Ông Putin khoe Nga vô địch thế giới về vũ khí bội siêu thanh
Chuyển động - Ngày đăng : 11:46, 25/12/2019
Ông Putin nói trong thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô kém Mỹ trong việc thiết kế bom nguyên tử, chế tạo máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). “Nay, chúng ta đang có một tình hình độc đáo trong lịch sử hiện đại, khi họ phải cố gắng đuổi kịp chúng ta. Không một quốc gia nào có vũ khí bội siêu thanh, chứ đừng nói gì đến vũ khí bội siêu thanh đạt tầm cỡ quốc tế”, ông Putin nói.
Nga cần vũ khí tốt nhất vì bị NATO đe dọa
Nhà lãnh đạo Nga còn cho biết trong tháng 12 này, loại tên lửa ICBM “Tiên Tiến” (Avangard) sẽ được triển khai, còn tên lửa “Dao Găm” (Kinzhal Kh-47M2) đã được giao cho không quân Nga từ năm 2018.
Ông Putin từng đề cập hai loại tên lửa này trong Diễn văn liên bang Nga ngày 1.3.2018. Lúc đó, ông nói “Tiên Tiến” được thiết kế sử dụng vật liệu composite, có thể chịu được nhiệt độ lên tới 2.000 độ C (sức nóng do ma sát khi bay trong bầu khí quyển ở tốc độ siêu thanh), sử dụng lò phản ứng hạt nhân để đốt nhiên liệu đẩy tạo ra sức phóng cho tên lửa.
Ông Putin nói “nó lao tới mục tiêu như một thiên thạch”, có thể đổi đường bay và cao độ khi hướng tới mục tiêu, khiến địch không thể phát hiện, và Tiên Tiến là “vũ khí của tương lai, hoàn toàn có thể chọc thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào”.
Loại tên lửa RS-26 Avangard có thể mang đầu đạn hạt nhân, là một hệ thống tên lửa ICBM chiến lược, được trang bị hệ thống lướt siêu thanh, sau khi phóng sẽ dùng lực khí động học để trượt ở tầng trên bầu khí quyển trái đất ở tốc độ cao hơn tốc độ âm thanh những 20 lần (khoảng 24.000 km/giờ), trong khi ICBM của Mỹ hiện chỉ có thể bay với vận tốc 6.400 km/giờ.
“Dao Găm” có thể phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân không đối đất hoặc đầu đạn thường từ máy bay tiêm kích MiG-31, có thể bay với vận tốc gấp 10 lần tốc độ âm thanh, tầm bắn 2.000km. Quân đội Nga nói “Dao Găm” có thể phóng trúng cả các mục tiêu trên bộ lẫn tàu chiến.
Mỹ và các nước khác cũng lao vào thiết kế vũ khí bội siêu thanh, nhưng chúng chưa được chuyển giao cho quân đội. Loại tên lửa “Tiên Tiến” từng khiến Mỹ lo ngại về việc Nga tuân thủ các hiệp định giải trừ vũ khí cấp toàn cầu.
Ngày 24.12, ông Putin mô tả việc quân NATO được dàn gần biên giới miền Tây nước Nga, cùng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là những mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia Nga. Ông nói đó là lý do Nga phải có những loại vũ khí tốt nhất thế giới: “Đấy không phải là một ván cờ vua mà người ta có thể OK với kết quả hòa. Công nghệ của chúng ta phải tốt hơn. Chúng ta có thể và sẽ đạt được điều đó ở những lĩnh vực chủ đạo”.
Mỹ rút khỏi INF trong năm 2019, với lời cáo buộc Nga “không tôn trọng” thỏa thuận được ký năm 1987 bởi nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Hiệp ước này cấm triển khai và thử các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung có thể gắn đầu đạn hạt nhân hoặc quy ước, phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500 đến 5.000km.
"Chim Báo Bão" bị rơi xuống biển?
Ông Putin còn cho biết theo đúng kế hoạch, công tác phát triển các loại vũ khí khác, gồm loại ICBM Sarmat, tàu ngầm tự hành chạy bằng hạt nhân và tên lửa hành trình chạy bằng hạt nhân “Chim Báo Bão” (Burevestnik) vẫn được tiến hành.
Trong Thông điệp liên bang ngày 1.3.2018, Tổng thống Nga nói “Chim Báo Bão” là một tên lửa siêu thanh thế hệ mới “bất khả chiến bại”, bay ở tốc độ cao khoảng 24.700 km/giờ, tức nhanh hơn tốc độ âm thanh những 20 lần. Tên lửa bay bằng một lò phản ứng hạt nhân này có “tầm bắn không giới hạn”, một đầu đạn có thể bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới, và tên lửa khả năng liên tục đổi hướng để tránh “lá chắn” phòng thủ tên lửa ICBM của Mỹ bay tới.
Tên tiếng Nga của “Chim Báo Bão” (được các thủy thủ tin là loài chim biển có thể dự báo thời tiết xấu) là Burevestnik. Hồi tháng 8, có tin một quả bị nổ trong lúc phóng thử ở một căn cứ hải quân Nga trên biển Bạch Hải, làm chết 5 kỹ sư hạt nhân và 2 quân nhân, cũng như gây ra một vụ phóng xạ ngắn khiến một thành phố lân cận chìm trong sợ hãi bị nhiễm phóng xạ. Các quan chức Nga không bao giờ tiết lộ loại vũ khí liên quan sự cố này, nhưng Mỹ nói đó là một chiếc “Chim Báo Bão”.
Loại tên lửa này đặc biệt gây tranh cãi. Hồi tháng 8.2018, CNBC đưa tin Nga mở chiến dịch với 3 tàu chiến để tìm một chiếc “Chim Báo Bão” bị rơi xuống dưới biển Barents ở phía bắc Nga giáp Na Uy hồi tháng 11.2017. Chiến dịch này không có thời hạn chót, gồm một tàu được trang bị để xử lý chất phóng xạ có thể rò rỉ từ động cơ hạt nhân của quả tên lửa được phóng nhưng sau đó chỉ bay 35km rồi rơi.
Theo các nguồn tin của CNBC, Nga đã 4 lần phóng thử quả tên lửa “Chim Báo Bão” từ tháng 11.2017 đến tháng 2.2018, nhưng cả 4 lần phóng đều thất bại, đều bị rơi. Lần phóng thử lâu nhất chỉ hơn 2 phút và quả tên lửa bay được 35km trước khi bị mất kiểm soát và bị rơi. Lần phóng thử nhanh nhất chỉ kéo dài vỏn vẹn 4 giây và “Chim Báo Bão” chỉ bay được 6km.
Các nguồn tin tình báo Mỹ nói cả 4 vụ phóng thử “Chim Báo Bão” đều theo lệnh của quan chức cấp cao trong chính phủ Nga, bất chấp việc các kỹ sư phản đối và lo ngại hệ thống tên lửa này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Nga đã bác bỏ các thông tin này.
Cùng ngày 24.12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói quân đội Nga trong năm 2019 đã nhận 143 máy bay và trực thăng, 624 xe bọc thép, 1 tàu ngầm và 8 tàu chiến. Ông cũng nói khâu hiện đại hóa kho vũ khí Nga sẽ tiếp tục duy trì ở tốc độ nhanh trong năm 2020, với 22 quả ICBM, 106 máy bay mới, 565 xe bọc thép, 3 tàu ngầm và 14 tàu chiến sẽ được đưa vào phục vụ.
Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)