Khi EU có nguy cơ tan rã vì nước Anh
Góc nhìn - Ngày đăng : 18:09, 24/05/2016
Cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp vẫn chưa được xử lý ổn thỏa, nguy cơ giảm phát trong nền kinh tế vẫn hiện diện rất rõ và giờ đây là động thái mang tính quyết định đến sự tồn vong của EU, khi nước Anh sắp trưng cầu dân ý về việc có nên rời liên minh châu Âu hay không, được biết đến với cái tên Brexit.
Nếu tòa lâu đài EU mất đi viên gạch chủ chốt mang tên Anh quốc trong nền móng của mình thì nguy cơ nó sụp đổ là rất có thể xảy ra. Sau những động thái mang tính nhượng bộ thời gian qua, EU bắt đầu chuyển sang thái độ cứng rắn, bằng cách cảnh báo nước Anh về những hậu quả mà nước này sẽ phải đối mặt nếu rời EU.
Nếu rời EU, nước Anh sẽ không thể trở thành đối tác mà sẽ là đối thủ của EU. Đó đang là thông điệp chủ đạo mà liên minh châu Âu đang gửi cho London về việc quyết định tương lai của nền kinh tế số 5 thế giới, nếu rời khỏi khối này. Ủy viên các vấn đề tài chính của EU là Jonathan Hill trong một bài phỏng vấn vào ngày thứ Hai 23.5 đã tuyên bố, nước Anh sẽ phải đối mặt với các rào cản thương mại và tài chính nghiêm ngặt từ phía EU nếu như rời khỏi liên minh châu Âu, “nước Anh chắc chắn sẽ phải đối mặt với các rào cản thương mại, đồng nghĩa với những tác động tới công ăn việc làm và tăng trưởng của nền kinh tế”.
Đây được xem là động thái cứng rắn nhất mà liên minh châu Âu từng đưa ra để ngăn chặn kịch bản nước Anh rời khỏi EU thông qua việc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào ngày 23.6 sắp tới. Trước đó, các nhà lãnh đạo chủ chốt của EU như thủ tướng Đức Angela Merkel hay tổng thống Pháp Francois Hollande đều đã chấp thuận những sự nhượng bộ đáng kể trong các cuộc họp kín với thủ tướng Anh David Cameron. Chẳng hạn, Anh có thể đứng ngoài trong một số các vấn đề tài chính của EU, cũng như được phép có ưu tiên nhất định đối với hiệp ước Schengen về tự do di chuyển giữa các nước thành viên của EU vốn đang là nguyên nhân mà người dân Anh lo ngại về vấn đề người di cư và gia tăng tình trạng khủng bố.
Tuy nhiên, việc EU chấp nhận những nhượng bộ lớn đó để tránh cho liên minh khỏi đứng trước cơ sụp đổ, cùng với việc các nhà lãnh đạo chủ chốt nhất trong chính phủ Anh đều đứng về phía không đồng ý rời khỏi EU như thủ tướng David Cameron và Bộ trưởng tài chính George Osborne, dường như vẫn chưa đủ để thuyết phục người dân Anh thay đổi ý định muốn rời khỏi khối này. Và vì thế, Brussel đang bắt đầu thay đổi chiến lược, từ nhượng bộ chuyển sang cứng rắn.
Trên thực tế, việc tỏ ra cứng rắn bằng cách đánh vào những thiệt hại kinh tế mà Anh sẽ phải đối mặt nếu rời EU không có gì là xa lạ với người dân Anh. Cách đây gần 2 năm, nước Anh cũng đã trải qua tình cảnh và những cảm xúc tương tự như EU thời điểm hiện tại khi Scotland tiến hành trưng cầu dân ý để tách khỏi Liên hiệp Anh. Chính phủ Anh khi đó cũng gần như đã bất lực trước phong trào đòi độc lập của người dân Scotland, trước khi khiến họ thay đổi ý định bằng cách tỏ thái độ cứng rắn, trong đó có việc đe dọa sẽ cắt nguồn viện trợ lên đến 27 tỷ bảng (tương đương 20% GDP Scotland) cho vùng lãnh thổ này. Những hậu quả quá lớn về mặt xã hội nếu Anh cắt viện trợ cuối cùng đã buộc người dân Scotland bỏ phiếu chọn phương án tiếp tục là một phần của khối Liên hiệp Anh.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra, chỉ khác là các vai diễn đã đổi cho nhau. Người đe dọa sẽ tạo ra những khó khăn về kinh tế nếu như Brexit diễn ra là liên minh châu Âu, còn kẻ bị đe dọa đang là người dân Anh. Mối quan hệ về kinh tế tài chính giữa EU và nước Anh hiện tại cũng giống với mối quan hệ kinh tế tài chính giữa Anh và Scotland ở thời điểm cách đây gần 2 năm.
Steven Woolfe, phát ngôn viên cho đảng UK Independence đồng thời là thành viên của nghị viện châu Âu, cho biết ngành dịch vụ tài chính của Anh sẽ bị thiệt hại khoảng 25 tỷ bảng (tương đương 36 tỷ USD) và mất khoảng 200.000 việc làm nếu như các lệnh trừng phạt thông qua các rào cản thương mại mà EU sẽ áp đặt đối với Anh diễn ra. Đó là chưa kể những thiệt hại lớn về kinh tế và thương mại sẽ diễn ra với Anh, vì một khi nước này rời khỏi EU đồng nghĩa với việc không những sẽ mất đi những ưu đãi và lợi thế đang được hưởng trong quan hệ thương mại với châu Âu lục địa, mà sẽ còn bị EU coi như một đối thủ cạnh tranh trong kinh tế và thương mại thông qua các rào cản sẽ được EU dựng lên.
Sự cứng rắn này của EU đang được thể hiện rất rõ khi Jonathan Hill tuyên bố trước báo giới rằng “nếu như nước Anh đã lựa chọn trở thành một đối thủ cạnh tranh thay vì là một đối tác, thì chẳng có lý do gì để EU không đặt ra các quy định tạo lợi thế cho thương mại và hệ thống tài chính của mình trong mối quan hệ với nước Anh?”.
Không chỉ EU, mà kể cả đồng minh thân cận nhất đồng thời là một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của Anh là Mỹ cũng đang công khai ý định không ủng hộ Anh rời khỏi EU. Một trong những lý do hàng đầu là vì Mỹ đang xúc tiến thành lập hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với EU và nếu Anh rời EU thì kế hoạch này của Mỹ sẽ bị phá hỏng. Điều này đồng nghĩa với việc nếu Anh rời EU, nước này sẽ phải đối mặt với những khó khăn rất lớn trong quan hệ thương mại với hai đối tác lớn nhất của mình là Mỹ và châu Âu lục địa.
Đó sẽ là một cái giá quá đắt, tương tự như cái giá mà người dân Scotland nhận thức được cách đây gần 2 năm khi quyết định có bỏ phiếu tách khỏi Liên hiệp Anh hay không. Người dân Scotland đã chọn “Không”, thì giờ đây có lẽ người dân Anh cũng sẽ chọn câu trả lời tương tự.
Nhàn Đàm (theo Reuters)