Pháp và Anh sẽ đưa tàu chiến đến Biển Đông thách thức Trung Quốc
Chuyển động - Ngày đăng : 06:55, 04/06/2018
Trong buổi phát biểu hôm thứ bảy tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã chỉ trích chính phủ Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông nhằm “đe dọa, o ép” các nước trong khu vực đồng thời cảnh báo việc quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc phải đối mặt với những hậu quả lớn hơn nhiều.
Song song với những tuyên bố cứng rắn nêu trên, ngày 3.6, Reuters đưa tin Mỹ đang xem xét tăng cường tuần tra hải quân ở Biển Đông, nhằm thách thức việc Trung Quốc quân sự hóa vùng biển này.
Trước thái độ của Mỹ, Trung Quốc phản ứng như thể họ là nạn nhân trong khi trên thực tế chính họ mới là những người leo thang tại Biển Đông suốt thời gian qua. Trung tướng Hà Lôi, Phó chủ tịch Viện Khoa học quân sự Trung Quốc, người dẫn đầu đoàn quan chức Bắc Kinh tham dự SLD, đã lập tức có phản ứng sau những lời cảnh báo của Mỹ.
Trang tin Phượng Hoàng dẫn lời trung tướng Hà: “Những năm gần đây, nhờ Trung Quốc và các nước ASEAN có liên quan cùng nhau nỗ lực, tình hình Biển Đông ổn định, không xảy ra xung đột lớn gì. Với vấn đề quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, thực sự gây ra chuyện này là quốc gia tiến hành hoạt động điều máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng biển và không phận các đảo của Trung Quốc (thực tế là nước này chiếm đóng trái phép)”.
Thế nhưng, Trung Quốc sau đó nhận liền 2 gáo nước lạnh khi 2 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an cùng lên tiếng ủng hộ quan điểm Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết một đoàn tàu hỗn hợp của Anh và Pháp có trang bị trực thăng sẽ đến Biển Đông vào tuần này. Bà Parly úp mở việc tàu chiến của hai nước sẽ đi qua khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền đồng thời nói luôn quan điểm của Pháp nếu "kẻ nào đó" lớn tiếng đe dọa.
"Khi đó, nếu có kẻ nào lên giọng cảnh báo chúng tôi đi vào vùng biển của họ và yêu cầu chúng tôi phải rời đi thì chúng tôi sẽ trả lời mình đang di chuyển trong vùng biển quốc tế nên cứ việc thực hiện tự do hàng hải theo luật quốc tế", bà Parly tuyên bố. SCMP nói rõ luôn "kẻ nào đó" mà bà Parly ám chỉ là Trung Quốc. Bà Parly cũng cung cấp thêm thông tin là trong đoàn tàu đó có cả các quan sát viên người Đức và Pháp đang mở rộng sự ủng hộ của EU đối với vấn đề Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cũng nói tại hội nghị rằng ba tàu chiến của hải quân Hoàng gia Anh sẽ được điều đến khu vực trong năm nay để chống lại ảnh hưởng hung ác và bảo vệ trật tự lâu dài. Ông Williamson nói: “Chúng ta cần nói rõ rằng các quốc gia phải chơi theo luật lệ và có những hậu quả nếu vi phạm luật chơi”.
Trước thông điệp mạnh mẽ từ Anh và Pháp, tướng Hà Lôi của Trung Quốc đành nhượng bộ nói rằng: "Biển Đông là khu vực tự do cho các hoạt động hàng hải thông thường" nhưng vẫn khăng khăng quan điểm sai trái là "không được vi phạm chủ quyền của Trung Quốc". Trên thực tế, chủ quyền mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên Biển Đông không được quốc tế thừa nhận.
Anh Tú