Hộ khẩu không cho nông dân Trung Quốc đổi đời thành thị dân

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:37, 26/04/2017

Báo The Wall Street Journal ngày 24.4, nêu chuyện thị dân TQ làm công chức được ưu ái mua nhà ở, có hộ khẩu thành phố. Nhưng nông dân TQ 'khó đổi đời' thành thị dân, không thể vươn tới giấc mộng trở thành giai cấp trung lưu. Nỗ lực xóa nghèo của chính phủ lại thất bại.
Một khu chung cư ở Bắc Kinh-Ảnh Reuters

Li Gan, một giáo sư ở Đại học Kinh-tế Tài chính Tây Nam, nói: “Nhà ở là tất cả ở Trung Quốc. Trừ phi Đảng Cộng sản Trung Quốc có chính sách tư hữu hóa đất đai - điều khó thể xảy ra - nông dân sẽ tiếp tục mất đất”.

Phân biệt giai cấp mà không kỳ thị

Từ hàng chục năm qua, Trung Quốc đã đề cập chuyện sửa đổi chủ trương hộ khẩu, mà các nhà kinh tế học nói nó níu chân tăng trưởng kinh tế. Nhưng các cán bộ chính quyền có ý chí chính trị mạnh đã phản đối chuyện cung cấp dịch vụ cho thêm nhiều người.

Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc ở Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) nói: “Hệ thống hộ khẩu như một kiểu phân biệt mà không kỳ thị. Cơ hội sống của thị dân và nông dân Trung Quốc rất khác”.

Hệ thống đăng ký hộ khẩu là một chính sách xưa hàng chục năm vào thời Trung Quốc theo đuổi chính sách kinh tế theo kế hoạch, trói buộc người dân vào nơi sinh quán và không cho những người ở ngoài các siêu thành phố (ngày càng nhiều ở Trung Quốc) có quyền mua nhà đất ở các thành phố đó.

Tầng lớp này không được thụ hưởng một trong những cuộc chuyển giao sự thịnh vượng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc: 98 % nhà ở hiện nay thuộc về tư nhân. 10 năm qua, giá nhà tăng cao tới 700 % ở các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải. Và nhà ở hiện chiếm 70 % tài sản cá nhân ở Trung Quốc.

Trong khi Bắc Kinh và Thượng Hải đều có kế hoạch giới hạn số dân, những thành phố nhỏ có những khu chung cư không bán được đã chào đón những nhà nông có hộ khẩu. Tuy nhiên, chính quyền lại không tạo nhiều việc làm cho người mua.

Ngoài việc được tiếp cận thị trường bất động sản, nông dân không được chọn trường tốt cùng nhiều dịch vụ khác ở những thành phố lớn.

Yang Shuanghu, một tài xế 35 tuổi ở tỉnh nghèo Cam Túc không thể làm việc vì bị chấn thương cột sống, chưa học xong trung học phổ thông, được trợ cấp nông nghiệp khoảng 15 USD/quý.

Ông nói: “Tôi luôn ước có nhà ở thành phố và có hộ khẩu thành phố, nhưng điều mơ ước ấy không bao giờ xảy ra. Để sống được, đôi khi tôi phải qua nhà chị gái xin thức ăn. Có lẽ con gái tôi khi lớn lên, học hành được đôi chút sẽ đi khỏi nơi này”.

Giàu-nghèo chỉ cách một con sông

Hiện giá nhà ở tại Trung Quốc vẫn tăng chóng mặt, với tháng 3 ghi nhận sự tăng giá nhanh nhất trong vòng 5 tháng qua.

Sự bùng nổ giá nhà đất chỉ ưu ái thị dân càng đào sâu cách biệt giàu-nghèo vốn đang tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc, làm thất bại nỗ lực giảm nghèo của Nhà nước Trung Quốc, đồng thời ngăn cản nông dân vươn lên giai cấp trung lưu.

Theo Wall Street Journal, gần đây, Trung Quốc tăng nỗ lực giảm nghèo, gồm mở rộng chương trình bảo hiểm y tế đến người nghèo, tái định cư họ đến các vùng dễ bị chuồi đất cùng những mối đe dọa địa chất khác.

