên thủ quốc gia.
Ngọc Việt