Khi Trung Quốc phải trả giá vì tham bát bỏ mâm
Góc nhìn - Ngày đăng : 17:54, 14/05/2016
Ngay khi cơn sốt giá thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, dù chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ mở kho thịt lợn dự trữ và bán ra 3.000 tấn để hạ nhiệt thị trường, một tin tức còn xấu hơn ập đến: Liên minh châu Âu (EU) chính thức bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc đề nghị cấp cho nước này quy chế kinh tế thị trường.
Điều này đồng nghĩa với việc những dự định mở rộng sự xâm nhập của hàng hóa Trung Quốc vào thị trường EU đã không thể xảy ra, thậm chí cánh cửa để hàng hóa Trung Quốc vào EU trong thời gian tới sẽ ngày càng hẹp hơn. Đó là một hệ quả tất yếu khi Trung Quốc rơi vào tình trạng “tham bát, bỏ mâm”.
Tỷ lệ số phiếu áp đảo trong cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu (EP) về việc có nên bác bỏ trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc hay không đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên.
Theo kết quả kiểm phiếu, có tới 546 phiếu thuận và chỉ có 28 phiếu chống. Sở dĩ tỷ lệ phiếu áp đảo này khiến nhiều người phải ngạc nhiên là vì luôn có một bộ phận lớn các nước thuộc Liên minh khá đồng tình với việc trao quy chế này cho Trung Quốc, điển hình là Pháp và Đức, hai quốc gia có mối quan hệ kinh tế thương mại lớn với nền kinh tế số hai thế giới. Nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng, Đức và Pháp sẽ vận động trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc, để đổi lại việc nước này sẽ mở cửa rộng hơn cho hàng hóa xuất khẩu từ Đức và Pháp.
Thậm chí, khả năng Trung Quốc có thể đạt được quy chế kinh tế thị trường từ EU lớn đến mức, buộc tổng thống Mỹ Barack Obama phải lên tiếng yêu cầu EU hoãn việc đó lại. Thế nhưng, tất cả đã đổi chiều.
Vậy nguyên nhân nào khiến cho tỷ lệ ủng hộ/phản đối ở EU vốn khá cân bằng trước đó đến mức khiến tổng thống Obama phải can thiệp, lại trở nên tỷ lệ áp đảo đến thế? Nguyên nhân chính đang được các nhà phân tích đề cập đến, có lẽ là do Trung Quốc quá tham lam.
Trên thực tế, những động thái gần đây của chính phủ Trung Quốc trong quan hệ kinh tế thương mại với EU đang diễn ra theo chiều hướng khiến các nhà lãnh đạo EU bắt đầu e dè nhiều hơn. Kể từ đầu năm 2016 đến nay, để giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung và năng lực sản xuất của mình, Trung Quốc đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU nhiều hơn và bằng nhiều mánh lới hơn, trong khi lượng nhập khẩu của nước này lại giảm đi đáng kể.
Cụ thể, hàng hóa giá rẻ Trung Quốc ngày càng tràn ngập thị trường EU và gây ra thiệt hại lớn trong hàng loạt các lĩnh vực sản xuất tại các nước thành viên, điển hình là ngành thép, do thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào mà số doanh nghiệp thép châu Âu phá sản đang ngày càng tăng kéo theo cả trăm ngàn lao động đang mất việc. Trong khi đó, lượng nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng qua liên tiếp sụt giảm, có tháng lên đến 14%, tháng gần nhất là tháng 4.2016 thì mức sụt giảm nhập khẩu của thị trường Trung Quốc cũng lên tới 10,5%.
Điều này cho thấy một thực tế, Trung Quốc đang đẩy EU vào thế thâm hụt thương mại ngày càng trầm trọng hơn trong mối quan hệ kinh tế thương mại song phương, trong khi hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc đang tàn phá nhiều ngành sản xuất ở châu Âu và khiến hàng trăm ngàn lao động mất việc thì hàng hóa xuất khẩu từ các nước EU vào Trung Quốc không những không tăng để bù đắp lại mà còn giảm đi đáng kể.
Vì thế, việc trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc, một điều đồng nghĩa với việc hàng hóa Trung Quốc sẽ được mở rộng cửa vào thị trường EU nhiều hơn rõ ràng là điều khó có thể xảy ra.
Nghị quyết của EP sau cuộc bỏ phiếu cũng nêu rõ “năng lực sản xuất dư thừa và xuất khẩu các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, tình hình kinh tế xã hội cho các nước EU”.
Đại biểu Yannick Jadot thuộc khối bảo vệ môi trường, cho biết: “Trung Quốc can thiệp vào mọi lĩnh vực, mọi ngõ ngách của nền kinh tế và thúc đẩy sản xuất quá tải. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc sản xuất dư thừa pin mặt trời, giờ là đến thép. Hệ quả là gây khó khăn cho công nghiệp châu Âu và làm mất đi hàng ngàn hoặc hàng triệu việc làm”. Theo thống kê của các chuyên gia, nếu trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc thì EU có thể sẽ mất tới khoảng 3,5 triệu việc làm trong tương lai gần.
Đó là chưa kể, tác hại lớn nhất của việc quá tham lam khi tìm cách xuất khẩu hàng hóa dư thừa của Trung Quốc sang thị trường châu Âu còn là việc Trung Quốc đang mất đi sự thiện cảm và ủng hộ từ phía các quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất EU, như Đức và Pháp.
Ngay sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu bác bỏ trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc thì chỉ một ngày sau đó, ngày 13.5, Đức và Pháp đã trực tiếp lên tiếng thúc giục Phòng Thương mại châu Âu chặt chẽ hơn nữa trong việc kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, mà điển hình là thép. Thậm chí, việc hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn vào thị trường châu Âu trong thời gian qua có thể sẽ được xem là nguyên nhân khiến EU xem xét lại quy chế xuất nhập khẩu của mình, và thậm chí sẽ còn xiết chặt hơn nữa với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, đây rõ ràng là một thông tin rất xấu. Vì không những nước này không được trao quy chế kinh tế thị trường (điều sẽ giúp Trung Quốc tăng đáng kể hàng xuất khẩu vào EU), mà nước này sẽ còn phải đối mặt với việc tỷ trọng xuất khẩu của mình sẽ sụt giảm đáng kể trong thời gian tới. Một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng trung bình 6,7% trong 3 tháng đầu năm nay là do sự tăng tốc trong lĩnh vực xuất khẩu. Nhưng giờ đây nó đang đối mặt với sự sụt giảm mạnh.
Hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều kỳ vọng rằng EU sẽ thông qua việc trao quy chế kinh tế thị trường cho nước này trong thời gian cuối năm nay và sẽ là một đòn bẩy giúp kinh tế Trung Quốc tránh khỏi nguy cơ giảm tốc, nhưng tất cả đã đổ bể. Chỉ vì lòng tham khi muốn cố gắng bán tống bán tháo các sản phẩm dư thừa trong nước do tình trạng dư cung gây ra. Dĩ nhiên, với kiểu làm ăn chộp giật như thế, cũng không lấy gì làm lạ khi EU ngoảnh mặt với Trung Quốc.
Nhàn Đàm (theo Reuters, The Saigon Times)
Ảnh: EU không chấp nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường