Tấn công Syria – sự kiện bản lề trong 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Trump
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:29, 02/05/2017
Trước và sau quyết định cho phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào một căn cứ quân sự của Syria, nhằm trừng phạt chính quyền Assad vì bị Washington mặc định là thủ phạm gây ra "sự kiện Idlib", vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ đã trở nên hoàn toàn khác biệt.
Biểu hiện rõ nét nhất của sự thay đổi là ông Trump đã chuyển tâm thế từ độc lập sang lệ thuộc sau sự kiện bản lề ấy. Tại sao lại nhận định như vậy?
Một Tổng thống Trump độc lập nhất trong lịch sử chính trị Mỹ khi ra quyết định
Ngay sau khi nhậm chức, trong những giờ phút đầu tiên ngồi trên chiếc ghế tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã có rất nhiều quyết định và hành động thể hiện quyền lực của một tổng thống Mỹ trong việc thực hiện lời hứa, lời cam kết với người dân khi tranh cử.
Ông Trump đã nhanh chóng quyết định rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hành động chẳng khác nào khai tử hiệp định thương mại thế kỷ này.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm dân nhập cư, một trong những quyết định thể hiện tính độc lập gần như tuyệt đối của ông
Vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cũng quyết định chấm dứt Chương trình Bảo hiểm sức khỏe bắt buộc của Chính phủ liên bang được thúc đẩy bởi chính quyền Obama (ObamaCare).
Đặc biệt, việc ký Sắc lệnh cấm người nhập cư từ các quốc gia Hồi giáo đã tạo ra hiệu ứng rất bất lợi cho ông Trump, khi gần như tất cả các nhánh quyền lực của nước Mỹ đều chống lại ông, khiến cho những sản phẩm đầu tiên của ông Trump đã “khó sử dụng ngay từ lúc mới ra lò”.
Các đối thủ trên chính trường Mỹ liên tục sử dụng “mối liên hệ với Nga” để soi từng nhân sự, xét từng động thái của chính quyền Trump. “Hacking Nga” với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mà kết quả mang lại chiến thắng cho ông Trump đã liên tục được mổ xẻ, đào bới bởi cả cơ quan an ninh và cơ quan tình báo Mỹ, thậm chí cả tình bao nước ngoài.
Nhiều cuộc thăm dò công chúng với kết quả là hàng loạt kỷ lục về mức tín nhiệm thấp nhất dành cho một tổng thống Mỹ liên tục được ông Trump xác lập. Điều đó được giới phân tích nhìn nhận là lồng nhốt quyền của Trump liên tục được các đối thủ gia cố.
Vậy nhưng nhà lãnh đạo Mỹ vẫn không hề nao núng. “Hãy để yên cho tôi làm việc để giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại”, dường như là thông điệp được gửi đi từ người đứng đầu Nhà Trắng trong những ngày đầu thực thi quyền lực.
Trên bình diện quốc tế, hàng loạt những nhà lãnh đạo trên thế giới nóng lòng chờ đến lượt được gặp tân tổng thống Mỹ và mong muốn là người đầu tiên gây ảnh hưởng tới việc định hình chính sách đối ngoại mới của nước Mỹ thời chính quyền Trump.
Tuy nhiên, với vị tổng thống doanh nhân, việc gặp ai, tham gia hội nghị nào dường như không được ông xem trọng, ngược lại ông Trump liên tục đưa ra lời cảnh báo, thậm chí đe doạ, với cả đồng minh và đối thủ. Thực tế đó khiến cho đối phương phải có những thay đổi có lợi cho nước Mỹ, còn nước Mỹ sẽ như thế nào trong nhiệm kỳ mới thì đối phương không thể đoán định.
Nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ đã khẳng định chính quyền của ông “phải xem xét lại những chính sách thất bại của chính quyền tiền nhiệm. Mỹ có thể kết bạn mới, xây dựng lại các liên minh cũ và đưa các đồng minh vào một trật tự mới thích hợp”, The Japan Times tường thuật.
Việc được gặp tân tổng thống Mỹ là mong muốn của lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới
Tờ báo của Nhật bình luận rằng cách tiếp cận của chính quyền Trump trong vấn đề đối ngoại diễn ra theo nhiều cách khác nhau, nhưng qua đó đã mô phỏng “lý thuyết điên rồ” của cố Tổng thống Richard Nixon. Theo đó Trump sẽ giành ưu thế qua việc làm cho đối thủ không thể đoán biết ý định của ông.
Chính Tổng thống Trump cũng đã ca ngợi tính không thể dự đoán như một nguyên lý chính trong phương pháp tiếp cận của ông. "Chúng ta phải như một quốc gia không thể đoán trước được”, The Japan Times dẫn lời ông Trump.
Thế giới liên tục nóng - lạnh theo những phát biểu hay hành động của ông Trump. Vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ đã thể hiện ra là một nhà lãnh đạo độc lập nhất trong lịch sử chính trị của nước Mỹ khi ra quyết định.
