Kích cầu du lịch ‘hậu COVID-19’, cần những đột phá
Du lịch - Ngày đăng : 13:45, 20/05/2020
Sau 3 tháng phải “ngủ đông” để chống dịch, các doanh nghiệp đang khởi động tích cực, mong sớm trở lại dáng xưa. Du lịch là ngành dễ tổn thương, chịu tác động sớm nhất, nặng nề nhất và hồi phục chậm nhất. Hết dịch, dù rất cố gắng, du lịch vẫn chưa thể tăng tốc. Bởi muốn du lịch, phải có tiền trong khi kinh tế cạn kiệt, cả công ty lẫn gia đình.
Xét ở khía cạnh nào đó, đại dịch COVID-19 giúp con người giác ngộ và thay đổi nhiều thói quen cố hữu. Ai cũng biết và mong muốn. Tất cả đều nóng lòng và lúng túng, chưa biết làm thế nào cho hiệu quả. Cũng như các ngành khác, sau dịch, du lịch sẽ từng bước hoạt động bình thường theo cách mới. Nhưng mới như thế nào thì chưa rõ.
Phải chăng là phát triển hình thức du lịch theo nhóm bạn, nhóm gia đình tự tổ chức? Đi xe nhà và xe công cộng. Xe đò liên tỉnh, hầu hết chất lượng cao. Nhiều hãng có dịch vụ “Door to door” (đưa đón tại nhà). Chẳng hạn như hãng xe Hà Sơn Hải Vân tuyến Hà Nội – Lao Cai còn đãi khách buffet phòng lạnh như khách VIP hàng không. Thuê xe tự lái cũng là lựa chọn mới, để chủ động và thoải mái hơn. “Free Easy Tour” (Dịch vụ từng phần) thay vì trọn gói là xu thế mới.
Giãn cách xã hội mấy tháng, ai cũng cuồng chân, thèm đi để giảm stress nhưng gặp ngay thủ tục đầu tiên - tiền đâu - cản trở. Các doanh nghiệp đang tìm mọi cách hạ giá thành, tăng dịch vụ, khuyến mãi đủ thứ để kéo khách đến. Mấy ngày này, dân du lịch, kể cả những công ty lâu nay chuyên đưa đón khách quốc tế, hễ gặp nhau là bàn là “Kích cầu nội địa”.
Việt Nam hết dịch nhưng các nước thì chưa nên “nội” sẽ thay “ngoại” lên ngôi, khách nội địa càng có giá. Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã triển khai kế hoạch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Ngành du lịch cùng đồng ca slogan “Người Việt dùng hàng Việt”. Cùng nhau động viên “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong, dù đục cũng là …cái ao”. Tiềm năng và tài nguyên du lịch Việt Nam đâu kém gì thiên hạ, có thứ còn hơn, mỗi vùng đều có tương đồng lẫn khác biệt.
Muốn kích cầu phải khuyến mãi, giảm giá, càng sâu càng tốt. Khổ nỗi, nhiều dịch vụ không biết giá gốc nên khách hoài nghi. Sản phẩm du lịch dùng xong mới rõ chất lương nên khách do dự. Ai cũng hô hào kích cầu nhưng làm thế nào cho hiệu quả thì vẫn chưa cụ thể. Từng nơi, đành chủ động theo điều kiện và cách thức của mình.
Trong Hội nghị trực tuyến của Hiệp Hội Du lịch Việt Nam ngày 6.5.2020, Hiệp Hội Du lịch các tỉnh thành đã kiến nghị nhiều chính sách và cách làm có phần tạo bạo. Tuy nhiên, đề nghị là một chuyện, thực hiện thế nào là chuyện hoàn toàn khác. Ngay lúc đang giãn cách xã hội, Tổng cục Du Lịch, Các Hiệp Hội và doanh nghiệp cũng đã kiến nghị nhiều chính sách sát sườn nhưng vẫn chờ chỉ đạo.
Tổng kết, Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình hoan nghênh, ghi nhận ý kiến của từng địa phương và nhấn mạnh “Ta khó, nhưng ngành khác cũng khó. Đất nước lại chưa giàu. Do vậy Tổng cục và Hiệp Hội Du lịch Việt Nam chỉ có thể trực tiếp làm việc và kiến nghị (lại kiến nghị) tháo gỡ những vướng mắc căn bản. Các địa phương cần chủ động liên kết, tạo sản phẩm mới và kích cầu sáng tạo”.
