Đằng sau việc Mỹ bán tên lửa Mũi Lao cho Ukraine
Chuyển động - Ngày đăng : 05:43, 03/05/2018
Theo báo Washington Times ngày 1.5 (giờ Mỹ), chính phủ Tổng thống Petro Poroshenko đã nhận lô tên lửa Mũi Lao FGM-148 đầu tiên và đã giao cho quân đội Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Stepan Poltorak của Ukraine nói quân đội sẽ bắt đầu huấn luyện sử dụng vũ khí Mỹ ngay từ ngày 2.5.
Nga phản ứng giận dữ, Su-27 bay nguy hiểm gần máy bay Mỹ
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận lô hàng 210 quả tên lửa Mũi Lao và 37 dàn phóng hệ thống này đã được giao cho Ukraine vào cuối tuần qua.
Ngoài việc bán Mũi Lao cho Kiev, Mỹ còn đồng ý cấp một đội huấn huyện kỹ thuật cơ bản” làm cố vấn cho quân đội Ukraine, theo các quan chức Bộ Quốc phòng khi giải trình với các nghị sĩ Mỹ về thỏa thuận mua bán tháng 3.
Năm 2017, Nhà Trắng phê duyệt viện trợ vũ khí sát thương trị giá 47 triệu USD cho Ukraine và gói viện trợ này được phê duyệt hồi tháng 3.2018.
Nhà Trắng nêu lý do: Tổng thống Trump sẵn sàng cứng rắn với Nga khi Mỹ có quyền lợi quốc gia, ngay cả khi ông Trump nói muốn cải thiện quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước đó, ông Trump tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, để quân đội nước này chiến đấu với quân ly khai.
Lô hàng được giao đã khiến các quan chức Bộ Quốc phòng Nga và lãnh đạo quân ly khai phản ứng giận dữ.
Người phát ngôn Eduard Basurin của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự phong và thân Nga nói với hãng thông tấn Donetsk ngày 1.5: “Hôm nay, cánh xuyên tạc Ukraine phối hợp với Mỹ đỡ đầu đang sử dụng chiêu bài khác: họ khóc vì mừng có được Mũi Lao cho quân đội. Thứ vũ khí này chẳng đem lại bất kỳ thành tích thật sự nào trên chiến địa”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cáo buộc chính phủ Mỹ kích động chiến tranh bằng vụ bán vũ khí này, trong khi hồi tháng 12.2017, người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga nói vụ mua-bán Mũi Lao sẽ buộc Nga “đi đến những quyết định quân sự cứng rắn mới” ở Ukraine, nếu như quân Nga phải đối mặt với khí tài quân sự hiện đại của Mỹ.
Tuy nhiên, vài nhà phân tích quân sự dự báo Nga sẽ không làm gì, vì Mũi Lao khó có thể thay đổi cán cân quyền lực ở cuộc nội chiến tại đông Ukraine.
Mũi Lao là vũ khí vác vai, trang bị tên lửa dẫn đường “bắn và quên” và “chốt” mục tiêu bằng hồng ngoại, dành cho bộ binh Mỹ để chống tăng.
Khả năng đặc biệt của loại tên lửa này là Mũi Lao tấn công cầu vồng vào nắp của xe tăng, nơi có giáp yếu nhất, thay vì bắn thẳng vào thân xe như những loại tên lửa chống tăng thế hệ cũ.
Mũi Lao cũng được đặc chế để khắc chế các loại xe tăng, thiết giáp của Nga, dù loại vũ khí này chưa bao giờ thực chiến đối đầu với những mẫu tăng hiện đại nhất của Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã thông qua việc bán Mũi Lao cho Gruzia, Litva và Estonia, một trong những chính sách được cho là để khắc chế xe tăng Nga hiệu quả nhất nếu có chiến sự xảy ra.
