Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không đến Bắc Kinh để 'đánh đấm'
Chuyển động - Ngày đăng : 17:37, 27/06/2018
Reuters ngày 27.6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết ông cùng người đồng cấp Ngụy Phong Hòa nói chuyện “cởi mở và chân thành”, bất chấp Mỹ-Trung đang căng thẳng về thương mại và vấn đề Biển Đông.
Ông Mattis là lãnh đạo Lầu Năm Góc đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ năm 2014, cũng đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc: ông hy vọng tất cả các cuộc đàm phán của ông ở Bắc Kinh sẽ đều là đối thoại “cởi mở và chân thành”.
Ông Mattis giải thích việc ông đến Bắc Kinh vì tầm quan trọng của quan hệ quân sự Mỹ với Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Ông Ngụy mới làm Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 3, nhắc lại mục tiêu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump “cần tăng cường tin cậy chiến lược” giữa Trung Quốc với Mỹ: “Chuyến thăm của ông là một yếu tố tích cực mới cho quan hệ quân sự và quan hệ cấp nhà nước. Vì thế, chúng ta cần xây dựng sự tin tưởng chiến lược, thậm chí hợp tác”. Cuối ngày 27.6, ông Mattis sẽ gặp các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Mattis xảy ra lúc Mỹ-Trung căng thẳng về thương mại, Bắc Kinh nghi ngờ ý đồ của Mỹ đối với Đài Loan vốn được Mỹ bán vũ khí trong khi Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ.
Khi lãnh đạo Lầu Năm Góc vừa đặt chân đến Bắc Kinh, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin tàu chiến đang tập trận từ hơn 1 tuần qua ở gần Đài Loan, và máy bay Trung Quốc thường bay quanh Đài Loan.
Theo Reuters, dù Mỹ-Trung cố gắng giữ liên lạc quân sự, nhất là ở cấp cao, hai bên vẫn nghi kỵ lẫn nhau. Mỹ cáo buộc Trung Quốc xây dựng trái phép và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, trong khi Bắc Kinh tức tàu chiến Mỹ tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) trên vùng biển này.
Cựu tướng thủy quân lục chiến Mỹ Mattis từng mạnh mẽ chỉ trích các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, hồi tháng 5 rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2018).
Dù vậy, hai bên vẫn còn những quan tâm chiến lược chung, như cần bảo đảm hòa bình-ổn định ở bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc hoan nghênh cuộc gặp lịch sử tại Singapore ngày 12.6 giữa ông Trump với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Ở đó, ông Kim hứa sẽ hoàn toàn phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, còn ông Trump tuyên bố ngưng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.
Trước chuyến đi của ông Mattis, Giáo sư Steve Tsang, một nhà phân tích chính trị nói với Newsweek: dù Đài Loan và Biển Đông là hai mối lo ngại lớn trong quan hệ Mỹ-Trung, hai vấn đề này sẽ không được đưa ra nói chuyện: “Trước khi rời Washington, xem ra Mattis đã nỗ lực ngoại giao. Tôi ngờ rằng ông ấy sẽ không nêu hai vấn đề cực kỳ khó chịu như Biển Đông. Ở đó, hai bên không có khả năng thu ngắn các bất đồng, Mattis đã phát tín hiệu với Trung Quốc rằng ông ấy sẽ đến nói chuyện một cách hữu nghị. Ông ấy không đến Bắc Kinh để đấu đá”.
Giáo sư Tsang nói thay vào đó, ông Mattis sẽ chú trọng vào các diễn biến ở Triều Tiên, và nỗ lực “hợp tác quân sự” Mỹ-Trung để kéo giảm những nguy cơ xảy ra sự cố. Ông cho rằng việc Mỹ có những nhượng bộ-như hủy tập trận chung Mỹ-Hàn-là để ông Mattis tìm sự hợp tác và ủng hộ của phía Trung Quốc.
Bích Ngọc (theo Reuters)