Có cầu mới kích được. Chưa có cầu, tìm cách tạo ra cầu để kích. Kích cầu là cần thiết và cầp bách, không chỉ riêng ngành du lịch. Ngày 8.5, trước khi Bộ VHTTDL ban hành kế hoạch kích cầu, thành phố Huế đã tiên phong giảm 50o/o giá vé các điểm tham quan từ 1/5 – 31/7.
Ngày 14.5, tỉnh Quảng Ninh miễn phí vé tham quan vịnh Hạ Long, Khu di tích danh thắng Yên Tử và Bảo tàng Quảng Ninh trong tháng 5 và một số ngày lễ trong tháng 6 và 7. Các ngày còn lại của tháng 6 và 7 sẽ áp dụng hình thức mua 1 tặng 1 (giảm 50%) tại 3 điểm này.
Đây là những đột phá doanh nghiệp lữ hành đang cần. Ước gì những việc tương tự được các đối tác lưu trú, ăn uống, vận chuyển ở Huế và Quảng Ninh cùng hưởng ứng, để nhân ra từng địa phương thì thật tuyệt.
Việc giảm giá cần đồng bộ các dịch vụ trong cùng tour để dễ chào bán sản phẩm. Không thể kích cầu như trước đây, nơi giảm nơi không; thậm chí trong cùng địa phương cũng khác biệt, nhiều đơn vị vẫn đứng ngoài cuộc chơi. Lúc khó khăn mới biết tình bạn, khi hoạn nạn mới hiểu tri âm. Chính lúc này, là dịp sàng lọc đối tác, chọn mặt gởi vàng, hợp tác lâu dài.
Giữa không khí tích cực, sẵn sàng hưởng ứng của các đơn vị thành viên, sự tham gia của các ngành khác; rất cần có những sản phẩm đột phá như Huế, để kích hoạt, tạo hiệu ứng thi đua dây chuyền trong kích cầu du lịch nội địa.
Tác giả bài viết, cũng là người làm việc lâu năm trong lãnh vực du lịch “mạo muội” góp ý vài đề xuất:
1.Thay vì giảm giá thì mua 3 tặng 1 (giảm 25%) vào cuối tuần, mua 2 tặng 1 (giảm 33%) vào đầu và giữa tuần các dịch vụ phòng, bữa ăn, tham quan, vận chuyển… theo giá ký hợp đồng với các công ty lữ hành. Gói giảm giá combo, đã tính phí tổ chức tối thiểu cho công ty lữ hành, để thống nhất giá bán và không áp dụng cho các dịch vụ từng phần (Free Easy Tour).
2. Khi dịch cúm H1N1 phong tỏa du lịch quốc tế năm 2009, Thái Lan tung gói kích cầu nội địa “Bay đi, bay về, chỉ 4.000 bath” (1 USD = 30 bath) trên toàn lãnh thổ, với dịch vụ cao cấp trọn gói 4 ngày. Lập tức, các khách sạn 4 – 5 sao gần như kín chỗ. Việt Nam có thể vận dụng cách làm tương tự cho các trọng điểm du lịch, tạo thành quả đấm mạnh, đột phá.
3. Chào gói combo đón khách tại từng địa phương (chưa bao gồm vận chuyển) với từng loại dịch vụ từ 3 – 5 sao, giảm đồng loạt các dịch vụ từ 30% trở lên. Hoặc áp dụng khuyến mãi như mục 1. Dùng sản phẩm làm quà tặng kích cầu, không giảm giá kiểu “Thằn lằn tự ăn đuôi”.
Để kích cầu du lịch hiệu quả, vẫn rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, cụ thể là giảm 50% các khoản thu thuế VAT, thuế Lợi tức và bảo hiểm xã hội đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện đợt kích cầu chỉ cần 2 – 3 tháng để lấy đà, sau đó ổn định và tăng tốc.
Bản chất kích cầu du lịch không phải là khuyến mãi đơn thuần. Thực chất là cao điểm marketing và quảng bá sản phẩm trong điều kiện bình thường mới sau dịch. Các doanh nghiệp lẫn khách hàng đang chờ nhưng đột phá mạnh mẽ hơn về sản phẩm.
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng