'Thu phí chia tay xuất cảnh du lịch giống với trạm BOT đặt nhầm chỗ'
Du lịch - Ngày đăng : 14:24, 17/06/2019
Mới đây, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng vừa đề nghị Quốc hội thu “phí chia tay” khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài với mức thu từ 3-5 USD/người/lần.
Theo lý giải của đại biểu này, đây là nguồn thu đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để sử dụng cho các hoạt động bảo hộ công dân ở nước ngoài hay xúc tiến, quảng bá du lịch.
"Không thể so sánh các nước họ làm rồi, Việt Nam cũng phải học hỏi theo"
Chia sẻ trên Dân trí, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho hay, thực tế đề xuất thu phí khách du lịch để có nguồn thu ổn định, đóng góp xây dựng Quỹ xúc tiến du lịch đã được các chuyên gia thảo luận rất nhiều lần.
Đây là điều thiết thực, rất cần thiết cho các hoạt động du lịch, tuy nhiên, cách diễn giải của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng chưa rõ ràng, nên gây hiểu lầm, bức xúc cho dư luận.
Ông Bình phân tích, thông thường ở các nước trên thế giới họ đều có một khoản thu để phục vụ cho việc phát triển du lịch hay còn được gọi là thuế du lịch. Trong đó, phổ biến nhất là họ thu phí của khách quốc tế đến du lịch ở quốc gia mình với mức thu khoảng 1 USD/ khách. Loại thứ 2 là họ thu phí của khách xuất cảnh ra nước ngoài.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho hay, thực tế đề xuất thu phí khách du lịch để có nguồn thu ổn định, đóng góp xây dựng Quỹ xúc tiến du lịch đã được các chuyên gia thảo luận rất nhiều lần
Các nguồn thu này được đóng góp vào hai hoạt động chính là: Quảng bá, xúc tiến du lịch và bảo vệ môi trường.
“Với Việt Nam, việc thu phí của người dân khi ra nước ngoài là hơi sớm, không hợp lý trong thời điểm hiện nay mà nên thu phí của khách quốc tế đến Việt Nam. Bởi họ chính là đối tượng được hưởng lợi từ các dịch vụ du lịch và họ phải có nghĩa vụ đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, vấn đề an ninh an toàn, xây dựng cơ sở vật chất… tại nơi họ đến”, ông Bình khẳng định.
Cũng theo ông Bình, hiện nay nguồn kinh phí để phục vụ cho các hoạt động du lịch ở Việt Nam được lấy từ ngân sách nhà nước. Do chi phí hạn hẹp nên việc quảng bá, xúc tiến du lịch không hiệu quả và còn tồn tại nhiều bất cập.
“Hiện nay, Thái Lan mỗi năm chi cho xúc tiến, quảng bá du lịch vào khoảng 20 triệu USD, Việt Nam chỉ mới bằng 10% với khoảng 2 triệu USD. Đây là con số rất khiêm tốn”, ông Bình nói.
Năm 2018 Việt Nam đón 15,5 triệu khách quốc tế, ông Bình cho rằng, nếu chúng ta áp dụng việc thu thuế 1 USD/ khách, thì đã có thể thu về 15 triệu USD để phát triển du lịch mà không cần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Đồng ý với việc cần phải có một quỹ để đóng góp vào các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhưng PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, không thể bắt người dân phải bỏ tiền, đóng phí cho hoạt động này.
“Không thể lấy ví dụ là các nước họ đã làm rồi mà Việt Nam phải làm theo. So sánh này rất khập khiễng, thiếu thuyết phục bởi các nước họ khác biệt chúng ta về thể chế, chính sách và đặc biệt thu nhập của người dân họ cao”, ông Lương nhấn mạnh.
Ông Lương phân tích thêm khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, công dân đã phải trả lệ phí cho các thủ tục hành chính theo quy định. Vì vậy, việc yêu cầu người dân phải đóng thêm một khoản tiền dù là nhỏ cũng chưa hợp lý, dễ gây bức xúc.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc thu phí người dân khi xuất cảnh là chưa hợp lý tại thời điểm này. Thay vào đó, có thể thu phí đối với khách du lịch quốc tế khi vào Việt Nam.
"Phí chia tay giống với trạm BOT đặt nhầm chỗ"
Trong khi đó, nói về đề xuất thu "phí chia tay" đối với công dân Việt Nam khi xuất cảnh ra nước ngoài, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty du lịch HanoiRedTours cho rằng giống với “trạm thu BOT đặt nhầm chỗ” bởi: “Chúng ta không thể bắt người Việt đi ra nước ngoài đóng phí để thu hút người nước ngoài đến Việt Nam vì chuyện đó không liên quan tới họ”.
Theo ông Hoan, nếu nói khoản phí này để nâng cao chất lượng xuất nhập cảnh thì lẽ ra phải thu phí cả hai bên. Tức là khách quốc tế đến Việt Nam cũng phải đóng, chứ không chỉ bắt buộc riêng công dân đi ra nước ngoài phải móc tiền chi trả? Ngoài ra, cơ quan công an đã được nhà nước trao quyền làm chức năng, hỗ trợ người dân trong việc xuất – nhập cảnh, nên việc thu thêm một khoản phí nữa là điều vô lý, khó chấp nhận được.
Với đề xuất thu phí để sử dụng cho hoạt động bảo hộ công dân ở nước ngoài, ông Hoan cũng cho rằng điều này thiếu thuyết phục, chưa rõ ràng bởi đây cũng là trách nhiệm của Đại sứ quán, Bộ Ngoại Giao.
“Tôi cho rằng, người dân, du khách sẽ sẵn lòng đồng thuận đóng phí nếu việc này được sử dụng đúng mục đích cho các hoạt động du lịch, cũng như phải được quản lý công khai, minh bạch, rõ ràng”, ông Hoan nói.
Một số chuyên gia du lịch cũng cho rằng nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Australia, Thái Lan… áp dụng được việc thu “phí chia tay” hay phí khởi hành là bởi họ có các quy chế rõ ràng trong việc quản lý nguồn thu chi.
Cụ thể, Nhật Bản thu thuế 1000 Yên với bất cứ du khách nào sau khi rời khỏi nước này, doanh thu sẽ được chính quyền sử dụng để xây dựng hệ thống nhận dạng khuôn mặt tại các sân bay, đồng thời cung cấp các thiết bị đa ngôn ngữ tại các công viên, các điểm du lịch văn hóa.
Tại Malaysia, từ 1/8/2017, nước này cũng tiến hành thu thuế du lịch đối với các du khách trong nước và quốc tế. Thuế du lịch sẽ căn cứ vào thời gian địa điểm du khách nghỉ qua đêm. Nguồn thu này sẽ được sử dụng để phát triển du lịch Malaysia.
"Trước đó, chúng ta có thuế bảo vệ môi trường nhưng người dân luôn nghi ngờ không biết khoản tiền đó được sử dụng ra sao, hiệu quả như thế nào? Nếu không có sự minh bạch, cụ thể thì chắc chắn người dân họ cũng sẽ không thoải mái khi phải bỏ thêm tiền cho hoạt động du lịch, dù số tiền đó không lớn", PGS.TS Phạm Trung Lương nói.
Theo Hà Trang – Dân Trí