Mỹ ép đồng minh NATO tăng quân đề phòng Nga tấn công
Chuyển động - Ngày đăng : 13:41, 06/06/2018
Theo 4 quan chức Mỹ và NATO cho Reuters biết, Kế hoạch 30-30-30-30 của Mỹ cần sự chấp thuận từ cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng của khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này.
Theo đó, NATO phải có 30 tiểu đoàn bộ binh, 30 phi đội chiến đấu cơ hạng nhẹ, 30 tàu chiến hải quân như khu trục hạm sẵn sàng được triển khai trong vòng 30 ngày sau khi được đặt trong tình trạng báo động.
Tuy nhiên, kế hoạch không bàn cụ thể số quân hoặc thời hạn chót để thực hiện chiến lược trên. Tầm cỡ cấp tiểu đoàn khác nhau trong khối NATO, dao động từ 600 đến 1.000 quân.
Một nhà ngoại giao cấp cao NATO nói về Kế hoạch 30-30-30-30: “Chúng ta có một đối thủ (Nga) có thể hành quân thần tốc đến các nước vùng biển Baltic trong một cuộc tấn công trên bộ. Chúng tôi không thể có nhiều tháng để vận động quân số”.
Kế hoạch 30-30-30-30 là một thách đố cho các chính phủ châu Âu, vào lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy các nước tăng chi quân sự, để giải quyết các tình trạng như trực thăng, chiến đấu cơ bị đem cất vì thiếu linh kiện phụ tùng thay thế.
Ông Trump khi tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 từng dọa Mỹ sẽ rút khỏi NATO nếu các đồng minh không đồng ý chi 2% GDP cho quốc phòng.
Theo báo Washington Times, kinh nghiệm hoạt động trong đất địch của cựu tướng 4 sao thủy quân lục chiến Mỹ Mattis sẽ bị thử thách, khi ông dự hội nghị bộ trưởng quốc phòng NATO (bắt đầu từ ngày 6.6).
Cuộc họp này vào lúc Mỹ và các đồng minh châu Âu đang căng thẳng về thương mại, chương trình hạt nhân Iran, chính sách năng lượng, các lệnh trừng phạt Nga, cùng việc Mỹ đòi tăng chi quốc phòng và giúp Mỹ ở các điểm nóng như Iraq, Afghanistan.
Một quan chức Mỹ nói chủ đích Kế hoạch 30-30-30-30 là chống Nga, và phù hợp với chiến lược an ninh quốc gia 2018 (NSS) của Lầu Năm Góc vốn cáo buộc Nga “tìm cách phá hoại Tổ chức phòng thủ Bắc Đại Tây dương” (NATO).
Theo các quan chức phương Tây, cuộc tập trận rầm rộ Tây Tiến 2017 (Zapad) của Nga có 100.000 quân tham gia, cũng đã khiến có nỗi lo xảy ra xung đột ngoài ý muốn từ những cuộc tập trận này, hoặc nguy cơ quân Nga đánh chiếm các vùng nói tiếng Nga ở Litva, Latvia, Estonia (3 nước vùng biển Baltic).
Điện Kremlin cực lực bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, nói chính NATO mới là mối đe dọa an ninh ở Đông Âu. Nhưng vì Nga đã sáp nhập Crimea năm 2014 và can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria từ tháng 9.2015, Mỹ không tin thông tin công khai của Moscow, muốn NATO sẵn sàng đề phòng nguy cơ chiến tranh với Nga.
Với hơn 2 triệu quân, NATO đông quân hơn Nga vốn được cho là có khoảng 830.000 quân chính quy, theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, một tổ chức nghiên cứu quân sự ở Anh).
Việc Nga sáp nhập Crimea đã khiến NATO phải lập lực lượng phản ứng nhanh Mũi Lao, triển khai 4 tiểu đoàn đến 3 nước vùng Baltic và Ba Lan, với sự hỗ trợ của quân Mỹ và phương tiện cơ giới để tổ chức trú đóng luân phiên ở 4 nước này.
Nhưng hiện chưa rõ NATO sẽ dùng cách nào để di chuyển số quân lớn đến sườn phía đông, và khả năng giữ số quân này ở đó được bao lâu, vào lúc Anh đã phải giảm số quân có thể triển khai, còn Pháp phải trải quân gìn giữ hòa bình ở khắp châu Phi.
Theo nghiên cứu năm 2016 của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, mỗi nước trong khối Anh-Pháp-Đức có thể triển khai một lữ đoàn gồm 3 tiểu đoàn trở lên, cùng với xe tăng chiến đấu và xe bọc thép trong 1 tháng. Nhưng nguồn lực của 3 nước này đã bị cạn, khiến họ không đủ khả năng can dự vào các cuộc chiến khác.
Một vấn đề khác chưa được làm rõ, là liệu Kế hoạch 30-30-30-30 có thích ứng với những dự án khác, vốn được thúc đẩy để cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của châu Âu, đồng thời giải quyết sự thiếu thốn vũ khí cùng các khí tài quân sự khác.
Hồi tháng 12.2017, Liên hiệp châu Âu (EU) đã đạt một thỏa thuận quốc phòng, nhằm xây dựng các đội phản ứng trước tình trạng khẩn cấp, cũng để phát triển các loại tàu chiến, trực thăng mới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn nhắm đến việc lập một “lực lượng can thiệp” của châu Âu, do Pháp dẫn đầu.
Trung Trực (theo Reuters)