Dân Nga đồng ý sửa hiến pháp, mở đường cho Putin cầm quyền đến năm 2036

Chuyển động - Ngày đăng : 14:56, 02/07/2020

Kết quả kiểm phiếu được công bố mới đây cho thấy đa số người dân Nga đã ủng hộ các sửa đổi hiến pháp, giúp Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục nắm giữ quyền lực thêm 2 nhiệm kỳ cho tới năm 2036.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (CEC) cho biết, theo kết quả sơ bộ sau khi khoảng 99% số phiếu được kiểm, có 78% cử tri trên khắp nước Nga đã ủng hộ các sửa đổi hiến pháp. Chỉ hơn 21% người dân không đồng ý.

Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp ở Nga diễn ra từ ngày 25.6 và kéo dài đến ngày 1.7. Riêng tại thủ đô Moskva có gần 3.500 điểm bỏ phiếu. Các điểm bỏ phiếu tại Nga bắt đầu mở cửa từ 8 giờ và kết thúc vào 20 giờ cùng ngày (giờ địa phương). Công tác kiểm phiếu được làm ngay sau 20 giờ ngày 1.7. Khi có kết quả cuối cùng, nếu Luật Sửa đổi hiến pháp nhận được hơn 50% số phiếu ủng hộ thì các sửa đổi sẽ có hiệu lực ở thời điểm công bố.

Các nhà quan sát chỉ trích CEC đã công bố kết quả sớm trước khi các trạm bỏ phiếu ở phần còn lại của nước Nga đóng cửa. Tuy nhiên, người đứng đầu Ủy ban CEC lla Pamfilova nói rằng cuộc bỏ phiếu đã diễn ra minh bạch và các quan chức Nga đã làm mọi thứ để đảm bảo tính liêm chính của cuộc bỏ phiếu.

Trước đó, trong bài phát biểu trước quốc hội vào tháng 1, Tổng thống Nga Putin đã đề xuất thay đổi hiến pháp. Cải cách hiến pháp Nga gồm tổng cộng hơn 200 sửa đổi như đảm bảo mức lương hưu tối thiểu, cấm kết hôn đồng giới và đáng chú ý nhất là về nhiệm kỳ của tổng thống.

Một thay đổi đáng chú ý đó là việc bãi bỏ hạn chế nhiệm kỳ đối với tổng thống đương nhiệm Nga, tức là số nhiệm kỳ của ông Putin được đưa về 0 (tức tính lại từ đầu), mở đường cho ông Putin có thể tái tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ nữa, giúp ông nắm quyền đến tận năm 2036.

Dư luận phương Tây cho rằng những thay đổi của ông Putin nhiều khả năng phục vụ mục tiêu duy trì quyền lực của vị tổng thống này. Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định việc ông đề xuất sửa đổi hiến pháp hồi tháng 1 là nhằm cải cách hệ thống chính trị Nga chứ không nhằm tiếp tục duy trì quyền lực.

Ông Putin nói rằng sự chấp thuận của cử tri Nga là cần thiết để trao tính hợp pháp cho các sửa đổi. Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp Nga ban đầu dự định tổ chức vào ngày 22.4. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này đã bị hoãn lại do sự bùng phát của dịch COVID-19.

Ông Putin quyết định mở lại bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp sau khi dịch bệnh đã qua đỉnh điểm và nước Nga bắt đầu ghi nhận số lượng ca bệnh mới giảm. Trong lời kêu gọi cử tri hôm 30.6, nhà lãnh đạo Nga 67 tuổi nhấn mạnh các sửa đổi trên là cần thiết để đảm bảo "sự ổn định, an ninh, thịnh vượng" của nước Nga trong tương lai.

Một nhóm nhỏ các nhà hoạt động đã tổ chức một cuộc biểu tình mang tính biểu tượng trên quảng trường Đỏ vào chiều 1.7 trước khi bị cảnh sát bắt giữ. "Chúng tôi cần phải nhắc nhở các nhà chức trách rằng chúng tôi tồn tại và có hàng chục triệu người trong chúng tôi không muốn Putin cai trị cho đến năm 2036", Andrei Pivovarov, một nhà hoạt động nói trong một video.

Hoàng Vũ (theo TASS, Reuters, Moscow Times)