Đà Lạt xô lệch và những nỗi buồn của thành phố sương
Du lịch - Ngày đăng : 12:02, 14/03/2019
Những nóc nhà xuyên thủng màn sương
Đà Lạt là đô thị mang vẻ đẹp tự thân. Vốn liếng của thành phố nằm trên cao nguyên Lang Biang là địa hình đồi núi, khí hậu mát lạnh với những rừng thông cổ thụ tĩnh mịch. Chính thế nên khi người Pháp khám phá ra vùng đất này đã thận trọng biến nơi đây thành một “thành phố thư nhàn”, gắn liền với thiên nhiên. Ý đồ đó đã để lại cho Đà Lạt một di sản kiến trúc độc đáo.
Kiến trúc là một phần giá trị to lớn của Đà Lạt, nhưng sự phát triển không đồng bộ trong suốt nhiều năm, thiếu kiểm soát chặt chẽ đã khiến những gì từng có của thành phố chịu nhiều mất mát, xô lệch.
Điều dễ thấy nhất là sự mai một của những biệt thự cổ. Theo thống kê sơ bộ, thành phố trước đây sở hữu hơn 1.500 biệt thự cổ, hiện tại chỉ còn khoảng 400 căn, với gần 200 căn trong số đó thuộc sở hữu tư nhân.
Biệt thự cổ đã ít, nay lại càng ít hơn. “Thành phố ngày xưa có tận 1.500 biệt thự, nhưng bây giờ thì chẳng còn lại bao nhiêu. Giờ đây khắp nơi khách sạn, hàng quán chen nhau, tiếc vô cùng”, ông Luân, chủ một quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh chia sẻ.
Thành phố từng được xây dựng thành một thể thống nhất, hòa hợp với nhau, bây giờ đã bị chia tách. Đà Lạt phát triển hơn, người tứ xứ đổ về sinh sống, nhà cửa chen chúc nhau tranh từng kẽ hở của không gian. Diện mạo kiến trúc của Đà Lạt giờ đây chỉ còn những ô màu lẫn lộn.
Nhiều cung đường vốn đại diện cho nét đẹp Đà Lạt như Nguyễn Chí Thanh, Phan Bội Châu, ấp Ánh Sáng... cũng chịu cảnh xáo trộn do quy hoạch không đồng bộ, nhà biệt lập chen chúc với nhà liên kế, biệt thự cổ nằm xen lẫn với nhà phố, quán cà phê.
Hàng dài các khu trung tâm thương mại, tòa nhà phức hợp chức năng đã, đang được xây dựng như: Dalat Center (Chợ Mới Đà Lạt), Đà Lạt Travel Mall...
Tiến sĩ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người từng tham gia góp ý đồ án "Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, chia sẻ: “Dân số tăng nhanh và đô thị hóa là hai yếu tố gây áp lực nhất với việc giữ gìn những giá trị kiến trúc của Đà Lạt”.
Ngay trên con đường di sản Trần Hưng Đạo, nơi thông ôm ấp những biệt thự cổ, một tòa trung tâm thương mại trắng toát đã sừng sững chiếm mất một khoảng trời với mong muốn “thu Đà Lạt vào trong tầm mắt”.
Kiến trúc đã từng là một trong những giá trị tạo nên một Đà Lạt tinh tế, bí ẩn. Nhưng thời điểm hiện tại thì bản sắc kiến trúc một thời dần dần biến mất, Đà Lạt đang phải khoác lên mình một chiếc áo mới như biến mình trở thành một Sài Gòn nhỏ trên cao nguyên.
Đà Lạt là thương hiệu gắn liền với thiên nhiên hài hòa, khí hậu mát mẻ, cảnh quan thơ mộng và kiến trúc độc đáo, đó là những giá trị nền tảng của thành phố.
Nếu thiếu đi bất kỳ yếu tố nào, Đà Lạt cũng sẽ đánh mất bản sắc của chính mình. “Phần lớn trách nhiệm thuộc về các cấp quản lý. Với một thành phố như Đà Lạt, quy hoạch cần thận trọng, thực hiện quy hoạch cần nghiêm khắc, có như vậy mới giữ được bản sắc của nó”, KTS Nam Sơn phân tích.
Một ngày thành phố không còn buồn
Dân số Đà Lạt năm 2010 là 210.000 người, đến năm 2018 là gần 300.000 người. Lượng khách du lịch đến với thành phố ngàn hoa trong năm 2018 là hơn 6,5 triệu lượt.
Đà Lạt đang trở thành nơi mọi người tìm đến để gửi gắm những buồn vui của mình. Thành phố trên cao nguyên Lang Biang trầm lặng trước kia giờ luôn tấp nập bước chân người. Người ta nói tới Đà Lạt như một thứ trào lưu tân thời, cứ mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, ai cũng “trốn lên Đà Lạt”, chỉ mỗi Đà Lạt là không biết trốn đi đâu.
Một đô thị vốn dĩ được quy hoạch để chứa 150.000 dân giờ mở lòng đón nhận gấp đôi từng đấy, phải tính đến là hàng triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm.
Thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Lâm Đồng năm 2018 cho thấy doanh thu từ du lịch của Đà Lạt là một con số mà bất cứ nơi nào cũng ao ước: gần 12.000 tỷ đồng. Thế nhưng đổi lại, Đà Lạt đang dần quá tải.
