Phim 18+ 'Game of Thrones': Rồng đẻ trứng vàng cho HBO

Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 20:33, 16/08/2017

Trước sự lấn át ngày càng mạnh của các đơn vị sản xuất phim trực tuyến như Amazon và Netflix, HBO vẫn có thể tự tin vào vị thế của mình nhờ vào con át chủ bài mang tên Game of Thrones (tạm dịch: Trò chơi vương quyền).

Những thập niên cuối cùng của thế kỷ trước chính là thời kỳ hoàng kim của lĩnh vực truyền hình tại Mỹ. Nó phát triển song song với kinh đô điện ảnh Hollywood và cho ra đời hàng loạt ngôi sao nổi tiếng cùng những series phim kinh điển. Mặc dù vậy, tình hình đã hoàn toàn thay đổi sau khi Internet xuất hiện.

Internet đã mang đến thêm nhiều hình thức giải trí đa dạng cho khán giả. Giờ đây, họ không cần phải chờ đợi hằng tuần để xem một tập phim từ các kênh truyền hình hoặc canh giờ để thưởng thức MV yêu thích trên MTV nữa. Với Internet, khán giả có thể truy cập 24/7 tất cả những nội dung mà họ muốn. Trừ những người lớn tuổi, giới trẻ hiện nay hầu như đã quay lưng lại với chiếc TV ở phòng khách.

HBO là kênh truyền hình cáp đầu tiên và lâu đời nhất hiện nay tại Mỹ

Thành lập vào năm 1972, HBO là kênh truyền hình cáp trả phí đầu tiên tại Mỹ và là viết tắt của cụm từ Home Box Office (tạm dịch: "Rạp chiếu phim tại gia"). Phương thức hoạt động của HBO là chiếu lại những bộ phim điện ảnh do các studio lớn tại Hollywood sản xuất. Tất nhiên là sau khi chúng đã rời rạp được vài tháng. Ngoài ra, HBO còn cho ra đời nhiều series phim dành riêng cho khán giả của đài. Nổi tiếng nhất có thể kể đến Sex and the City, The Wire, The Sopranos, Entourage, Six Feet Under, Boardwalk Empire...

"Sex and City" là một trong những series phim thành công nhất của HBO

Năm 1997, Netflix chính thức đi vào hoạt động. Đây là công ty chuyên cho thuê DVD và phát triển khá nhanh. Năm 2010, Netflix lần đầu đưa ra dịch vụ truyền dữ liệu tại thị trường quốc tế. Tính đến nay, Netflix đã có mặt tại hơn 130 quốc gia bao gồm Việt Nam. Chưa hết, Amazon cũng phát triển thêm Amazon Prime với cách thức vận hành tương tự như Netflix.

Netflix và Amazon Prime là 2 đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhau

Những thứ từng là thế mạnh của HBO nay đã không còn độc quyền nữa. Đặc biệt, việc những bộ phim dài tập của Netflix được tung ra toàn bộ trong cùng một ngày đã phá vỡ nguyên tắc chiếu phim truyền thống (hằng tuần) của HBO. House of Cards (2013-nay) chính là mũi tên tiên phong và đã gặt hái được thành công lớn.

Thế nhưng, đứng trước sự thay đổi như vũ bão của thời thế, HBO vẫn có thể tự hào với vị thế đàn anh của mình do đang nắm giữ một quân át chủ bài. Và đó chính là series phim Game of Thrones.

Poster của "Game of Thrones" mùa đầu tiên

Thuộc thể loại giả sử viễn tưởng, Game of Thrones được chuyển thể từ loạt tiểu thuyết A Song of Ice and Fire (1997-nay) của nhà văn người Mỹ George R.R Martin. Vốn là một nhà biên kịch đầy kinh nghiệm, Martin đã mang đến nhiều chất liệu thú vị cho các nhà sản xuất tha hồ phát triển.

Mùa đầu tiên công chiếu vào năm 2011 đã thành công vang dội. Sức hút cực lớn của nó đã vượt ra khỏi biên giới của nước Mỹ và nằm ngoài dự đoán của bất kỳ chuyên gia nào. Họ không nghĩ rằng một series phim “lai căng” giữa Lord of the Rings và các câu chuyện cung đấu thời Trung cổ vẫn còn có thể khiến cho khán giả quan tâm đến như thế.

Loạt tiểu thuyết của George R R Martin

Thật vậy, mỗi năm HBO chỉ chiếu 10 tập thế nhưng khán giả vẫn kiên trì chờ đợi. Khoảng thời gian giữa các mùa, họ lùng sục toàn bộ tiểu thuyết của George Martin khiến cho doanh số của chúng tăng chóng mặt và leo lên vị trí quán quân của bảng xếp hạng New York Times. Hàng loạt website và fan-page ăn theo Game of Thrones trên Internet xuất hiện như nấm mọc sau mưa.

Đặc biệt nhất, chính là dù đã chiếu tới mùa thứ 7 nhưng rating của Game of Thrones chỉ có tăng chứ không giảm. Điều này chưa từng có tiền lệ. Rating trung bình của 6 mùa trước lần lượt là 2,52 triệu người, 3,80 triệu người, 4,97 triệu người, 6,84 triệu người, 6,88 triệu người và 7,69 triệu người.

