Nếu không thay đổi, bà Merkel sẽ thất bại

Góc nhìn - Ngày đăng : 13:33, 01/12/2016

Bà Merkel đang gánh trọng trách nặng nề nhưng lại phải đối mặt với quá nhiều thách thức trong quá trình nắm giữ quyền lực của mình. Thực tế của nước Đức và tình hình thế giới buộc bà Merkel phải thay đổi, song ngay việc thay đổi cũng là một thách thức với bà.
Thủ tướng Đức Angela Merkel

Khi giá trị của tự do dân chủ truyền thống phương Tây bị đe dọa, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nổi lên như là người được "trao ấn kiếm" với trọng trách giữ gìn giá trị truyền thống ấy. Và để làm được điều đó thì bước đầu tiên mà bà Merkel phải vượt qua là chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới để có nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 4 của mình.

Theo tường thuật của Der Speigel ngày 25.11, trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình công cộng ARD, bà Merkel cho biết mình vẫn còn nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng để tiếp tục công việc. Điều đó là tốt, là nền tảng cho lãnh đạo thành công. Nhưng để được tiếp tục lãnh đạo thì bà Merkel phải có chiến thắng chính trị đảm bảo cho bà chiếc ghế thủ tướng.

Kết quả hình ảnh cho picture of merkel

Bà Angela Merkel đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp tục nắm giữ quyền lực (Ảnh : The Local)

Tuy nhiên với tình hình thực tế hiện nay tại nước Đức và các nước phương Tây thì thách thức đầu tiên cho chiến thắng của bà Merkel là rất lớn. Cho dù nền kinh tế Đức hiện đang có nhịp độ tăng trưởng tốt và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống rõ rệt, tuy nhiên đó lại không phải là yếu tố đảm bảo cho chiến thắng của bà Merkel. Tại sao vậy?

Sự lệch pha giữa chính sách của nhà nước và chất lượng cuộc sống của người dân

Theo Der Spiegel, nhiều người Đức cảm thấy dường như họ bị bỏ rơi, thiếu sự quan tâm của nhà nước. Cảm giác đó xuất phát từ nỗi lo bởi ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa khiến cho các giá trị Đức bị nhạt nhòa, bên cạnh đó là nỗi lo về vấn đề dân nhập cư, được cho là nguyên nhân khiến cuộc sống bất an, xã hội bất ổn.

Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin và sự lựa chọn của người dân Đức với chính quyền tương lai. Do vậy, chương trình hành động của chính phủ nhiệm kỳ tiếp theo phải tạo ra một môi trường sống có sự hài hòa giữa chính sách của nhà nước với cuộc sống của người dân. Nhà nước phải thực hiện tốt hơn trong việc đảm bảo chất lượng sống cho người dân.

Có thể thấy chính phủ Merkel đã đưa ra hai dự án lớn trong nhiệm kỳ của mình. Thứ nhất là chuyển đổi từ năng lượng hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và thứ hai là cân đối ngân sách nhà nước. Mặc dù cả hai đều hợp lý, nhưng người dân Đức lại không cảm nhận được rõ ràng lợi ích của họ ở trong đó.

Trong khi đó, đập vào mắt người dân hằng ngày là việc trang bị chưa đầy đủ trong các trường học, việc thiếu các cảnh sát trên đường phố, những khoảng trống lớn trong giao thông công cộng và sự khan hiếm các bác sĩ ở nông thôn. Như vậy là sự lệch pha giữa chính sách nhà nước và chất lượng cuộc sống được người dân cảm nhận rất rõ ràng.

Với người dân thì một dự án lớn của nhà nước mà không tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng sống có thể bị xem là ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hằng ngày. Vì vậy yêu cầu đặt ra với chính phủ nhiệm kỳ tới là phải tập trung vào giao thông vận tải, y tế, an ninh và giáo dục. Theo truyền thông Đức thì giáo dục tốt hơn sẽ càng có nhiều người được hưởng lợi từ tự do dân chủ.

Còn việc cân đối ngân sách là điều tuyệt vời cho hoạt động của chính phủ, nhưng đó không thể là ưu tiên cao nhất của chính phủ. Bởi lẽ, nếu chỉ vì quá chú trọng cân đối ngân sách để rồi thiếu đi những dự án lớn nhằm cải thiện đời sống của người dân, sẽ là lợi bất cập hại. Chính phủ hoạt động tốt nhưng chất lượng sống người dân chậm được cải thiện thì sẽ đến lúc cái giá phải trả để vực dậy nền dân chủ rất lớn.

Như vậy, giảm sự lệch pha giữa chính sách nhà nước với chất lượng sống của người dân là thách thức lớn với bà Merkel và điều đó buộc bà phải thay đổi trong chương trình hành động của mình, để hy vọng vào một chiến thắng chính trị tiếp theo.

Sự phân hóa mạnh mẽ trong xã hội Đức

Theo phân tích và nhận định của những nhà xã hội học thì hiện có khoảng 1/5 dân số Đức theo khuynh hướng của chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Thu hẹp thành phần này là thách thức cực lớn với bà Merkel và trong mọi trường hợp thì không được dùng sức mạnh nhà nước để ngăn chặn lực lượng này phát triển.