Du khách bây giờ đến Đà Lạt lấy đi những vẻ đẹp tự nhiên, trả lại khung cảnh tan hoang phiền não, nhìn đâu của các khu du lịch cũng thấy từng đụn rác nhỏ.
Chợ Đà Lạt luôn ngập rác sau mỗi tối tiệc tàn, rác chỏng chơ trên khắp cung đường thản nhiên như thể nó vốn dĩ phải ở đó.
Có một Đà Lạt ở trong văn chương, thành phố sương là điều gì đó mỏng manh cần chở che và khám phá. Nhưng giữa thời đại mà tiền được tính bằng giây, ngày càng hiếm những lữ khách mang theo lòng kiên nhẫn tìm hiểu sự bí ẩn, tinh tế của thành phố. Nhiều người đến rồi đi thật nhanh, bỏ lại sau lưng là rác.
Thói quen sống nhiều năm của gia đình bà Thu (65 tuổi, trú ở đường Phạm Hồng Thái, Đà Lạt) cũng đã nhiều đổi khác khi Đà Lạt phát triển hiện đại không ngừng: "Giờ cô không còn đi chợ buổi sớm nữa mà mua đồ siêu thị, tuần một lần thôi. Trước cô hay đi bộ chơi buổi tối nhưng giờ đông đúc quá nên chuyển sang đi buổi sáng".
Cụ Dũng 80 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt vẫn giữ được những thói quen suốt nhiều năm nay. Mỗi sáng bận một bộ vest được là cẩn thận, cụ chống gậy đi bộ dạo quanh thành phố rồi dừng chân ở cà phê Bà Năm. Quán cà phê lâu năm cụ ngồi giờ lúc nào cũng đông khách du lịch, nên cụ dậy sớm hơn để được ngồi yên tĩnh.
Trước sự thay đổi chóng mặt của Đà Lạt, cụ nhẹ nhàng chia sẻ: “Bây giờ, hiếm khi thành phố thực sự yên tĩnh nữa, sáng tối lúc nào cũng đông đúc, phát triển thì vui nhưng mà nhanh quá”.
Trong đề án Quy hoạch Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, thành phố sẽ nới rộng mình để gánh vác thêm nhiều trọng trách: Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm du lịch, nông nghiệp kinh tế của Tây Nguyên. Một lượng tiền lớn đổ vào Đà Lạt để nâng tầm vóc nơi đây trở thành một đô thị đảm đương nhiều trách nhiệm, nhưng bản tính Đà Lạt mất dần theo từng đồng tiền đầu tư biến đổi thành phố.
Ai đã mang rừng thông đi
Đã có những tháng ngày, Đà Lạt kiêu hãnh bởi vô số rừng thông cổ thụ. Đà Lạt và thông như chẳng thể tách rời. Nhưng giờ đây, thông ở Đà Lạt luôn phải sống trong trạng thái lo sợ. Thông phải nhường chỗ cho các dự án đồ sộ, bị thay thế bởi những homestay mọc san sát, “trả lại” không gian cho các ngôi nhà hay những quán cà phê liên tục xuất hiện.
Theo quy hoạch từ trước đến nay, nhà cửa không được xây dựng quá 3 tầng để không che mất ngọn thông. Nhưng dưới sự phát triển quá nhanh của Đà Lạt, cánh rừng thông nội đô ngày nào giờ chỉ còn trơ trọi lại vài cây lác đác xen lẫn nhà.
Tới cả những cánh rừng thông còn được cất giữ bên Hồ Tuyền Lâm giờ cũng đang trên ngưỡng cạn kiệt. Nhiều khu biệt thự, resort luân phiên xuất hiện, thông cũng “thuận theo lẽ” mà biến mất. Tiếng thông reo ở Tuyền Lâm bị lấn át bởi tiếng động cơ xe tải, tiếng chát chúa từ các công trình xây dựng.
Theo đề án quy hoạch hồ Tuyền Lâm (Quy hoạch chung Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm - thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt) một nửa diện tích ở đây sẽ được khai thác thành các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, resort, khách sạn... nửa còn lại là không gian mặt nước và quy hoạch để phát triển thành các khu du lịch sinh thái. Theo ước tính, để “biến đổi” khu vực hồ Tuyền Lâm, người ta phải chặt bỏ hơn 98.000 cây thông.
Thông còn “hy sinh” vì canh tác nông nghiệp, từ những ngọn đồi đầy thông, bây giờ đã thay thế bởi nhà kính, vườn rau. Những căn nhà kính nằm uốn lượn từ dưới thung lũng lên đỉnh đồi, và trơ trọi giữa mênh mông nhà kính ấy là vài cây thông còn sót lại.
Phía ngoại ô và vùng phụ cận của Đà Lạt, thông cũng bị triệt tiêu dần. Người dân đầu độc cánh rừng thông bằng nhiều biện pháp để lấy đất canh tác. Thông ở Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương bị đổ thuốc trừ sâu, đỏ cháy từ gốc lên ngọn, trở thành gỗ xây chuồng bò, những khoảng đất ven rừng thì người nông dân chuyển hóa thành những rẫy cà phê, cao su.
Khuyết mất thông, Đà Lạt mất hẳn một phần hồn, tên gọi “thành phố ngàn thông” rồi cũng sẽ rơi vào quá vãng.
Chúng ta đã đánh mất một Sa Pa lặng lẽ, và đang lấy đi của Đà Lạt một nỗi buồn.
Theo Hoàng Việt – Hoàng Quỳnh/ Zing