Tên lửa mà Trung Quốc đặt phi pháp ở Trường Sa có tầm phóng tới Nha Trang
Chuyển động - Ngày đăng : 17:28, 05/05/2018
Như báo điện tử Một Thế Giới đã đưa tin, các nguồn tình báo Mỹ tiết lộ trong vòng một tháng qua, Trung Quốc lén lút triển khai trên 3 cơ sở ở Trường Sa (đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp) hệ thống tên lửa chống hạm YJ-12B cho phép tấn công các tàu nổi trong phạm vi 295 hải lý (gần 550 km) và hệ thống tên lửa phòng không là HQ-9B, được tính toán có khả năng nhắm mục tiêu là máy bay, kể cả máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 160 hải lý (gần 300 km).
Trang Defence News trong bài viết đăng hôm 4.5 đã phân tích hành động trên của Trung Quốc có thể đe dọa đến an ninh trong khu vực. Trang Defence News dẫn lời Collin Koh, chuyên gia về Chương trình an ninh hàng hải tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore nói với Defense News rằng sự hiện diện của tên lửa nêu trên cho thấy Trung Quốc coi các hòn đảo nhân tạo (mà họ chiếm đóng phi pháp) là những nơi có giá trị chiến lược cao và xứng đáng phân bổ các nguồn lực để phòng vệ (thực tế là ngoan cố chiếm đóng phi pháp). Trên các đảo, đá mà họ chiếm đóng trái phép, Trung Quốc đã tích cực cải tạo để triển khai sân bay, nơi chứa tàu, căn cứ quân sự, cơ sở hạ tầng hỗ trợ quân sự và giờ là lắp đặt tên lửa.
Tầm phóng của tên lửa HQ-9B
Về tên lửa phòng không HQ-9B thì Defence News cho rằng nó được Trung Quốc chế tạo nhái theo hệ thống phòng không S-300 của Nga. Với HQ-9B có tầm bắn gần 300 km, Trung Quốc tự tin có thể đối phó với mọi máy bay trên bầu trời quần đảo Trường Sa.
Phạm vi hỏa lực của tên lửa YJ-12B khi đặt phi pháp ở Trường Sa
Còn tên lửa đối hạm YJ-12B còn nguy hiểm hơn khi nó có thể vươn tới lãnh thổ các nước trong khu vực. Theo Defence News, tầm bắn của YJ-12B đạt gần 550 km thì về mặt lý thuyết, nó cho phép Trung Quốc nhắm đến mọi tàu nổi trong một vòng cung trải dài từ bờ biển miền Trung Việt Nam, đến bang Sabah phía đông của Malaysia và đảo Palawan của Philippines.
Đối với Mỹ, các tên lửa của Trung Quốc đặt phi pháp ở Trường Sa cũng sẽ khiến các tàu chiến, tàu bay của Lầu Năm Góc căng thẳng hơn khi muốn thực thi quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Thực không dễ chịu gì khi bạn phải hành quân trong tầm ngắm bắn của một ai đó.
Tháng trước, báo Mỹ cũng đưa tin khẳng định Trung Quốc đã cài đặt thiết bị làm nhiễu tín hiệu ở Trường Sa. Điều này không gì khác ngoài việc khiến máy bay của Mỹ bị mất tín hiệu liên lạc khi bay qua Biển Đông. Trung Quốc đang thực sự thách thức Mỹ nhưng theo chiến thuật giữ hành động khiêu khích dưới lằn ranh đỏ, đủ để Mỹ dù tức giận nhưng chưa đến mức phản ứng quyết liệt. Và khi cộng đồng thế giới không phản ứng đúng mức thì Trung Quốc cứ việc lấn tới, leo thang trên Biển Đông.
Đầu năm nay, Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương Harry Harris đã trình bày với Quốc hội Mỹ rằng việc củng cố sức mạnh quân sự ấn tượng của Bắc Kinh, bao gồm cả việc theo đuổi vũ khí siêu âm, có thể thách thức Mỹ trên hầu hết mọi phương diện".
"Trong khi một số người suy nghĩ rằng hành động Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông là kiểu chủ nghĩa cơ hội, còn tôi thì không. Tôi xem chúng như là hành động có sự phối hợp, có phương pháp và có chiến lược, sử dụng sức mạnh quân sự và quyền lực kinh tế của họ để xóa bỏ trật tự quốc tế tự do và cởi mở". Harris phát biểu trước Ủy ban quân vụ của thượng viện.
Anh Tú