Tranh chấp Biển Đông sẽ làm nóng Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN
Chuyển động - Ngày đăng : 13:45, 30/07/2019
Theo hãng tin AP, sự lo ngại lớn nhất của 10 nước Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) là việc Bắc Kinh đòi chủ quyền Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Vụ tranh chấp chủ quyền này đã kéo dài, nhưng lại bùng lên hồi đầu tháng 7, khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ bằng cách can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông.
Vẫn theo hãng tin Mỹ, tại các cuộc họp ở thủ đô Thái Lan, Việt Nam có thể trông cậy vài đồng minh, nhưng phải hoạt động bên lề khung thời gian làm việc của ASEAN, bằng cách lập một khối hàng hải với Indonesia - quốc gia này đã xử lý triệt để tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải - và Philippines vốn đang bực sự cố tháng 6: một tàu cá Trung Quốc đâm húc một tàu cá Philippines rồi bỏ chạy, buộc 22 thuyền viên Philiipines phải rời khỏi chiếc tàu chìm trước khi họ được người Việt Nam cứu.
AP nhận định ASEAN sẽ khó có sự nhất trí về bất kỳ tuyên bố nào phản đối Trung Quốc, do ASEAN hoạt động theo tinh thần đồng thuận, có nghĩa là một nước thành viên có thể dùng quyền phủ quyết các quyết định và các tuyên bố của khối. Trung Quốc cũng có thể dựa vào sự ủng hộ của các đồng minh như Campuchia và Lào, trong khi vài nước khác trong khối ngại ngần thách đố quyền lực của Trung Quốc.
Các nhà phân tích nói Bắc Kinh đã phớt lờ những chuẩn mực pháp lý và hoạt động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, ví dụ như Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết ngày 12.6.2016 của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA), trong đó tuyên Trung Quốc không hề có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông, và PCA bác bỏ “bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ để chiếm chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, gồm các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 220 hải lý của những quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei (4/10 nước thành viên ASEAN).
Năm nay Thái Lan là chủ tịch ASEAN. Các quan chức Thái Lan nói sẽ có tổng cộng 27 cuộc gặp cho đến ngày 3.8, có sự tham dự của 31 quốc gia và các khối liên minh. Bên cạnh Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN còn có các cuộc gặp khác, như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Ngoại trưởng các nước Đông Á.
Ngoại trưởng Mỹ, Nga và Trung Quốc - là các ông Mike Pompeo, Sergey Lavrov và Vương Nghị đến tham dự các cuộc họp này, trong khi các đối tác đối thoại của ASEAN gồm Úc, Ấn Độ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo AP, sự chú ý sẽ dồn vào các cuộc gặp bên lề này, trong đó khối ASEAN sẽ “thủ vai phụ”.
Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ phủ bóng lớn lên các cuộc gặp này, vào lúc cuộc chiến thương mại giữa hai bên vẫn quyết liệt. Bắc Kinh đang muốn mở rộng tầm ảnh hưởng qua dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường (BRI) và Mỹ đối phó BRI bằng tầm nhìn chiến lược Ấn Đô Dương - Thái Bình Dương Mở cửa và Tự do.
Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết: một đại diện của CHDCND Triều Tiên sẽ đến dự các cuộc gặp ở Bangkok, dù chưa rõ Bình Nhưỡng có cử Ngoại trưởng hay không. Mỹ đã xoa dịu vụ Triều Tiên mới đây phóng các tên lửa tầm trung, đồng thời bày tỏ ý muốn nối lại đàm phán về bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, nên có thể diễn ra các cuộc nói chuyện bên lề.
Cũng có tin Mỹ sẵn sàng tổ chức cuộc gặp bên lề với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm giải quyết bất đồng thương mại giữa hai nước Đông Á này. Sự bất đồng cũng kéo theo sự phản đối các hoạt động của Nhật đối với bán đảo Triều Tiên hồi Thế chiến 2, và nó đe dọa “đầu độc” các quan hệ vào lúc Mỹ muốn có một mặt trận đoàn kết khi đối phó Triều Tiên.
Mỹ Trinh (theo AP)