Điều đó khiến bà Merkel phải nhận diện vấn đề và tiếp xúc với người dân, trấn an về những lo ngại của họ, qua đó khẳng định chính phủ tương lai sẽ đảm bảo nâng cao chất lượng sống cho họ. Thách thức này đòi hỏi sự khôn khéo về chiến thuật, linh hoạt về chiến lược, bởi lẽ sự nhạy cảm sẽ khiến tư tưởng cực đoan cắm rễ rất nhanh khi người dân có cảm giác thất vọng.

Bà Merkel kỳ vọng khi diễn ra cuộc bầu cử, lực lượng ủng hộ phe trung tả của đảng Dân chủ xã hội Đức sẽ tham gia ít hơn lực lượng ủng hộ trung hữu của đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo cầm quyền. Đây là điều cần thiết để đảm bảo cho chiến thắng của bà Merkel, song không dễ có được, thậm chí không khéo còn dính đòn “hồi mã thương”.

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh người đức biểu tình chống thủ tướng merkel

Sự phân hóa mạnh mẽ trong xã hội Đức là thách thức lớn nhất với quyền lực của bà Merkel

Bởi lẽ chỉ cần sơ sẩy một chút hoặc chương trình hành động của chính phủ tương lai có một vài khiếm khuyết nhỏ khiến cho người dân bị tổn thương vì cảm nhận sự mâu thuẫn trong việc đảm bảo nâng cao chất lượng sống cho người dân, thì niềm tin sẽ sụp đổ. Khi đó giữa phe trung hữu và phe trung tả sẽ có khoảng trống và lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân túy sẽ nhảy vào.

Khi xã hội phân hóa thì sự nhạy cảm gia tăng và luôn là con dao hai lưỡi với chính quyền. Đại diện cho lực lượng đương quyền, bà Merkel có thuận lợi là nói được và có thể làm được, song thực tế quản lý đất nước, điều hành của chính phủ có thể phủ định ngay điều đó. Người dân không dễ tin bà Merkel có thể thay đổi ngay những gì chính phủ của bà đang thực thi.

Có thể thấy rằng sự phát triển của lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân túy đang là thách thức lớn nhất đối với bà Merkel trong việc theo đuổi nhiệm kỳ thứ 4 của mình. Thất bại thảm hại của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua là lời cảnh báo cho bà Merkel đối với mối nguy của chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy.

Bà Merkel không thể thỏa hiệp với lực lượng này vì khi đó nguyên tắc tự do dân chủ mà bà đang bảo vệ sẽ bị đe dọa, nhưng nếu gây ra sự đối trọng thì thất bại có thể được báo trước. Do vậy, bà Merkel chắc chắn phải chịu nhiều vất vả để có thể tìm được chiến thắng cho mình.

Khoảng cách với chính sách của ông Trump

Một ngày sau chiến thắng của Donald Trump, bà Merkel đã liên tiếng chúc mừng và cho biết sẽ làm việc với ông Trump trên cơ sở những giá trị chung như dân chủ, tự do, tôn trọng pháp luật và phẩm giá con người. Theo giới phân tích thì đó là một thông điệp rất rõ ràng của người đứng đầu chính phủ Đức gửi tới Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama trong chuyến thăm từ biệt châu Âu đã phải lên tiếng trấn an các đồng minh và trao lại trọng trách bảo vệ nền dân chủ truyền thống phương Tây cho bà Merkel, điều đó vô hình trung đẩy nữ Thủ tướng Đức vào thế bất lợi bởi ông Obama đã gián tiếp tạo xung đột cho cặp đôi Trump - Merkel khi xem nhẹ người kế nhiệm.

Trong khi đó “hiệu ứng Trump” đang làm thay đổi xu thế chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia đồng minh bên bờ đông Đại Tây Dương mà thể hiện rõ nhất là tại Pháp. Thế giới tự do vốn luôn xem giá trị Mỹ là trung tâm, nay ông Obama chuyển đuốc cho bà Merkel thì chẳng khác nào chuyển trung tâm của thế giới tự do về nước Đức.

Điều đó khiến cho bà Merkel phải đối mặt với nước Mỹ của ông Trump mà sự thiếu thân thiện với nước Đức có thể sẽ gia tăng trong chính quyền mới tại Washington. Do vậy, thách thức tiếp theo với bà Merkel là phải chủ động đưa tay qua bên kia Đại Tây Dương và tìm cách gây ảnh hưởng với ông Trump trong việc đảm bảo giá trị của tự do dân chủ truyền thống.

Cùng với đó là hạn chế xung đột giữa hai bên bờ Đại Tây Dương để đảm bảo lợi ích cho nước Đức, trong đó quan trọng nhất là vấn đề thương mại tự do. Để có trọng lượng trong tiếng nói của mình thì bà Merkel phải sử dụng sức mạnh của Liên minh châu Âu (EU) để đặt đối trọng với nước Mỹ của ông Trump. Ngặt một nỗi là ngay chính EU cũng đang có hiện tượng rạn nứt, phân rã.

Như vậy, bà Merkel đang gánh trọng trách nặng nề nhưng lại phải đối mặt với quá nhiều thách thức trong quá trình nắm giữ quyền lực của mình. Thực tế của nước Đức và tình hình thế giới buộc bà Merkel phải thay đổi, song ngay việc thay đổi cũng là một thách thức vì bà có thể phải trả giá bởi chính sự thay đổi của mình.

Ngọc Việt