EU kêu gọi Trung Quốc tham gia điều tra COVID-19

Chuyển động - Ngày đăng : 19:25, 01/05/2020

Chủ tịch Ủy ban châu Âu ủng hộ lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch COVID-19 và cho biết Trung Quốc nên tham gia vào quá trình này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen

Các nghị sĩ ở Đức, Thụy Điển và Úc đã kêu gọi một cuộc điều tra về cách thức virus phát sinh mà cho đến nay đã lây nhiễm hơn 3,2 triệu người và gây tử vong hơn 230.000 người.

Phát biểu với CNBC, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, bà muốn thấy Trung Quốc hợp tác với EU và các tổ chức khác để tìm hiểu chính xác về cách thức mà virus xuất hiện.

Bà Von der Leyen tuyên bố: "Tôi nghĩ điều này quan trọng đối với tất cả chúng ta, ý tôi là nó quan trọng đối với cả thế giới. Bạn không bao giờ biết khi nào một loại virus tiếp theo bắt đầu xuất hiện, vì vậy tất cả chúng ta đều muốn về sau, chúng ta đã tiếp thu được bài học hôm nay và chúng ta thiết lập sẵn một hệ thống cảnh báo sớm thực sự hiệu quả và cả thế giới phải đóng góp vào điều đó".

Bà kêu gọi minh bạch hơn trong tương lai và cho biết các chính phủ cần có bài học từ cuộc khủng hoảng hiện tại: "Nói chung, một trong những bài học rút ra từ đại dịch này là chúng ta cần dữ liệu mạnh hơn và chúng ta cần tập trung hơn trong phân tích những dữ liệu đó để có cơ chế cảnh báo sớm tốt hơn. Ví dụ, ở cấp độ của Liên minh Châu Âu, chúng ta biết rằng cần một hệ thống dữ liệu mạnh mẽ hơn cho các tình huống như chúng ta thấy với coronavirus ngay bây giờ".

Trung Quốc bị chỉ trích

Chủng mới của coronavirus, hay còn gọi là COVID-19, được báo cáo lần đầu tiên vào tháng 12 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc đã triển khai đội ngũ y tế và gửi thiết bị đến một số quốc gia đang vật lộn với coronavirus, thì chính Trung Quốc lại phải đối mặt với những chỉ trích về việc xử lý dịch bệnh.

Vào cuối tháng 1, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố cấm tạm thời buôn bán động vật hoang dã tại các chợ tươi sống, siêu thị, nhà hàng và trên nền tảng thương mại điện tử - nhưng các chuyên gia và tổ chức bảo vệ động vật hoang dã kêu gọi lệnh cấm vĩnh viễn để ngăn chặn đại dịch trong tương lai.

Trung Quốc cũng đã bị chỉ trích vì sự thiếu minh bạch trong suốt đợt bùng phát, trong bối cảnh xuât hiện các tuyên bố rằng Bắc Kinh phản ứng quá chậm. WHO đã lên tiếng phản đối việc đổ lỗi cho bất kỳ quốc gia riêng lẻ về sự lây lan của COVID-19, phản đối nhắm chỉ trích vào các quốc gia là tâm dịch vì đIều đó có thể khiến người ta ngại báo cáo con số thực.

Trung Quốc đã phủ nhận mọi cáo buộc. Trong một cuộc phỏng vấn với NBC hôm thứ ba, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) cho biết: Trung Quốc đã có chính sách phản ứng với COVID-19 cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm: "Chúng tôi không che đậy bất cứ điều gì và không trì hoãn bất kỳ nỗ lực nào. Chúng tôi đã công khai mốc thời gian khi chia sẻ thông tin".

Ông Lạc nói thêm rằng, không có luật pháp quốc tế nào lại đổ lỗi cho một quốc gia chỉ đơn giản vì đó là nước đầu tiên ghi nhận một dịch bệnh và nhấn mạnh "Lịch sử cũng chưa có bất kỳ tiền lệ nào như vậy".

Tại Mỹ hôm thứ năm, Tổng thống Donald Trump tin vào giả thuyết dịch coronavirus có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, dù ông không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Bình luận của ông Trump được đưa ra sau khi cơ quan tình báo Mỹ đưa ra quan điểm tổng hợp rằng họ không tin virus là sản phẩm nhân tạo hoặc biến đổi gen.

Quan hệ EU-Trung Quốc

Khi nhấn mạnh vào việc liệu một cuộc điều tra có thể dẫn đến sự suy yếu quan hệ với Trung Quốc hay không, bà Von der Leyen trả lời: "Không, tôi không nghĩ như vậy, bởi tất cả đều vì lợi ích của chúng ta. Ý tôi là, đại dịch này đã gây ra rất nhiều thiệt hại. Do vậy, vì lợi ích của chúng ta, của mỗi quốc gia, chúng ta sẽ phải chuẩn bị tốt hơn vào lần tới. Chúng ta không biết khi nào một cuộc khủng hoảng như vậy sẽ xảy ra một lần nữa, nhưng chúng ta nên chuẩn bị tốt hơn ngay bây giờ".

Bình luận của bà Von der Leyen được đưa ra vào thời điểm Ủy ban Châu Âu đang chịu áp lực vì bị cáo buộc đã chỉnh lại theo hướng xuống giọng với báo cáo xung quanh trách nhiệm của Trung Quốc với COVID-19. EU đã phủ nhận việc chịu khuất phục trước sức ép từ Bắc Kinh, nhưng người phụ trách chính sách đối ngoại của họ, Josep Borrell lại thừa nhận rằng Trung Quốc đã tỏ ý không hài lòng với bản báo cáo.

Các nguồn thạo tin cho biết báo cáo đã thay đổi và bị trì hoãn tới tận hôm 24.4 mới được công bố. So sánh phiên bản lưu hành nội bộ của báo cáo mà hãng tin Reuters có và phiên bản được công bố cuối cùng cho thấy một số khác biệt.

Ví dụ, trên trang đầu tiên của báo cáo nội bộ được chia sẻ với các chính phủ EU ngày 20.4, bộ phận chính sách đối ngoại của EU cho biết: "Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chiến dịch đánh lạc hướng thông tin toàn cầu để chệch hướng đổ lỗi sự bùng phát đại dịch và cải thiện hình ảnh quốc tế. Cả hai chiến thuật công khai và bí mật này đã được quan sát".

Bản tóm tắt công khai được đăng tải hôm 24.4 trên trang web euvsdisinfo.eu của khối quy kết sự đánh lạc hướng thông tin cho các nguồn được nhà nước hậu thuẫn từ các chính phủ khác nhau, gồm cả Nga và ở mức độ thấp hơn là Trung Quốc.

Văn bản này cũng ghi nhận những bằng chứng quan trọng về các hoạt động bí mật của Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng tài liệu tham khảo được để trong 6 đoạn cuối của bản tóm tắt.

Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh Châu Âu (EU) không bình luận về thông tin trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không phản hồi câu hỏi của Reuters liên quan việc báo cáo bị thay đổi nói trên.

A.T