IS đang thắng thế trong cuộc chiến trên mạng xã hội

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:41, 18/08/2016

Một công trình nghiên cứu của tổ chức RAND Corporation đã chứng minh bọn khủng bố IS và những kẻ ủng hộ chúng đang gặt hái nhiều thành công trong sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Twiter, để phát tán thông điệp khủng bố.
Bọn IS thường xuyên sử dụng mạng xã hội để phát tán thông điệp khủng bố - Ảnh: Le Figaro

Công trình nghiên cứu của tổ chức RAND Corporation (Mỹ) công bố ngày 16.8 (giờ địa phương) đã cho thấy tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang giành ưu thế trong sử dụng mạng xã hội để phát tán thông điệp và kêu gọi các cá nhân trên thế giới tham gia tấn công, mặc dù trong thời gian qua chính phủ Mỹ đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố phát tán trên mạng internet.

Nghiên cứu của RAND Corporation được thực hiện từ tháng 7.2014 đến tháng 3.2015 cho thấy về số lượng, các tài khoản Twitter bằng tiếng Ả Rập ủng hộ IS chỉ bằng 1/6 số tài khoản của phe chống IS. Dù vậy, những phe ủng hộ IS cho thấy đã sử dụng Twitter thuần thục và hiệu quả hơn.

Theo nghiên cứu, có gần 75.000 tài khoản Twitter dùng tiếng Ả Rập để ủng hộ IS so với 46.000 tài khoản được Viện nghiên cứu Brookings thống kê vào năm 2014.

Tổng cộng lại theo nghiên cứu của RAND Corporation, hơn 471.000 tài khoản Twitter có liên quan đến việc tham gia phát tán thông điệp nghiêm trọng của IS bằng tiếng Anh lẫn tiếng Ả Rập.

Nghiên cứu chỉ ra rằng những kẻ ủng hộ IS đã sử dụng Twitter trung bình 60 lần/ngày, nhiều hơn 50% so với các đối thủ của IS.

Nghiên cứu của RAND Corporation đánh giá: "Mặc dù phe ủng hộ IS ít hơn về số lượng nhưng lại năng nổ hơn nhiều so với các đối thủ. Cộng đồng ủng hộ IS cho thấy đã có những chiến thuật sử dụng mạng xã hội hiệu quả qua việc thường xuyên kêu gọi các cá nhân ủng hộ tổ chức này ra sức phát tán, gieo rắc và kèm đường dẫn đến thông điệp khủng bố nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng và tính hiệu quả của các tuyên truyền đó”.

Một tài khoản Twitter ủng hộ IS với hình ảnh tay một đứa trẻ cầm lá cờ đen của IS - Ảnh: International Business Times.

Ngoài Twitter, IS còn sử dụng một số mạng xã hội thông dụng khác như Facebook, Instagram, Tumblr và Ask.fm để phát tán thông điệp của IS đến các cá nhân tiềm năng khác có thể sẽ tham gia ủng hộ IS bên ngoài Iraq và Syria.

Omar Mateen, thủ phạm xả súng tại quán bar ở Orlando (bang Florida) làm 49 người thiệt mạng, đã từng đăng thông điệp trên Facebook tuyên bố trung thành với IS, theo báo The Washington Post.

Chiến dịch của IS sử dụng mạng xã hội để kêu gọi ủng hộ đã đạt được nhiều thành công khi có đến khoảng 30.000 tay súng từ khắp nơi trên thế giới đến Iraq và Syria đầu quân cho tổ chức khủng bố này từ năm 2011 đến tháng 9.2015.

Các nhóm tin tặc của IS cũng sử dụng mạng xã hội để đăng danh sách liệt kê các quan chức quân sự và an ninh mà tổ chức này muốn tiêu diệt, theo trang tin tức The Washington Free Beacon.

Ngoài mạng xã hội, IS còn sử dụng các dịch vụ nhắn tin nhanh như Kik để trực tiếp liên hệ với các đối tượng tiềm năng và tay súng ở nước ngoài. Hoạt động này được đánh giá sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với thông điệp tuyên truyền trên Twitter, theo nhận xét của chuyên gia an ninh Philip Lohaust thuộc tổ chức nghiên cứu Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI).

Mỹ chưa thể triệt phá hiệu quả chủ nghĩa khủng bố trên mạng

Chính phủ Mỹ thừa nhận thủ đoạn dùng mạng xã hội của IS để tuyên truyền đang đặt ra nhiều thách thức cho nỗ lực chống khủng bố.

Đối phó với chủ nghĩa khủng bố trên internet, chính quyền của Tổng thống Obama đã thành lập một nhóm chuyên trách chống khủng bố trên mạng xã hội vào tháng 1.2016. Chương trình chống khủng bố trên internet của Washington được cho là phụ thuộc nhiều vào các quốc gia khác để ngăn chặn thông điệp khủng bố trên mạng xã hội, theo The Washington Free Beacon.

Chuyên gia an ninh Phillip Lohaus cho rằng mặc dù trong thời gian qua Twitter đã tỏ ra khá hiệu quả trong việc khóa các tài khoản ủng hộ IS, tuy nhiên phe ủng hộ IS vẫn tìm ra nhiều cách khác để truyền bá thông điệp IS.

Chuyên gia Lohaus cho rằng IS đã dùng Twitter cùng một số mạng xã hội để thiết lập một “cộng đồng mạng” mà Mỹ đến nay vẫn chưa triệt phá hữu hiệu.

Hình ảnh tuyên truyền của IS với ảnh Omar Mateen, kẻ xả súng tại Orlando (Mỹ,) - Ảnh: AP

Chuyên gia Lohaus phân tích: "Cho đến nay, Washington cho rằng chỉ cần gửi đi vài thông điệp chỉ trích trên Twitter là xong chuyện. Vấn đề là các nhóm khủng bố này đang thiết lập một cộng đồng mạng chứ không chỉ dừng lại ở việc tung ra vài thông điệp tuyên truyền rồi thôi. Chúng đang tung lên mạng các bài thơ rồi lại đến các đoạn video được sản xuất kỹ lưỡng cùng với đủ thứ các bài luận liên quan đến chủ nghĩa cực đoan”.

Nghiên cứu của RAND Corporation cho rằng Mỹ nên tập trung huấn luyện cho phe chống IS sử dụng mạng Twitter tiếng Ả Rập để có thể đưa ra thông điệp chống lại IS một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cảnh báo Mỹ nên cẩn thận chọn lọc kỹ lưỡng các đối tượng được huấn luyện vì Al Qaeda và một số tổ chức khủng bố khác cũng được xem là thuộc phe chống lại IS.

Ngoài ra, nghiên cứu của RAND Corporation cũng khuyến cáo chính quyền Mỹ nên tăng cường đưa ra hình ảnh về sự tàn bạo của IS để phát tán tâm lý bài trừ IS trên mạng. Tuy nhiên, nghiên cứu cảnh báo cách này có thể sẽ tạo ra hiệu ứng ngược do “bạo lực cũng là yếu tố quan trọng được IS dùng để tuyên truyền”.

Huỳnh Hy (theo The Washington Free Beacon)