Trung Quốc phát triển vệ tinh laser săn tàu ngầm

Chuyển động - Ngày đăng : 14:20, 04/10/2018

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết Trung Quốc đang phát triển một loại vệ tinh laser dùng trong tác chiến tàu ngầm, được hy vọng có khả năng phát hiện được mục tiêu ở độ sâu 500 mét.
Trung Quốc có tham vọng phát triển vệ tinh dùng laser phát hiện tàu ngầm ở độ sâu lên đến 500 mét - Ảnh: SCMP

Dự án chính thức khởi động vào tháng 5 tại Phòng thí nghiệm quốc gia về khoa học- kỹ thuật hải dương ở thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông. Trang tin của đơn vị này cho biết vệ tinh laser nhằm mục đích tăng cường hoạt động giám sát các đại dương của Trung Quốc.

Dù chỉ mới trong giai đoạn thiết kế, nhưng linh kiện quan trọng của vệ tinh laser đang được hơn 20 viện nghiên cứu cùng trường đại học trên toàn Trung Quốc phát triển.

Tia laser nhân tạo mạnh có thể sáng hơn mặt trời 1 tỉ lần (ánh sáng mặt trời chỉ có thể thâm nhập không quá độ sâu 200 mét). Ông Tống Tiểu Toàn, một nhà nghiên cứu tham gia dự án, đánh giá vệ tinh laser sẽ “thay đổi gần như mọi thứ”.

Dự án của Trung Quốc khá tham vọng. Các nhà nghiên cứu trong hơn nửa thế kỷ đã cố gắng tạo ra một chùm laser săn tàu ngầm bằng công nghệ lidar.

Trên lý thuyết, khi laser chiếu vào tàu ngầm thì sẽ có xung phản xạ dội lại. Cảm biến sẽ đo xung phản xạ và máy tính sau đó sẽ phân tích để xác định vị trí, vận tốc cũng như hình dạng 3 chiều của mục tiêu. Thực tế không dễ dàng như vậy vì công nghệ lidar bị nhiều yếu tố tác động như hạn chế về thiết bị, độ sạch của nước, sinh vật biển. Không những vậy, chùm laser khi chuyển đổi môi trường nước sẽ chệch hướng hoặc phân tán nên khó đảm bảo tính toán chính xác được.

Hình mô phỏng hoạt động của vệ tinh laser - Ảnh: SCMP

Vệ tinh được thiết kể để chiếu chùm laser với nhiều màu sắc lẫn tần số, quét được một khu vực rộng đến 100km2 hoặc tập trung vào một điểm 1km2. Radar vi sóng tích hợp dù không thể thâm nhập xuống nước nhưng sẽ giúp phát hiện chuyển động của tàu ngầm, qua đó định hướng cho vệ tinh bắn laser.

Vệ tinh dự kiến sử dụng tia laser kết hợp radar vi sóng - Ảnh: SCMP

Trong những cuộc thử nghiệm do Mỹ và Liên Xô tiến hành trước đây, tia laser chỉ có thể phát hiện mục tiêu ở độ sâu chưa tới 100 mét. Tuy nhiên, nghiên cứu do một cuộc nghiên cứu do Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cùng Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng (DARPA) của Mỹ tài trợ đã mở rộng được tầm phát hiện. Một thiết bị phát triển bởi DARPA, gắn trên máy bay do thám, phát hiện mục tiêu nhỏ như thủy lôi ở độ sâu 200 mét.

Khả năng Trung Quốc có thể vượt hơn Mỹ bị nghi ngờ. Một nhà khoa học đến từ Phòng nghiên cứu Quang học và cơ khí chính xác Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cho rằng “500 mét là bất khả thi. Họ không thể phá vỡ bóng tối (dưới đại dương) được thiên nhiên bảo vệ”.

Mặc dù vậy, chính quyền Bắc Kinh vẫn tài trợ cho dự án, một phần vì bị hấp dẫn bởi ý tưởng sáng tạo chưa từng có mà nhóm nghiên cứu giới thiệu.

Cẩm Bình (theo SCMP)