Kết quả là theo một số chuyên gia thì quyết định của Mỹ mang tính chính trị là chính chứ không phải chiến thuật, cụ thể là cho thấy Mỹ ủng hộ những lực lượng chống Nga nhiều hơn mà thôi. Chuyên gia Ukraine Michael Kofman nói với Washington Post rằng Nga sẽ "coi đây là tiền đề của việc người Mỹ muốn giết người Nga", đẩy quan hệ Mỹ - Nga lên một mức căng thẳng mới.
Ông Michael Carpenter, một cựu quan chức Lầu Năm Góc và hiện lãnh đạo một tổ chức nghiên cứu thuộc Đại học bang Pennsylvania, đã viết trên Twitter: “Mũi Lao là vũ khí có ích và sẽ có kết quả ngăn chặn hạn chế, nhưng về cơ bản, vũ khí này không làm thay đổi khả năng chiến đấu của quân đội Ukraine. Điều quan trọng hơn chính là cơ cấu chỉ huy của lực lượng này cần được cải tổ theo qui chuẩn NATO, kèm với việc cần chú ý kỹ khâu huấn luyện và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân binh Ukraine”.
Chủ trương ngoại giao “Bán hàng nóng” Mỹ
Chính phủ tiền nhiệm Barack Obama từng không đồng ý cấp vũ khí sát thương cho Kiev, vì ngại hành động này có nguy cơ làm gia tăng xung đột giữa quân đội Ukraine với quân nổi dậy ở đông Ukraine đến mức nguy hiểm.
Nhà Trắng thời ông Obama đã muốn hạn chế viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng đồng ý huấn luyện và trang bị, gồm cung cấp vũ khí hạng nhẹ.
Tuy nhiên, việc Nhà Trắng thời ông Trump bán Mũi Lao có thể khiến mở cửa cho các nước khác bán vũ khí hạng nặng cho quân đội Ukraine đang chật vật ở đông Ukraine.
Tổng thống Poroshenko hoan nghênh quyết định bật đèn xanh của chính phủ ông Trump, bất chấp sức ép từ Moscow. Ông tuyên bố: “Mỹ không chỉ thực hiện thỏa thuận chung, mà còn thể hiện vai trò lãnh đạo và là một mẫu gương quan trọng. Cái giá mà Điện Kremlin phải trả vì xâm lược Ukraine sẽ còn tiếp tục tăng lên”.
Động thái bán Mũi Lao cho Ukraine phù hợp với mục tiêu tăng bán khí tài quân sự Mỹ cho các nước khác của chính phủ ông Trump, người có chủ trương “Mua hàng Mỹ” để Mỹ chiếm phần lớn miếng bánh trong thị trường vũ khí toàn cầu.
Ngoài việc thúc đẩy Quốc hội Mỹ phê duyệt bán vũ khí, Nhà Trắng cũng yêu cầu các quan chức Ngoại giao ở nước ngoài lo vận động hành lang các nước khác tiến hành đàm phán mua vũ khí với Washington.
Ông Trump cũng đích thân vận động khi gặp các lãnh đạo nước ngoài. Ngày 30.4, ông nói với Tổng thống Nigeria thăm Nhà Trắng rằng nên mua thêm vũ khí Mỹ, vì mảng quốc phòng của Tổng thống Muhammadu Buhari đang cần có xe tăng và máy bay.
Theo số liệu Lầu Năm Góc, các công ty Mỹ đã có doanh số bán vũ khí cho nước ngoài tăng 8,3 tỉ USD, tính từ năm 2016 đến năm 2017. Riêng năm ngoái, các công ty Mỹ kiếm tổng cộng 41,1 tỉ USD khi bán vũ khí hiện đại cho quân đội các nước khác.
Theo Washington Times, Nga cũng tích cực dùng kho vũ khí hiện đại khổng lồ làm công cụ ngoại giao, hiện tích cực tiếp thị hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung bình S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Mỹ đã phản đối việc Nga muốn bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong khối NATO do Mỹ dẫn đầu. Các quan chức NATO cũng nói vụ đàm phán này gây hại cho hoạt động điều phối giữa Mỹ với các nước đồng minh.
Bảo Vĩnh (theo Washington Times)