Trung Quốc cũng cho biết đang xây một siêu thành phố mới chỉ cách thủ đô Bắc Kinh 2 giờ xe. Cả hai chủ trương này cho thấy lãnh đạo hiểu rõ chiều sâu cách biệt giàu-nghèo giữa hai tầng lớp nông dân với thị dân.

Năm 1978, khi Trung Quốc tiến hành cải cách kinh tế, thị dân có thu nhập gấp đôi nông dân.

Nay, họ kiếm được nhiều tiền hơn gấp 3,5 lần, theo một nghiên cứu công bố (hồi tháng 4) của Giáo sư Thomas Piketty của Đại học Kinh tế Paris và chuyên gia tư vấn Li Yang của Ngân hàng Thế giới.

Các nghiên cứu của Ngân hàng phát triển châu Á và Đại học Michigan nêu cách biệt giàu-nghèo ở Trung Quốc đang ngày càng cao hơn, khi xét đến chuyện nhà ở và hộ khẩu. Giáo sư Li Gan nói: “Sự cách biệt giàu có giữa thị dân với nông dân còn lớn hơn cả sự cách biệt về thu nhập”

Sự cách biệt giàu-nghèo này thể hiện rõ ở thị trấn Yanjiao gần Bắc Kinh, nằm bên con sông cạn rộng 50m Chaobai thuộc tỉnh Hà Bắc.

Hồi năm 2014, kỹ sư xây dựng Wang Qiang mua được một căn hộ ở khu dân cư Cảng Cây cổ thụ vốn nằm cạnh một bãi rác ở Yanjiao.

Đứng bên bờ sông, Wang, 30 tuổi, cho biết anh hy vọng sẽ có ngày Bắc Kinh “nuốt” luôn khu dân cư mà anh đang ở. Vì như thế, anh sẽ có hộ khẩu ở thủ đô, gia đình anh có thể kiếm trường “xịn" hơn cho con cái, và căn hộ hai phòng ngủ của gia đình sẽ có giá trị gấp đôi.

Niềm hy vọng của Wang là do nhiều thành phố ở Trung Quốc đã mở rộng quyền mua nhà cho người có sổ hộ khẩu ở vùng nông thôn kề cận các thành phố này. Nhưng Wang nói “Tôi bị mắc kẹt ở đây”, và than tình trạng các trường ở Yanjiao “nhét” 80 học sinh vào một lớp.

Thị dân né phí cầu đường bằng cách đi phà giá rẻ qua sông Chaobai ở thị trấn Yanjiao

Được ưu ái, công chức chính quyền giàu nhờ đầu tư nhà đất

Nhà phát triển ứng dụng điện thoại di động Liu Wei sống phong lưu trong căn hộ ở khu dân cư cao cấp Jingmao International City.

Việc có hộ khẩu ở Bắc Kinh từ 10 năm qua đã giúp Liu, 38 tuổi, mua được nhiều căn hộ và một tòa biệt thự mà ông nói hiện chúng đều có giá cao gấp 10 lần so với số tiền ông đã bỏ ra để mua chúng.

Báo Wall Street Journal còn nêu có chuyện những thỏa thuận nội bộ, cho phép thị dân làm công chức chính quyền có nhà ở, khi Trung Quốc bắt đầu tư nhân hóa nhà ở.

Bà Fang Liping, một giáo viên toán về hưu ở tuổi 55, cùng chồng bà, đã “trúng mánh lớn” vào cuối những năm 1990, khi trường cho phép bà mua một căn hộ 3 phòng ngủ của nhà nước ở trung tâm Thượng Hải với giá 500.000 Nhân dân tệ (khoảng 72.000 USD).

Tòa chung cư 5 tầng hiện có giá khoảng 1 triệu USD và từ đó, gia đình bà Fang mua thêm 2 căn hộ nữa. Bà nói về căn hộ gốc: “Chúng tôi không xem đó là một khoản đầu tư. Nhưng mọi người đều làm thế”.

Kim Hương (theo The Wall Street Journal)