Mỹ lại điều tàu chiến tới Biển Đông khiến Trung Quốc phản ứng gay gắt
Chuyển động - Ngày đăng : 06:17, 30/01/2020
Người phát ngôn Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, trung úy Joe Keiley cho hay, tàu chiến đấu ven biển USS Montgomery cuối tuần trước thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại Trường Sa (quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông nhằm "khẳng định quyền tự do hàng hải theo quy định của luật pháp quốc tế".
Phát ngôn viên Keiley đã nhấn mạnh lập trường rằng, Washington giữ vững và duy trì quyền tự do hàng hải như một nguyên tắc hoạt động, và các sứ mệnh, nhiệm vụ đều được tiến hành một cách hòa bình và không nhằm ủng hộ hay chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Những hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông là một phần trong danh sách các sứ mệnh thường ngày của lực lượng quân sự Mỹ trong khắp khu vực”, người phát ngôn của Hạm đội 7 khẳng định.
Phản ứng trước động thái trên, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ thuộc quân đội Trung Quốc (PLA), đại tá Li Huamin sau đó ra tuyên bố cho biết PLA đã triển khai lực lượng không quân, hải quân theo dõi tàu USS Montgomery và phản đối hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực.
Ông Li Huamin cũng lên giọng rằng đây là hành động khiêu khích có chủ ý của quân đội Mỹ và là một nỗ lực trắng trợn nhằm thể hiện sự bá chủ hàng hải cũng như làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Được biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông cùng với sự gia tăng các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình, mặc dù phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý của họ vào năm 2016.
Là một phần trong sự thay đổi chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản đối.
Hoàng Vũ (theo Japan Times)