Thắng Donna: 'Tình cho không chưa chắc đã có ai lấy!...'

Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 15:57, 17/03/2017

Vào lúc 21 h, tối nay, thứ Sáu, 17.3 tại phòng trà WE (Lê Quý Đôn - Q.3 - TP.HCM) sẽ có chương trình biểu diễn dành cho người yêu nhạc Pháp chủ đề "Tình cho không biếu không" do nhóm Thắng Donna & Những người bạn thực hiện. Ở thời buổi tấp bật cơm áo, 'tình cho không' chưa chắc đã có ai lấy và một chương trình âm nhạc đầu tư tốn kém, vẫn chưa chắc đã có khách đến...
Đêm nhạc

Vào lúc 21 h tối nay, thứ Sáu ngày 17.3 tại phòng trà WE (Lê Quý Đôn - Quận 3 - TP.HCM) sẽ có chương trình ca nhạc dành cho những người yêu nhạc Pháp chủ đề "Tình cho không biếu không -l Amour c est pour rien" do nhóm Thắng Donna & Những người bạn thực hiện. Ở thời buổi cơm áo gạo tiền nháo nhào hiện tại, "tình cho không" chưa chắc đã có ai lấy và một chương trình âm nhạc đầu tư tốn kém, công phu chưa chắc đã có người muốn đến! Vậy vì sao vẫn "bỏ tiền túi" ra để thực hiện? Trả lời cho các câu hỏi, báo Điện tử Một Thế Giới đã tìm hiểu thực hiện bài viết này.

Thắng Donna đã đến tòa soạn theo lời mời. Qua trao đổi, chúng tôi biết anh không quá mạo hiểm ngu ngơ vì đã từng "âm thầm" tổ chức rất nhiều live show có thể gọi là "máu mê" nên "tự bỏ tiền để được hát nhạc Pháp". Có chương trình làm ở Cần Thơ trong ngáy hội Pháp ngữ được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Thắng Donna, tên thật là Nguyễn Đức Thắng, xa quê từ hơn 30 năm nay. Từ năm 2010, anh chọn cuộc sống giữa nước Pháp và Sài Gòn. Anh làm trong lĩnh vực Y khoa xét nghiệm bệnh di truyền và đào tạo tiếng Pháp. Chuyên "trị" dòng nhạc Pháp. "Tất cả cuộc sống tôi kết cấu bằng tình yêu âm nhạc". Anh bày tỏ

Thắng Donna đang hát bài "Aline" (1965) ca khúc nổi tiếng của Nhạc sĩ, Danh ca Christophe - cây đại thụ của nhạc Pháp - cho chính ông nghe tại nhà hát Hòa Bình nhân một chuyến lưu diễn của ông ở Sài Gòn.


*Như vậy, lý do anh hát nhạc Pháp cũng bằng tình yêu? Liệu có phi thực tế?

Thắng Donna: -Thứ nhất tôi muốn hát để quay lại với thời mới lớn, cái tuổi 15. Với những bản nhạc mượt mà như Donna Donna (Thương tiếc), Mal (Cơn đau tình ái)... và những bài khác. Thứ hai là hát để khơi lại những kỷ niệm cho tầng lớp những anh chị cùng thế hệ của mình 6X, 7X. Thứ ba, giới thiệu nền âm nhạc Pháp với thế hệ trẻ hiện nay.

-Anh có gặp khó khăn gì khi chọn dòng nhạc Pháp trong khi nhạc Mỹ chiếm đa số thị trường Sài Gòn?

Tôi chọn nhạc Pháp vì tình yêu. Tôi chọn sự đam mê chứ không theo xu hướng xã hội. Âm nhạc để nuôi sống tinh thần chứ không phải để kiếm cơm. Con người luôn hướng về cái đẹp và tôi tin chắc rằng, một ngày không xa, nhạc Pháp sẽ trở lại trong lòng mỗi người từ già đến trẻ.

-Liệu có quá lạc quan? Tôi nhớ không nhầm cách đây cách mấy năm đêm biểu diễn của "ông Hoàng nhạc Pháp" là Nhạc sĩ, Danh ca Christophe, một tên tuổi lớn âm nhạc Pháp tại nhà hát Hòa Bình cũng đâu có nhiều người xem. Đặc biệt, vắng bóng các bạn trẻ mà chỉ toàn những người già hoài cổ. Thời hoàng kim đã qua?

Tôi không nghĩ như vậy! Việc danh ca, nhạc sĩ Christophe có mặt ở Việt Nam là tín hiệu nhạc Pháp trở lại đấy chứ! Vấn đề có thể truyền thông chưa tốt cho buổi diễn độc đáo ấy. Vì cái bóng trong âm nhạc của ông hoàng nhạc Pháp này ảnh hưởng thế giới khá rõ nét. Mọi việc cần phải thử nghiệm mới biết kết quả! Ngay những chương trình của tôi bao giờ cũng mong muốn tìm kiếm khán giả, lôi kéo các bạn trẻ trở về tiếp cận dòng nhạc này. Thời hoàng kim đôi khi do chính người nghệ sĩ mơ ước và dám dấn thân hay không?