Một cảnh trong tập "Eastwatch"

Mùa 7 hiện đang chiếu vừa chứng kiến tập có rating cao nhất từ trước đến nay là Eastwatch với 10,72 triệu người bất chấp toàn bộ kịch bản của mùa 7 đã bị lộ vào tháng trước.

Tính đến nay, Game of Thrones đã sở hữu 110 đề cử giải Emmy với 38 tượng vàng, nhiều hơn bất kỳ series phim truyền hình nào trong lịch sử. Peter Dinklage (thủ vai Tyrion Lannister) chiến thắng 2 lần ở hạng mục diễn xuất. Ngoài ra, Game of Thrones còn mang về hàng loạt giải thưởng danh giá khác như Quả cầu vàng, Screen Actors Guild, BAFTA, People’s Choice, Hugo Awards…

Ekip làm phim tại lễ trao giải Emmy

Có rất nhiều lí do giải thích cho thành công của Game of Thrones.

Đứa con cưng của HBO đã không đi theo lối mòn xây dựng nhân vật từ các series phim trước. Không có nhân vật nào là hoàn toàn thiện hoặc ác cũng như không có bất kỳ ai là an toàn dưới ngòi bút của George Martin, kể cả tuyến nhân vật chính. Cái chết của Ned Stark trong mùa đầu chính là lời cảnh báo cho cách kể chuyện tàn nhẫn này xuyên suốt series. Đến mùa thứ 3, đám cưới máu (“Red Wedding”) chứng kiến sự ra đi của hàng loạt nhân vật được yêu thích đã khiến cho khán giả thêm một phen nữa hốt hoảng và… buồn nôn.

Những cái chết thương tâm và bất ngờ chính là thương hiệu của "Game of Thrones"

Dán mác 18+, Game of Thrones đầy những cảnh nóng, quan hệ đồng tính và giết người man rợ. Sự đa dạng về văn hóa trong thế giới giả tưởng của Game of Thrones cũng khiến cho khán giả tò mò và thích thú. Chi tiết nhân vật Sansa Stark bị hãm hiếp bởi chính người chồng trong đêm tân hôn ở mùa 5 được xem là một trong những phân cảnh gây tranh cãi nhất trong lịch sử phim truyền hình.

Cảnh Sansa Stark bị hãm hiếp trong đêm tân hôn đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội trên mạng xã hội

Ngoài ra, những đoạn chiến đấu hoành tráng trong Game of Thrones được so sánh ngang với tầm của các phim bom tấn được trình chiếu ngoài rạp. Điều này không lấy làm khó hiểu khi HBO chi ra hơn 100 triệu USD hằng năm chỉ để cho khâu sản xuất.

Cụ thể, cuộc chiến giành lại Winterfell giữa Jon Snow – Ramsay Bolton (tập 9, mùa 6), cuộc tàn sát của White Walker lên dân wilding (tập 8, mùa 5) và màn thể hiện uy quyền của Daenery Targaryen (tập 4, mùa 7) được báo cáo là đã ngốn hết hàng chục triệu USD của HBO để dàn dựng.

Có thể nói, HBO đã chứng minh được một điều: Nếu sở hữu một series phim đủ hay, bạn vẫn có thể bắt khán giả phải chờ đợi được. Trái ngược hoàn toàn với Netflix hay những kênh trực tuyến tương tự.

Đáng tiếc, dù thành công đến đâu, Game of Thrones cũng sẽ kết thúc vào năm sau ở mùa 8. Thế nhưng đó không phải là dấu chấm hết cho lục địa Westeros và Essos trên màn ảnh nhỏ.

Bên cạnh 7 cuốn tiểu thuyết chính (hiện ra đến 5), George Martin còn viết thêm rất nhiều tiền truyện xảy ra trong thế giới giả tưởng của mình. Chính vì thế, nhà sản xuất của Game of Thrones cho biết họ sẽ sử dụng chúng để làm chất liệu cho những phần phim ăn theo.

"Game of Thrones" sở hữu hàng trăm nhân vật với nhiều câu chuyện thú vị riêng

Tháng 5 năm nay, HBO đã công bố dàn biên kịch phụ trách cho ít nhất 4 phần phim ăn theo. Và tất nhiên là họ đều phải làm việc độc lập với George Martin. Nhà văn 68 tuổi này cho biết rất có thể nội dung chính của phần đầu tiên sẽ xoay quanh cuộc nổi loạn của Robert Baratheon vốn là nguồn cơn dẫn đến bối cảnh trong Game of Thrones.

Tương lai của HBO cũng như cách thức chiếu phim truyền hình truyền thống sẽ như thế nào khó mà dự đoán trước. Game of Thrones có phải là trường hợp ngoại lệ? Liệu những phần phim ăn theo có giúp HBO duy trì vị thế của mình hay không? Những câu hỏi này chỉ có thể để cho thời gian trả lời.

Mai Thảo