Tham vọng tàu sân bay Trung Quốc bị kiềm hãm vì thiếu phi công

Chuyển động - Ngày đăng : 06:27, 29/12/2019

Đưa tàu sân bay nội địa Sơn Đông vào hoạt động tuần trước khiến Trung Quốc cần thêm ít nhất 70 phi công cùng nhiều sĩ quan hỗ trợ.
Trung Quốc thiếu phi công phục vụ trên tàu sân bay - Ảnh: Handout

Nhưng họ không chỉ muốn có hai tàu sân bay (Liêu Ninh, Sơn Đông). Chính quyền Bắc Kinh đặt mục tiêu sở hữu từ 5 đến 6 chiếc trang bị công nghệ hiện đại – có nghĩa nhu cầu đào tạo phi công sẽ trở nên cấp bách hơn cho tương lai.

Nhà nghiên cứu Collin Koh thuộc Học viện quan hệ quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho biết công tác tuyển chọn và đào tạo phi công của Trung Quốc vẫn tồn tại điểm nghẽn.

“Hàng không phục vụ trong hải quân vẫn còn khá xa lạ với quân đội Trung Quốc, đặc biệt khi bị hối thúc tăng quy mô tuyển chọn và đào tạo nhằm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nên đội tàu sân bay đủ sức chiến đấu”, nhà nghiên cứu Koh nhận định.

Chương trình đào tạo tất cả phi công quân sự do Trung Quốc mở ra hiện chỉ ở giai đoạn phát triển. Tàu sân bay Liêu Ninh được đưa vào sử dụng vào tháng 9.2012, chờ đến hai tháng sau tiêm kích J-15 hạ cánh thành công trên tàu này, tháng 5.2018 mới xuất hiện thông tin thành công hạ cánh ban đêm.

Đào tạo phi công trực thăng còn mất nhiều thời gian hơn. Lần hạ cánh thành công đầu tiên trên tàu sân bay là vào tháng 11.2018, tháng 6 năm nay ghi nhận lần hạ cánh ban đêm thành công đầu tiên.

Tàu sân bay Sơn Đông - Ảnh: SCMP

Hàng loạt vụ tai nạn cũng đã xảy ra. Quân đội Trung Quốc cố tình che giấu thông tin nhằm tránh gây hoang mang cho tân binh, theo nhà nghiên cứu Koh.

Vài ngày sau cuộc duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm 70 năm quốc khánh, một trực thăng vận tải rơi ở tỉnh Hồ Nam khiến ba phi công thiệt mạng. 8 ngày sau đó lại đến tiêm kích J-10 đâm vào núi lúc luyện tập bay tầm thấp tại cao nguyên Tây Tạng, phi công may mắn sống sót.

Chuyên gia hải quân Lý Kiệt lại tin rằng tình hình sẽ khả quan hơn trong 2 - 3 năm tới. Ông phân tích: “Số lượng tiêm kích tàu sân bay không đủ cùng với khối lượng bài luyện tập cần thiết cho phi công quá nhiều là hai nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu phi công hiện tại. Tuy nhiên khi Trung Quốc có nhiều tiêm kích hơn, chú trọng công tác đào tạo hơn thì sẽ giải quyết dần vấn đề”.

Đại học Hàng không hải quân Trung Quốc đang hợp tác với 3 trường hàng đầu khác là đại học Bắc Kinh, đại học Thanh Hoa, đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh tìm kiếm và tuyển chọn ứng viên phù hợp. Trường trung học nhiều địa phương còn thành lập lớp trải nghiệm hàng không hải quân, bên cạnh trợ cấp thì học viên tham gia còn có tên trong danh sách ưu tiên tuyển phi công.

Cẩm Bình (theo SCMP)