Dường như ông Trump có thể làm bất cứ điều gì nếu ông nhìn nhận điều đó là tốt cho nước Mỹ và giúp làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Một Tổng thống Trump bị lệ thuộc sau khi thực hiện cuộc cách mạng nửa vời
Khi “sự kiện Idlib” xảy ra và nguyên nhân vụ việc chưa rõ trắng đen, Tổng thống Trump đã nhanh chóng quyết định tấn công Syria mà quên mất lồng nhốt quyền lực của mình. Theo giới phân tích, bằng hành động đó, ông Trump đã và đang tự đưa mình vào thế nguy hiểm.
Việc Trump “tự ý cho Tomahawk Mỹ bay vào Syria” mà không thông qua Quốc hội khi nước Mỹ không nằm trong trường hợp phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, có thể bị xem là hành động vi hiến của một tổng thống Mỹ.
Quyết định "Tomahawk Mỹ bay vào Syria" là sự kiện bản lề với quyền năng Tổng thống Trump
Giới phân tích cho rằng, khi sự quyết liệt của ông Trump hạ nhiệt thì có thể cũng là lúc các đối thủ sẽ lôi những vụ việc, mà ở đó nhà lãnh đạo Mỹ hành xử không đúng cơ chế thực thi quyền lực, ra xem xét lối hành xử của ông., Trong số đó chắc chắn có việc cho “Tomahawk Mỹ bay vào Syria”.
Đây là một sự báo trước Tổng thống Trump sẽ gặp rắc rối trong việc thực thi quyền lực của mình. Và dường như người đứng đầu Nhà Trắng đã nhận ra điều nguy hiểm đó nên đã “chùn tay”.
Việc chính quyền Trump mời cả 100 Thượng nghị sĩ đến Nhà Trắng để nghe báo cáo về tình hình cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, mà được ông Trump đe doạ sẽ có biện pháp trừng phạt vì hết kiên nhẫn với thái độ ngông nghênh của Kim Jong-un, cho thấy vị tổng thống doanh nhân không còn “tự tưng tự tác”.
The New York Times cho rằng, hiện nay một số đặc thù của “một nước Mỹ đầy hứa hẹn" của Trump đã không còn. Cuộc cách mạng tư tưởng trong chính sách đối ngoại của Mỹ đã bị hủy bỏ, khiến cho những ai mong đợi ông Trump thực sự điều hành như một nhà quản trị thì đã phải thất vọng.
Vị Tổng tư lệnh của nước Mỹ đã ưu tiên sử dụng uy lực lực Mỹ trong giải quyết những vấn đề liên quan tới nước Mỹ.
Tuy nhiên, những thay đổi của ông Trump chỉ mang tính nửa vời, vì vậy ông đang như bị "dắt mũi". Giới phân tích cho rằng, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của chính quyền Trump là những vị tướng quân đội.
“Họ chỉ là những quân nhân chuyên nghiệp, rất mơ hồ trong xây dựng chiến lược đối ngoại, song họ lại ngày càng thể hiện vai trò đạo diễn trong hoạt động đối ngoại của Washington. Thực tế đó làm ảnh hưởng rất xấu đến Trump - một vị tổng thống doanh nhân”, The New York Times bình luận.
Theo tờ báo Mỹ, chính sách đối ngoại của các tướng lĩnh sẽ khiến Mỹ phải có nhiều hành động can thiệp quân sự sâu hơn vào các cuộc xung đột. Thế giới quan của các quân nhân chuyên nghiệp không tương đồng với quan điểm của Tổng thống Trump, nhưng đến giờ phút này vị tổng thống doanh nhân đã phải chấp nhận.
Chính sách đối ngoại được các tướng lĩnh hoạch định như cung cấp cho vị tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 57 một cái búa và việc giải quyết vấn đề giống như đóng những cây đinh. Chiến lược đối ngoại kiểu “búa - đinh” khiến cho chính quyền Trump thì bị khinh thường, còn uy tín của nước Mỹ thị bị suy giảm.
Toàn bộ Thượng nghị sĩ Mỹ được mời đến Nhà Trắng để nghe báo cáo về cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên
“Nếu Tổng thống Trump không rút khỏi các cuộc chiến, quân đội sẽ sẵn sàng tạo ra nguy hiểm lớn cho nhiệm kỳ của ông. Có thể không mong muốn, nhưng sự leo thang trong các cuộc chiến khiến cho ông Trump – người phải đưa ra quyết định cuối cùng - không biết làm thế nào để dừng lại được và đánh phóng lao phải theo lao”, The New York Times phân tích .
Như vậy Tổng thống Trump đã mất độc lập trong việc ra quyết định của mình. Khi ông Trump không còn độc lập trong quyết định khiến cho quyền năng của ông mất đi rất nhiều uy lực - đối thủ có thể xem thường, còn đồng minh có thể xem nhẹ.
Nhận định đó được chứng minh rõ nhất qua việc Bình Nhưỡng thì liên tục thử tên lửa nhằm thách thức Tổng thống Trump, còn Seoul thì kiên quyết phản đối yêu cầu của vị tổng thống doanh nhân rằng Hàn Quốc phải trả 1 tỷ USD cho việc lắp đặt THAAD nhằm bảo vệ cho xứ Nam Hàn.
Ngọc Việt