-Có lẽ nên tin như vậy để làm nghệ thuật. Như anh, bắt đầu từ đam mê không chuyên khi nghề chính là xét nghiệm di truyền và dạy tiếng Pháp. Từ khi nào Thắng Donna quyết định cầm đàn đi hát ?

Tôi được học đàn gutare từ tuổi lên 10. Thời mà gia đình còn thiếu thốn về vật chất, bố tôi vẫn dành dụm tiền cho con đi học những môn nghệ thuật như đàn và vẽ. Ở Pháp, tôi vẫn giao lưu với các bạn bè người Pháp nhưng ở Sài Gòn, nơi mà thật sự tôi có thể khai thác đam mê của mình, ôm đàn đi hát ở những quán cà phê hằng đêm. Vâng, bắt đầu từ năm 2010 đến nay.

-Thật thú vị. Liệu có ai giúp anh trong lĩnh vực "tay trái" này không?

Tôi may mắn gặp những bậc đàn anh dìu dắt về kỷ thuật như guitarist Công Danh Sinco, tay trống Huỳnh Hiệp, cùng nhiều ca sĩ, nghệ sĩ khác. Tôi cũng phải tự học, đào luyện thêm khả năng mình như đã tốt nghiệp khóa luyện thanh tại trường âm nhạc Nguyễn Du - TP.HCM và được giải đơn ca trong kỳ thi do chính nhà trường tổ chức. Tất cả những nổ lực trên giúp tôi đủ tự tin để thực hiện đam mê...

-Theo thông tin trên mạng xã hội với từ khóa “Thắng Donna”, chúng tôi biết anh đã tham gia rất tích cực trong các hoạt động từ thiện, sinh hoạt cộng đồng...

Hạnh phúc lớn của tôi là được khán giả phản hồi tích cực. Một khi tôi nhận được hạnh phúc này, tôi muốn chia sẽ nó với đồng loại kém may mắn hơn mình. Tôi tổ chức những đêm nhạc để gây quỹ cho trẻ khuyến tật, hoặc gây quỹ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt năm 2016... và nhiều hoạt động tương thân tương ái khác. Và tôi sẽ tiếp tục xử dụng âm nhạc để làm cho mọi người bớt nhọc nhằn hơn trong cuộc sống hằng ngày của họ.


Guitarist Công Danh, một nghệ sĩ nổi tiếng, được đánh giá cao trong giới chơi nhạc Sài Gòn đệm đàn cho Thắng Donna hát trong chương trình

Được biết anh có phương pháp đào tạo tiếng Pháp “không giống ai” nhưng rất hiệu quả ?

Tôi hướng dẫn sinh viên tôi tiếp cận với tiếng Pháp qua ẩm thực Pháp và âm nhạc Pháp. Được may mắn, sống hơn 30 năm tại Pháp, tôi hiểu được nước Pháp qua các món ăn của họ và qua từng câu từ trong âm nhạc. Từ đó, tôi yêu nước Pháp và ngôn ngữ của họ trở thành của mình lúc nào không hay. Tôi muốn chia sẽ kinh nghiệm này với sinh viên tôi.
Tháng 2.2017, trong kỳ thi dành cho các giảng viên trên 27 nước trên thế giới về đề tài “Phương pháp tạo động lực cho học viên tiếng Pháp”, phương pháp của tôi đã dành được giải nhất. Đây là niềm vinh hạnh xin chia sẻ cùng bạn đọc.

-Trở lại với đêm nhạc Tình cho không biếu không" tối nay diễn ra tại phòng trà We. Đâu là show lớn nhất của anh từ trước đến nay và nghe đâu đầu tư khá kỹ lưỡng, tốn kém. Liệu có đủ thu bù chi khi hiện nay nhiều live show của các ca sĩ tên tuổi vẫn ế ẩm không có khách ?

Tôi đã biết điều đó nhưng vẫn thực hiện. "Tình cho không" nhiều khi cũng khó tìm ra người nhận đúng nghĩa như tình hình hiện nay. Nhưng người nghệ sĩ cần tin tưởng vào con đường nghệ thuật mình đang đi và phải sẵn sàng đối đầu với thử thách. Đây là một chương trình hay với nhiều thể nghiệm mới về nhạc Pháp qua tiếng hát của các ca sĩ Candy Xuân, Bạch Lan, Quang Vĩnh, Lan Thảo, guitarist Bùi Thiên An... và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác Các bạn yêu thích nhạc Pháp chắc chắn sẽ không thất vọng. Chỉ biết nói như vậy. Rất mong được chia sẻ tình yêu nhạc Pháp với mọi người.

Cám ơn Thắng Donna về cuộc trò chuyện. Chúc anh thành công trong đêm nhạc để không thất vọng khi "Tình cho không biếu không ".

Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện